Quy luật cạnh tranh phải đào thải

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG (ảnh), đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận xét số doanh nghiệp (DN) phá sản tăng cao trong thời gian qua do thiếu sức cạnh tranh, thiếu chiến lược đầu tư dài hạn, phản ánh đúng bản chất quy luật cạnh tranh và đào thải.

Quy luật cạnh tranh phải đào thải
PHÓNG VIÊN: - Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa công bố, trong 2 tháng đầu năm nay có đến hơn 30.000 DN ngừng kinh doanh, chờ thủ tục giải thể, con số này gần gấp đôi số DN thành lập mới. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
PGS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: - Hiện nay, trên thế giới có đến 95% số DN khởi nghiệp (starup) thất bại, nên chúng ta đừng quá lo ngại điều này. Bởi lẽ, việc có nhiều DN thành lập rồi bị phá sản, phải nhìn nhận như một quá trình thử nghiệm khi hoạt động trong lĩnh vực này, không thành công người ta có thể phá sản và chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vưc khác.
Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có sự thay đổi và tác động mạnh, nếu DN mới thành lập yếu kém, đương nhiên họ phải chủ động tìm lối đi khác. Số liệu thống kê mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về số DN phá sản, cho thấy các DN, đặc biệt là DNNVV nước ta sức cạnh tranh rất yếu, điều này cũng phản ánh đúng bản chất quy luật cạnh tranh và đào thải.
Hiện nay khoảng hơn 97% DN Việt Nam là DNNVV. Điều đáng buồn, hầu hết DNNVV đang thiếu chiến lược đầu tư dài hạn, đa số chỉ đầu tư chỉ theo thời vụ, cơ hội. Sở dĩ có hiện tượng này bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có môi trường đầu tư và kinh doanh dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa có tính hấp dẫn thực sự, hoặc do các DN thiếu vốn, năng lực quản trị yếu…
Đặc biệt, trong bối cảnh chung hiện nay thị trường có những thay đổi, tác động rất mạnh, nếu DN chỉ đầu tư đơn giản rất dễ thất bại, dẫn đến phá sản.
- Việc các DNNVV chiếm tỷ lệ lớn như vậy, phải chăng là thách thức không nhỏ với lộ trình DN hóa kinh tế hộ gia đình hiện nay, thưa ông?
- Quan điểm của tôi là không chạy theo số lượng. Bởi lẽ, số DN nhiều hay ít không quan trọng bằng việc DN hoạt động ra sao, có hiệu quả hay không. Có người từng hỏi tôi mục tiêu đặt ra đến năm 2020, chúng ta sẽ có 1 triệu DN liệu có khả thi. Tôi cũng đã nói tôi quan tâm đến chất lượng, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh của DN hơn.
Mấu chốt ở đây không phải là đạt được mục tiêu số lượng đặt ra bằng mọi giá, mà phải làm thế nào để DN hoạt động hiệu quả, bền vững. Trong đó, quan trọng nhất là DN phải tự lớn dần lên. Và khi DN lớn mạnh mới cạnh tranh được trong nước và vươn ra thế giới, góp phần tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế.
- Thực tế trong thời gian qua, Chính phủ đã có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và khuyến khích các DN tư nhân phát triển, song có lẽ như thế vẫn chưa đủ, thưa ông?
- Các DNNVV gặp khó khăn hoặc phá sản có xu hướng xảy ra liên tục do những vướng mắc về cơ chế chính sách, thiếu thông tin, hạn chế về nhiều nguồn lực, đặc biệt là những yếu kém trong công tác quản trị tài chính. Một khó khăn rất lớn đối với các DN tư nhân, trong đó đa số là DNNVV hiện nay là thiếu vốn và khó tiếp cận được nguồn vốn. Do đó, quy mô DN và vốn DN rất thấp.
Thời gian qua, Chính phủ đã có những nỗ lực như thúc đẩy ngân hàng tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn vay. Tất nhiên ngân hàng khi cho vay phải nhìn được khả năng của DN có hoàn trả được hay không. 
Tuy nhiên, kể cả khi tiếp cận được tín dụng ngân hàng, các DN, nhất là DNNVV vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, điều quan trọng hơn, Chính phủ phải xây dựng và hoàn thiện được một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự lành mạnh, minh bạch. Từ đó khuyến khích, tạo động lực cho các DNNVV tìm tòi, đổi mới sáng tạo, tự tìm cho mình một con đường, hướng đi phù hợp.
Ngoài ra, các DN cần phải đứng vào các chuỗi liên kết. Khi các DN liên kết với nhau thành chuỗi, cá nhân các DN nhỏ sẽ nằm trong hệ thống DN lớn, ký kết với DN lớn để trở thành khâu, mắt xích nằm trong chuỗi giá trị đó. Điều này giúp nền kinh tế giải quyết được vấn đề phân công lao động, sản xuất từng khâu, từng sản phẩm của chuỗi sản phẩm.
- Vậy cần có những giải pháp cụ thể gì để giúp các DN tồn tại và phát triển, thưa ông?
- Hiện nay, Chính phủ chủ trương thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, cùng với đó thoái vốn DNNN khỏi nhiều ngành. Do đó vai trò của DN tư nhân ngày càng lớn, cơ hội ngày càng cao. Tôi cho đây là chủ trương hoàn toàn đúng. Bởi cái yếu nhất của DN nước ta nói chung là năng lực cạnh tranh.
Các DN của Việt Nam hiện nay năng lực cạnh tranh rất thấp, và như vậy sẽ rất khó để tham gia các hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP, hoặc ứng phó với cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, Chính phủ cần có chính sách cụ thể để phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN, nhất là DNNVV được tiếp cận thị trường tài chính, thị trường lao động hay thị trường hàng hóa, thị trường công nghiệp, thị trường khoa học công nghệ...
Trên cơ sở đó, thúc đẩy DNNVV tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về phần mình, các DN cũng phải có hướng chiến lược đầu tư dài hạn, đầu tư cơ bản và đi vào đầu tư đổi mới về công nghệ để tạo được chỗ đứng vững chắc. Chỗ đứng ở đây không phải là chỗ đứng của một sản phẩm mà phải nằm trong chuỗi giá trị.
- Xin cảm ơn ông.
 Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân và tạo ra được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn của Chính phủ và DN. Do đó, Chính phủ đang chỉ đạo các đoàn thể ban ngành phải quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, cải cách hành chính, nhằm trợ giúp tối đa cho DN, nhất là DNNVV, tạo động lực cho DN tư nhân phát triển bền vững trên nền tảng cạnh tranh công bằng, minh bạch.

Các tin khác