Tăng trưởng cao cần bền vững

(ĐTTCO) - 9 tháng năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011. Trao đổi với ĐTTC, TS. TRẦN DU LỊCH, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, nhận định đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế.

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định gì về tốc độ tăng trưởng GDP 6,98% trong 9 tháng năm 2018?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Tình hình kinh tế 9 tháng năm nay tương đối khả quan. GDP quý I tăng đến 7,45%, quý II có chững lại nhưng quý III tăng trưởng trở lại ở mức 6,88%. Do đó, bình quân 9 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt 6,98%. Trong tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 quý đầu năm cũng có nhiều điểm tích cực. Thứ nhất, nền kinh tế tăng trưởng đều ở cả 3 khu vực.
Cụ thể, nông nghiệp tăng trưởng khoảng 3,5%, công nghiệp xây dựng tăng trưởng tốt, giá trị sản lượng công nghiệp tăng khoảng 12%, khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng cao 6,87%.
Trong 9 tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và xây dựng, với mức tăng cao 12,65%, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Trong đó có sự đóng góp lớn của Samsung, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới đưa vào vận hành và kể cả thép của Formosa. 
 Với tiềm năng của kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP 9 tháng năm nay 6,98% chưa phải là cao so với khả năng. Điều này xuất phát từ việc tái cơ cấu nâng cao chất lượng tăng trưởng còn chậm. Vì vậy, mục tiêu Chính phủ tập trung cao nhất trong các năm 2019-2020 là làm sao giải bài toán kép vừa nâng cao chất lượng tăng trưởng, vừa thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao để đạt được yêu cầu tăng trưởng cao và bền vững.
Nhìn chung những mặt hàng truyền thống như may mặc, da giày cũng đều tăng khá cao, không chỉ phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, ngành khai khoáng năm ngoái giảm sút trên 8%, kéo ngành công nghiệp đi xuống. Nhưng 9 tháng đầu năm nay ngành này tăng trở lại, chỉ còn ở mức âm 0,3%.
Như vậy, ngành khai khoáng cơ bản không tăng nhưng cũng không giảm, nên cũng có đóng góp nhất định vào tăng trưởng chung. Đó là về chỉ tiêu tăng trưởng. 
Thứ hai rất quan trọng, trong khi có khá nhiều biến động của thế giới như lãi suất đồng USD tăng, chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc… nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định tỷ giá, giữ được giá trị đồng tiền và kiểm soát lãi suất ở mức có thể chấp nhận được.
Những lo lắng hồi đầu năm về việc tăng lãi suất cho vay trong nước khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất đồng USD cũng không xảy ra. Tổng lượng tiền tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) 9 tháng tăng gần 10%, theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm 16%, nên có thể nói tăng trưởng tín dụng diễn ra bình thường. 
Tăng trưởng cao cần bền vững ảnh 1
Về kiểm soát lạm phát, mức trung bình của chỉ số giá cả (CPI) 9 tháng so với cùng kỳ năm ngoái tăng khoảng 3,6%. Cả năm dự kiến vẫn có thể kiểm soát mức trung bình của CPI dưới 4% như mục tiêu đề ra.
Điểm đáng ghi nhận là lạm phát cơ bản (lạm phát có nguyên nhân từ tiền tệ) trong 9 tháng bình quân chỉ tăng 1,31%, có nghĩa nguy cơ gây lạm phát đã được kiểm soát. Đó là những chỉ báo về kinh tế vĩ mô. Đặc biệt về xuất khẩu, kế hoạch đề ra 7-8% nhưng hiện đã tăng khoảng 15,52% và lần đầu tiên 9 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu 180 tỷ USD.
- Theo ông vì sao năm nay lại có được những diễn biến khả quan như vậy?
- Sự khả quan của tăng trưởng kinh tế nhờ cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ đều tăng trưởng tốt. Đó là kết quả của quá trình cải cách thể chế, cải cách hành chính trong 2 năm 2016-2017 và sự cải cách đó đã có tác dụng theo độ trễ. Tác động đó cũng tạo nên độ mạnh về đầu tư, bao gồm cả đầu tư nước ngoài (FDI).
Cụ thể, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng đạt hơn 19,6 tỷ USD; vốn FDI thực hiện 9 tháng ước đạt 13,25 tỷ USD (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017); tổng giá trị góp vốn mua cổ phần 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2017. Liên quan đến khối FDI cũng cần nhấn mạnh FDI vẫn có đóng góp nhất định trong GDP, nhưng việc phụ thuộc vào FDI cũng chỉ có mức độ. Vì hiện nay FDI chỉ đóng góp khoảng 1/5 tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Với những diễn biến khả quan trên, có thể nói từ nay đến cuối năm những vấn đề kinh tế diễn ra sẽ theo hướng ổn định, không có biến động lớn và tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm hoàn toàn đạt được 6,8%. 
- Năm 2017, tăng trưởng tín dụng được chú trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên năm nay, tín dụng tăng chậm hơn, liệu doanh nghiệp (DN) có được cung cấp đủ vốn, thưa ông?
- Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không hoàn toàn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vấn đề nằm ở chỗ cân đối vĩ mô. Năm nay xác định nhu cầu tín dụng ở mức 16-17% đủ để tăng trưởng, do đó NHNN cũng cân đối để đảm bảo vốn cho nền kinh tế.
Hiện nay 75% nguồn tín dụng của nền kinh tế phụ thuộc vào NHTM, nên NHNN có nhiệm vụ tính toán cân đối nguồn tín dụng để bảo đảm nhu cầu đầu tư và tăng trưởng. Hơn nữa, nguồn tín dụng các NH bơm ra đang được định hướng tập trung cho DN sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách hỗ trợ 5 lĩnh vực ưu tiên.
Về vốn cho DN, để cải thiện nguồn vốn và giảm áp lực cho hệ thống NH, Chính phủ đang chuẩn bị sửa lại nghị định nhằm tạo điều kiện tốt hơn, mở rộng hơn cho DN huy động trái phiếu qua thị trường chứng khoán. Nếu làm được điều đó, áp lực vốn trung và dài hạn của NHTM sẽ giảm, đồng thời cũng giảm việc DN đầu tư thông qua trung gian là NHTM.
Theo đó, DN có thể tự huy động trên thị trường chứng khoán, hình thành thị trường trái phiếu DN trên thị trường chứng khoán. Nếu thị trường trái phiếu này tạo điều kiện cho người dân tham gia mua cũng sẽ giải được bài toán huy động nguồn vốn trong dân. Khi đó huy động vốn không phải bằng cách người dân đi gửi NH mà dùng tiền đầu tư vào trái phiếu DN.
- Xin cảm ơn ông.
(Xem thêm ý kiến: "GDP - Ấn tượng và băn khoăn")

Các tin khác