Thủy sản nhiều lợi thế cho mục tiêu 10 tỷ USD

(ĐTTCO) - 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thủy sản đạt gần 4 tỷ USD, theo như dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 6 tháng cuối năm kết quả sẽ tốt hơn và toàn ngành hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD.
 Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hoè (ảnh), Tổng thư ký Vasep.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, cơ sở nào để toàn ngành tự tin sẽ đạt mức 6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm? 
Thủy sản nhiều lợi thế cho mục tiêu 10 tỷ USD ảnh 1 
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: - Trước hết nhìn lại xuất khẩu 6 tháng đầu năm, tuy tình hình chung có chậm lại đôi chút theo chiều hướng của mặt hàng tôm nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Một số mặt hàng chính vẫn có kết quả tốt như cá tra, có mức tăng 21% trong 6 tháng đạt gần 1 tỷ USD. Việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ đều rất khả quan. Xuất khẩu tôm tuy có giảm nhưng 6 tháng vẫn đạt 1,6 tỷ USD, các mặt hàng như cá ngừ, hải sản cũng có mức tăng tốt. 
Bước qua 6 tháng cuối năm, mục tiêu của toàn ngành 6 tỷ USD cũng là con số đầy thách thức. Vì để đạt được mỗi tháng phải xuất khẩu tăng thêm 100 triệu USD để đạt trung bình 1 tỷ USD/tháng. Song cũng có những cơ sở để thực hiện được mục tiêu này. Thứ nhất, giai đoạn cuối năm nhu cầu của hầu hết các thị trường nhập khẩu đều tăng cao hơn, nên xuất khẩu cũng thuận lợi hơn.
Thứ hai, sau nhiều biến động ở các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, thủy sản Việt Nam đã có độ tín nhiệm nhất định nên khả năng tăng mạnh là hoàn toàn có thể, các doanh nghiệp (DN) lại đang tích cực mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Cùng với đó yếu tố tỷ giá thời gian này đang có lợi cho DN xuất khẩu, vì thế nếu không có biến động nhiều 6 tháng cuối năm con số 6 tỷ USD cũng sẽ hoàn thành. 
Trong các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam ban đầu cá tra vẫn bị lo ngại không hoàn thành mục tiêu. Nhưng đến nay dự kiến mặt hàng này vẫn mang về khoảng 2 tỷ USD cho năm 2018. Những rào cản từ thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn từ Hoa Kỳ, đã được DN chuẩn bị tâm lý đón nhận nên việc xuất khẩu vẫn duy trì ổn định, tăng vào những tháng cuối năm này.
Riêng mặt hàng tôm sau giai đoạn khủng hoảng thừa nguồn cung vừa rồi khiến giá tôm thế giới giảm, thì dự báo xuất khẩu tôm sẽ hồi phục trong tháng 7 và những tháng tiếp theo, vì nhu cầu trên thị trường đang tăng trở lại, giá tôm nguyên liệu trong nước cũng có xu hướng tăng, nên nông dân sẽ lại an tâm đầu tư nuôi tôm. Còn hải sản và cá ngừ cũng đang có những tín hiệu phục hồi rõ rệt ở thị trường châu Âu, dù chúng ta vẫn đang phải đối mặt với thẻ vàng IUU. 
- Trong khi nhiều nhóm ngành xuất khẩu khác đang lo ngại về những tác động hai chiều từ cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, dường như thủy sản lại không mấy lo lắng? 
- Phải thấy rằng cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là hai thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam, trong đó vài năm trở lại đây Trung Quốc là điểm đến của mặt hàng cá tra. Tuy nhiên, theo góc nhìn của tôi cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc này không có tác động nhiều đến ngành thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu.
Vì Hoa Kỳ chủ yếu nhắm vào hàng công nghệ của Trung Quốc, còn Trung Quốc không phải đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, nên hiện tình hình cũng không có biến động gì đáng kể.
Tất nhiên phía hiệp hội cũng có những khuyến cáo DN, nên thận trọng đánh giá tác động của cuộc chiến này để có những phản ứng kịp thời. Vì như tôi đã phân tích, ảnh hưởng trực tiếp không nhiều nhưng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi những động thái như phá giá đồng NDT của Trung Quốc để hỗ trợ xuất khẩu… 
- Lâu nay Trung Quốc vẫn được xem là thị trường khá dễ tính, nhưng gần đây phía hiệp hội lại đưa ra cảnh báo DN phải kiểm soát tốt chất lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường này, ông có thể nói rõ hơn? 
- Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tình hình xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc liên tục tăng trưởng nóng. Các DN Việt Nam khi làm ăn với đối tác Trung Quốc cũng chuyển dần theo hướng chuyên nghiệp hơn khi xuất hàng theo đường chính ngạch, và dần ổn định việc buôn bán theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn có một lượng hàng hóa nhất định do thương lái thu mua, chế biến chưa được kiểm soát chất lượng tốt và xuất đi theo đường tiểu ngạch. Điều này nếu không kiểm soát chặt sẽ không tạo sân chơi công bằng, gây ảnh hưởng đến các DN làm ăn bài bản. 
Hiệp hội đã gửi một số công văn báo cáo tình hình xuất khẩu cá tra sang thị trường này với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương và đề nghị siết chặt hơn nữa hoạt động kiểm soát chất lượng hàng cá tra đi qua đường “ngách” này.
Bên cạnh đó chúng tôi tiếp tục khuyến cáo các DN hội viên chủ động tuân thủ chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng Chứng thư thủy sản xuất khẩu theo quy định.
Đồng thời, DN cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản xuất khẩu nói chung, cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu. Vasep cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để phát hiện, xử lý những trường hợp gian lận thương mại, góp phần giữ vững uy tín hình ảnh cá tra, basa Việt Nam, phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường lớn Trung Quốc và các thị trường khác.
Theo thông tin của Bộ Công Thương, hiện nay theo đề nghị của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc, theo đó cung cấp thông tin chi tiết về: Hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu nói chung và cá tra nói riêng sang thị trường Trung Quốc từ khâu nuôi trồng, kiểm soát chất lượng nước nuôi, giám sát dư lượng hóa chất kháng sinh trong sản phẩm nuôi, quản lý hoạt động thu gom, sơ chế, chế biến, xuất khẩu. 
 Bộ NN&PTNT đang đề nghị phía Trung Quốc tăng cường phối hợp, kiểm tra các lô hàng thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, chỉ cho phép nhập khẩu các lô hàng thủy sản được sản xuất bởi các cơ sở Việt Nam có tên trong danh sách được phép xuất khẩu sang thị trường này, kèm theo Chứng thư do Cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp.

Các tin khác