Tách quản lý nhà nước với quản lý vốn nhà nước

(ĐTTCO) - Mô hình quản lý vốn nhà nước đang tạo ra 2 luồng quan điểm khác nhau. 
Đó là cơ quan chuyên trách (từ cơ quản lý nhà nước) với việc thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), hay cơ quan chuyên trách trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN XUÂN THÀNH (ảnh), Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng: 

Hiện nay, SCIC mới kiểm soát 9.900 tỷ đồng, tương đương 0,7% trong tổng số 1,37 triệu tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN. Thực tế đó đặt ra câu hỏi một mô hình mới liệu tập trung hóa được bao nhiêu vốn nhà nước?
Ở mức độ cao nhất, nếu chúng ta điều chuyển được tất cả DN thuần túy kinh doanh, vì mục tiêu lợi nhuận, cũng như DN công ích, đầu tư chiến lược của ngành đang tuân theo tín hiệu thị trường (chưa tính những DN liên quan đến an ninh quốc phòng, tài chính, ngân hàng), theo quan điểm của tôi cũng chỉ được 65% tổng vốn nhà nước. Nếu làm được như vậy mô hình là cơ quan quản lý nhà nước với tên gọi Ủy ban thuộc Chính phủ mà Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất là phù hợp.

Tuy nhiên, phải thấy rằng tác động của các nhóm lợi ích vẫn rất lớn, các bộ, ngành vẫn muốn giữ DN, cho dù có tập trung cũng chỉ đưa được một số DN thuần túy kinh doanh, còn những DN công ích, đầu tư cơ sở hạ tầng, DN lớn của các địa phương lớn, với áp lực chính trị, lợi ích sẽ khó chuyển giao. Nếu như vậy việc lập một tổ chức tập trung quyền sở hữu quản lý cũng chỉ chuyển giao được 30-40% vốn nhà nước tại DN, đó là những DN thuần túy hoạt động theo thị trường. Như vậy, mô hình DN sẽ hiệu quả hơn. 

Tóm lại, chúng ta tách biệt và tập trung hóa quyền đại diện sở hữu ở mức độ nào phải cân nhắc giữa 2 tỷ lệ giả định nêu trên là 65% hay 30-40%. Nếu chúng ta xác định có cố cũng chỉ 30-40%, việc lập ra 1 cơ quan quản lý nhà nước là không nên và ở mô hình DN sẽ tốt hơn.

PHÓNG VIÊN: - Nhưng liệu việc tách bạch có giúp cho DN hoạt động hiệu quả hơn, thưa ông?

Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH: - Trong việc lựa chọn mô hình, một cân nhắc nữa cần phải tính đến là nếu chúng ta tách bạch và tập trung hóa quyền đại diện sở hữu nhà nước, mục tiêu sau khi tập trung là gì? Hiện nay với nhiều đề án đưa ra, tôi thấy chúng ta muốn đa mục tiêu, “cái gì cũng muốn và không có thứ tự ưu tiên”.
Chúng ta muốn tách bạch để nâng cao hiệu quả quản trị, kinh doanh của DN nhưng vẫn muốn giữ vai trò chính yếu của Nhà nước trong điều hành DNNN để thực hiện các mục tiêu của Nhà nước. Nếu như vậy không mô hình nào có thể phù hợp vì mô hình nào cũng chỉ đạt được 1 mục tiêu. Thí dụ, việc điều hành, sử dụng DNNN nặng về mục tiêu chính trị, điều tiết kinh tế vĩ mô, dẫn đến những trục trặc của DNNN, hiệu quả thấp có thể nhìn thấy ở 12 dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của ngành công thương.

Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn để nâng cao hiệu quả hoạt động DN. Do đó, việc quản lý phần vốn nhà nước còn lại tại DN cần đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu phải là hiệu quả kinh doanh, tuân theo các nguyên tắc của thị trường, không phải là mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế - xã hội mang tính chung chung, không cụ thể. Nếu như vậy mô hình cơ quan chuyên trách là DN sẽ tốt hơn.
Điểm quan trọng trong mô hình này là chúng ta phải có cơ chế để tìm ra người đại diện vốn nhà nước tại DN làm việc sao cho đồng vốn đạt hiệu quả cao nhất. Làm được điều đó phải đi kèm với chế độ lương thưởng, thu nhập không nên gắn theo bậc nhà nước, mà là hiệu quả kinh doanh của DN, cổ tức Nhà nước nhận được tăng.

Tôi cho rằng dù mô hình cơ quan quản lý hay cơ quan chuyên trách DN, con người đóng vai trò quan trọng. Cần phải có cơ chế cạnh tranh vị trí của người được đề cử làm đại diện vốn nhà nước tại DN, là thành viên HĐQT của DN. Khi đó mới có thể nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước trong DN.

- Việc chuyển giao vốn nhà nước tại DN về SCIC thời gian qua và thực tế ông nêu lên, cho thấy dù mô hình nào cũng không dễ dàng. Vậy giải pháp và quan điểm của ông về vấn đề này?

- Theo tôi, nguyên tắc đầu tiên là phải tách vai trò quản lý nhà nước với quản lý vốn nhà nước. Tiếp theo là quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất trong việc DN nào phải chuyển giao và phải quy trách nhiệm như đã làm với công tác cổ phần hóa. Tôi cho rằng việc có danh sách DNNN chuyển giao sẽ tạo ra căn cứ để xác định mô hình là cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan chuyên trách là DN. Theo đó, nếu chuyển được DN nhiều, cơ quan quản lý nhà nước là phù hợp, còn nếu ít mô hình chuyên trách DN là phù hợp.

- Như vậy, việc sử dụng biện pháp mang tính hành chính trong việc bắt buộc phải chuyển giao vốn nhà nước tại DN liệu có hợp lý, thưa ông?

- DN vẫn còn cơ quan chủ quản, thực ra họ vẫn hoạt động theo mệnh lệnh hành chính. Để DN theo thị trường hơn, quyết định chuyển giao mang tính hành chính để DN không còn cơ quan chủ quản, tôi nghĩ cũng là cần thiết.
Còn nếu để tự giác trong việc chuyển vốn nhà nước hay để thị trường quyết định cũng sẽ không có tiến triển. Ngoài ra, việc ban hành một quyết định dù hành chính trong việc chuyển giao vốn nhà nước cũng thể hiện vai trò, quyết tâm của Nhà nước trong đổi mới, cải cách thể chế.

- Xin cảm ơn ông.

 Yêu cầu về việc tách vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN ra khỏi vai trò quản lý nhà nước nhận được sự thống nhất cao. Nhưng nếu chỉ dừng ở việc tách đó chưa biết được mô hình nào là tốt. Theo thông lệ tốt nhất và khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác - Phát triển kinh tế (OECD), việc tách bạch càng cao càng tốt. Nhưng thực tiễn Việt Nam và nhiều nước khác cho thấy việc tách bạch không thể đạt 100%. 

Các tin khác