Thế khó của thị trường

Sau 3 phiên giao dịch đầu tuần, với 2 phiên tăng và 1 phiên giảm, VN Index đã thêm 12,87 điểm, lên mức 469,32 điểm. HNX Index cũng tăng 2 phiên và giảm 1 phiên, nhưng điểm số lại giảm nhẹ 0,13, xuống mức 83,79 điểm.

Sau 3 phiên giao dịch đầu tuần, với 2 phiên tăng và 1 phiên giảm, VN Index đã thêm 12,87 điểm, lên mức 469,32 điểm. HNX Index cũng tăng 2 phiên và giảm 1 phiên, nhưng điểm số lại giảm nhẹ 0,13, xuống mức 83,79 điểm.

Phiên ngày 25-4, khi VN Index tăng hơn 9 điểm, HNX Index tăng 1,35 điểm cùng KLGD hơn 34 triệu đơn vị, nhiều NĐT đã kỳ vọng về một giai đoạn chuyển biến tích cực hơn cho thị trường. Nhưng diễn biến phiên ngày 26-4 lại khiến không ít người thất vọng khi cả thanh khoản lẫn điểm số trên cả hai sàn đều giảm trở lại. Một chút hy vọng lại được nhen nhóm trong phiên ngày 27-4 khi VN Index tăng gần 7,5 điểm trong khi HNX Index cũng nhích nhẹ. Lập luận được nhiều người đưa ra cho diễn biến của thị trường những ngày vừa qua là giá của CP tại HNX đã chạm đáy và “đỉnh của lạm phát là đáy của CK”.

Phiên hôm qua, VN Index tăng điểm xuất phát từ nhóm CP có vốn hóa lớn BVH, MSN, VNM, CTG, VCB… hơn là xu hướng tăng chung của toàn thị trường. Như trường hợp của HPG, kết quả kinh doanh năm 2010 khả quan, kế hoạch năm 2011 khá tham vọng nhưng thanh khoản của CP này không tăng mấy, hoặc như REE giảm về sát 1.2 nhưng chưa thấy bật mạnh trở lại. Sẽ là quá sớm nếu kỳ vọng về một sự thay đổi về chất trên thị trường lúc này khi chỉ báo quan trọng nhất là thanh khoản vẫn chưa cải thiện.

Đầu tháng 3, VN Index có một đợt tăng từ mốc 450 điểm lên gần 500 điểm, liệu đợt sóng này có giống như vậy hay không? Với thanh khoản như hiện nay, việc NĐTNN chỉ cần bỏ ra 5-6 triệu USD mỗi phiên mua vào, đẩy VN Index tăng khoảng 5 điểm/phiên không phải điều gì quá khó. 2 phiên gần nhất NĐTNN mua ròng gần 100 tỷ đồng tại HOSE. Nhóm CP tầm trung và nhỏ trên thị trường hiện nay khó có thể giảm mạnh hơn nữa trừ khi có tin quá xấu xuất hiện hoặc bị đè giá. Tuần tới, TTCK Việt Nam tiếp tục có 2 ngày nghỉ lễ, nếu thị trường trong phiên hôm nay và ngày mai kết thúc với màu xanh tăng giá, tâm lý NĐT sẽ phần nào ổn định hơn và có thể xuất hiện những xu hướng tích cực hơn sau kỳ nghỉ. Như vậy, khả năng VN Index tiếp tục tăng sẽ khá cao nếu NĐTNN tiếp tục duy trì giao dịch như hiện nay.

Mặc dù vậy, vẫn có một số rào cản dành cho VN Index trong thời gian tới: Thứ nhất, tính từ đầu tháng 4 tới nay, MSN đã tăng giá hơn 35% và mức giá hơn 11.0 hiện nay được xem là rất “chát”. Không loại trừ trường hợp sẽ có một tổ chức nào đó trong khối NĐTNN có thể tiến hành bán ra chạy trước. Thứ hai, như đã nói lúc đầu, NĐT hiện giờ đã quá quen với việc cả thị trường màu đỏ nhưng chỉ cần vài mã xanh là VN Index hay HNX Index tăng giá. “Đánh lên” chỉ số đang dần lỗi mốt, thay vào đó, để củng cố niềm tin có thể chọn lựa việc gia tăng thanh khoản cho từng CP nói riêng và thị trường nói chung. Với cách làm này, thời gian lẫn nguồn vốn của bên đánh lên có thể kéo dài hơn nhưng bù lại khi tâm lý của NĐT ổn định, thị trường sẽ diễn biến thông suốt hơn.

Nhiều khả năng khi VN Index tiến vào khu vực 475-480 điểm và tiếp tục xuất hiện những phiên điều chỉnh. Trong trường hợp thanh khoản tăng hoặc ít nhất duy trì như hiện nay, xu thế tăng có thể được kéo dài trong tuần tới. Ngược lại, nếu áp lực bán ra tăng dần VN Index sẽ quay lại khu vực 450-460 điểm. Chỉ khi dòng tiền vào lại những CP tầm trung hoặc nhỏ có nền tảng cơ bản tốt, lúc này dòng tiền mới thực sự quay trở lại bền vững hơn.

Góc chuyên gia

Theo quan điểm của tôi, diễn biến của thị trường những ngày vừa qua vẫn chưa khẳng định được VN Index đã bứt ra khỏi vùng đáy. 1 tháng trở lại đây, hễ khi nào thông tin tiêu cực xuất hiện là thị trường tăng điểm. Tôi cho rằng đây là màn kịch của một nhóm “cá mập” trên thị trường hơn là xu hướng thực, vì dòng tiền của NĐT cá nhân, những người tạo ra hưng phấn cho thị trường hiện khá yếu. Bên cạnh đó, lực mua vào mạnh trong phiên đầu tuần chủ yếu bắt nguồn từ một số NĐT đã mượn hàng bán ra thời gian gần đây, thấy thị trường tăng lại nên lập tức phải mua vào để đề phòng thị trường có thể tiếp tục tăng. Nhiều người hiện nay muốn mua vào nhưng lại chưa xác định được đâu là mục tiêu để có thể giải ngân và yên tâm chờ đợi. Một trong những sai lầm dễ mắc phải nhất hiện nay là dự báo diễn biến của thị trường trong ngắn hạn. Đây là nhiệm vụ bất khả thi vì thanh khoản thị trường thấp, việc đánh lên, đánh xuống không quá khó.

Ông PHAN DŨNG KHÁNH, CTCK Kim Eng

Các tin khác