Thuế giảm, người dân vẫn khó tiếp cận xăng dầu giá rẻ

(ĐTTCO) - Vấn đề này được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại, xăng dầu đặt ra tại hội thảo thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế.
Thuế giảm, người dân vẫn khó tiếp cận xăng dầu giá rẻ
Hội thảo do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phối hợp với Tạp chí Xăng dầu & Cuộc sống tổ chức sáng 16-5 tại Hà Nội. 
Bởi lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các FTA Việt Nam đã tham gia như, FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), hay hiệp định thương mại hàng hóa Asean (ATIGA)… là tất yếu. Theo đó mức thuế nhập khẩu xăng dầu đã giảm về 10% và thấp hơn với từng dòng sản phẩm xăng dầu. 
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, thị trường xăng dầu nội địa đang chịu áp lực lớn bởi cam kết quốc tế và các FTA Việt Nam đã tham gia. Tính đến năm 2017, mức tiêu thụ xăng dầu vào khoảng 16 triệu m3, sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 40% còn lại 60% phải nhập khẩu. Nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm thì khả năng sẽ cân đối đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Nhưng khi thị trường xăng dầu đã hội nhập sâu với thị trường khu vực và thế giới, cũng đặt ra yêu cầu phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước, điều này cũng quyết định sự tồn tại phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam và thị trường xăng dầu Việt Nam những năm tới. Vấn đề đặt ra trong những năm tới là có mở cửa thị trường xăng dầu hay không, và có cần thiết lập hàng rào kĩ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. 
Mấy năm qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam liên tục kiến nghị Chính phủ phải điều chỉnh cơ cấu thu cho phù hợp với lộ trình giảm thuế xuất nhập khẩu xăng dầu. Năm 2016, thuế nhập khẩu xăng dầu đã về 20%, sắp tới giảm về 10% với xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc. Thực tế này dẫn đến yêu cầu phải điều chỉnh nguồn thu để bù đắp hụt thu ngân sách. Nguồn thu trong dịch vụ xăng dầu chưa kể dầu khí những năm qua cực kì lớn, có thời kỳ nguồn thu này chiếm 15% tổng thu ngân sách. Hiện nay khi thuế xăng dầu đã giảm nguồn thu từ xăng dầu chưa kể dầu khí vẫn ở mức 7-8% tổng thu ngân sách.
Vì vậy, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị ngay năm 2018 cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, bù đắp hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết FTA. Đồng thời, cần xử lý hài hòa 3 lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng, và của DN, qua đó đưa ra chiến lược phát triển lâu dài cho thị trường.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khuyến nghị, nên xem xét thêm phương án chủ động tính thuế theo thị trường có mức thuế nhập khẩu cam kết thấp nhất ở thời điểm nhập khẩu dù họ nhập khẩu từ các thị trường FTA khác nhau. Áp dụng như vậy, Nhà nước tuy có bị giảm thu từ thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thu từ phần thuế thu nhập DN do DN không phải tăng giá mua từ thị trường có thuế suất thấp và việc tính thuế bình quân gia quyền cũng sát đúng hơn. Trong trường hợp cần tăng thu ngân sách, Nhà nước có thể tăng phí hoặc thuế nội địa. 
Việc cắt giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trong đó có thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, vì thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu lớn. Nên trong thời gian tới cần có tính toán hợp lý với lộ trình giảm thuế xuất, nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và DN.

Các tin khác