Triệt tiêu sức ì chuyển giao vốn

(ĐTTCO) - Thực hiện theo Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ (về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020), từ nay đến năm 2020.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ cổ phần hóa và bán vốn 5 DN, đầu tư nắm giữ 3 DN và cả giai đoạn sẽ bán vốn tại 137 DN. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông NGUYỄN ĐỨC CHI (ảnh), Chủ tịch HĐTV SCIC, cho biết:

 Quyết định 58 đã xác định rõ ràng ngành nghề mà Nhà nước nắm giữ 100% hay bao nhiêu phần trăm vốn tại DN, những DN mà Nhà nước sẽ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc không nắm giữ. Đây là tiền đề quan trọng để các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty triển khai thực hiện trên nguyên tắc công khai minh bạch. Con số 137 DN mà SCIC bán vốn được xác định theo danh mục hiện nay, còn nếu sau này nắm giữ thêm sẽ tiếp tục bổ sung.
Danh mục DN của SCIC hiện có 144 DN với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách 18.098 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ 87.991 tỷ đồng. Trong đó có 22 DN nhóm A1 với tỷ trọng vốn nhà nước 60,4%, 13 DN nhóm A2 với tỷ trọng vốn nhà nước 6,3%, 33 DN nhóm B1 chiếm tỷ trọng vốn nhà nước 26,5% và 76 DN nhóm B2 chiếm tỷ trọng vốn nhà nước 6,8%.

5 DN chúng tôi sẽ cổ phần hóa, bán vốn gồm Công ty TNHH Khai thác đá An Giang, Công ty TNHH Thương mại Tràng Tiền, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển HPI, Công ty TNHH MTV In biểu mẫu thống kê, Công ty In thống kê TPHCM. Còn 3 DN tiếp tục nắm giữ là: Công ty TNHH SCIC (sẽ nắm giữ 100% vốn), CTCP Cơ khí khoáng sản Hà Giang (đang nắm 47%) và Công ty Viễn thông FPT (đang nắm giữ 50%). Với những DN SCIC vẫn đang nắm vốn, mùa đại hội cổ đông, chúng tôi thống nhất cao nguyên tắc đầu tiên là phải giữ giá trị vốn của Nhà nước ở DN, đồng vốn không chỉ bảo toàn mà còn tăng trưởng. Khi đạt được mục tiêu đó, các vấn đề khác không khó để giải quyết. 

PHÓNG VIÊN: - Vậy trong hoạt động đầu tư, SCIC có những dự án nào đáng chú ý, thưa ông?

Ông NGUYỄN ĐỨC CHI: - Chúng tôi đang đầu tư nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư. Lĩnh vực khám chữa bệnh, dược phẩm được SCIC ưu tiên tìm kiếm đầu tư. Chúng tôi mong muốn thông qua việc đầu tư sẽ mở ra cơ hội xây dựng DN hoàn toàn của Việt Nam có khả năng sản xuất thuốc chữa ung thư cho người Việt Nam với chi phí, hiệu quả nhất, đồng thời SCIC cũng thu được lợi ích về kinh tế. Chúng tôi đang làm việc với một số đối tác uy tín nước ngoài để chuyển giao công nghệ Tây dược từ châu Âu, từ đối tác Đức và Tây Ban Nha. Nếu thành công, tôi chắc chắn chi phí của người bệnh sẽ thấp hơn so với điều trị ở bên ngoài. Tuy nhiên, con số cụ thể chưa thể đưa ra được vì nghiên cứu khả thi đang xây dựng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng hoạt động đầu tư liên quan tới hạ tầng xã hội. SCIC đã xúc tiến và ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư cùng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều theo hình thức PPP; đầu tư tháp tài chính quốc tế và sẽ khởi công cuối quý III đầu quý IV… Chúng tôi cũng thường xuyên tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác với mục đích cao nhất là mang lại hiệu quả cho đồng vốn nhà nước.

- Tại một hội thảo về chuyển giao DN về SCIC, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết còn hơn 200 DN thuộc diện phải chuyển giao vốn nhà nước về SCIC nhưng chưa thực hiện. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Danh sách DN chúng tôi đã làm việc với bộ, ngành, địa phương và thống nhất chuyển giao về SCIC là 61 DN, hiện đã nhận 15 DN, còn tiếp tục chuyển giao 46 DN. Trên thực tế vẫn có những DN mà SCIC và bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất. SCIC đề nghị chuyển vốn nhà nước về SCIC theo quy định, trong khi các bộ, ngành đề nghị xem lại 176 DN. Để giải quyết việc này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang xem xét lại cụ thể DN nào chuyển về SCIC, DN nào không. SCIC cũng chỉ là DN, do vậy để chuyển giao vốn về SCIC, chúng tôi phải báo cáo các bộ, ngành, địa phương để đề nghị thực hiện quy định pháp luật về chuyển giao. Song thực tế từ năm 2011 đến nay, chúng tôi mới nhận 94 DN có phần vốn lớn nhỏ khác nhau với vốn của Nhà nước chỉ 2.700 tỷ đồng. 

Chuyện “trước là chủ nay không là chủ DN nữa” là nguyên nhân khiến việc chậm trễ chuyển giao vốn nhà nước, đồng thời cho thấy sức ì lớn trong nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương. Ngoài nỗ lực SCIC, chúng tôi cho rằng vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí vô cùng quan trọng trong việc tác động để việc này đi đúng theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy việc quản lý vốn thông qua SCIC tỏ ra hiệu quả hơn so với mô hình bộ, ngành, địa phương chủ quản đối với DN. Kết quả hoạt động kinh doanh của các DN có vốn nhà nước sau khi chuyển giao sang SCIC quản lý đã đạt hiệu quả hơn rõ rệt, vốn nhà nước được quản lý chặt chẽ hơn và đã không ngừng sinh sôi với mức tăng trưởng cao.

- Trong bán vốn nhà nước tại DN, SCIC gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Có những DN không hấp dẫn nhà đầu tư nên việc bán vốn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có những DN bán đi bán lại nhưng không ai mua và chúng tôi phải đi tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng khác. Theo tính toán của chúng tôi, hiện có gần 80 DN khó bán. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm bán vốn với tinh thần làm theo các quy định pháp luật, tìm nhà đầu tư và thoái vốn một cách công khai, minh bạch nhất.

Về chi phí, theo kế hoạch, năm nay SCIC đặt mục tiêu tổng doanh thu 11.241 tỷ đồng; tổng chi phí 2.911 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.330 tỷ đồng. Có người thắc mắc tại sao tổng chi phí lại lớn như vậy khi SCIC chỉ có hơn 200 người. Cần hiểu rằng đây là khoản chi phí vốn, không phải chi phí hành chính.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác