Nhận diện rõ để tránh rủi ro BOT

(ĐTTCO) - Trong rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau, thậm chí bức xúc về bức tranh đầu tư hạ tầng theo hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) của chuyên gia, nhà quản lý, người dân…
 TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng cần hết sức bình tĩnh để nhìn nhận về đầu tư BOT. Trao đổi với ĐTTC, TS. Hiếu cho rằng:
Chủ trương về thu hút nguồn lực xã hội giúp phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP trong đó có BOT) hoàn toàn đúng đắn. Vấn đề là xử lý những bất cập hiện hành cũng như nhận diện rủi ro lớn hơn trong tương lai, nhằm giúp mô hình đầu tư này phát huy được hiệu quả cao nhất. 

PHÓNG VIÊN: - Từng nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này ở Hoa Kỳ, ông nhìn nhận và so sánh gì về cách xử lý vấn đề phí BOT giữa Hoa Kỳ và Việt Nam?
  Ngân hàng đối mặt với rủi ro thanh khoản vì thời hạn cho vay dài, trong khi yêu cầu tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay là 50%  và sẽ giảm xuống 45% rồi 40% trong 2 năm tới; thị trường vốn của Việt Nam chưa phát triển, nên NH không có vốn dài hạn để tài trợ những dự án dài hạn…
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Đường cao tốc ở Hoa Kỳ miễn phí, chỉ một số địa phương xây dựng đường cao tốc tại địa phương và thu phí. Tại những đường cao tốc này, cách đó 500m sẽ có biển báo đây là đường thu phí. Lái xe có thể lựa chọn đi hay không đi. Nếu đi vào cao tốc sẽ trả phí bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng.
Lái xe nào đi vào cao tốc không trả tiền, sau 2 tuần cơ quan giao thông giám sát đường cao tốc sẽ gửi thông báo yêu cầu đóng 500USD tiền phí, sau 10 ngày không trả sẽ bị đưa ra tòa. Nếu lái xe không trả phí, không ra tòa, cơ quan này sẽ yêu cầu thu hồi bằng lái xe.
Ở Hoa Kỳ người lái xe bị thu hồi bằng lái sẽ không được cầm lái và cố tình vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng. Việt Nam cũng nên có cơ chế tương tự như Hoa Kỳ để lái xe có quyền tẩy chay, không sử dụng đường cao tốc, nhưng đã sử dụng phải trả phí.

Tôi cũng cho rằng nếu Chính phủ không có các giải pháp cụ thể để xử lý những bất cập hiện nay, chính sách BOT trong tương lai sẽ gặp trở ngại vì lợi tức của nhà đầu tư, người dân phản đối, Chính phủ đối mặt với vấn đề vốn đầu tư, hối lộ, tham nhũng… Dự án BOT chỉ xem là thành công nếu quyền lợi 4 đối tượng là Chính phủ, nhà đầu tư, ngân hàng và xã hội được xử lý hài hòa. Nếu 1 trong các chủ thể đó không thỏa mãn khó khăn sẽ đến.
- Ngoại trừ những bất cập, bức xúc nổi lên gần đây, theo ông chương trình BOT sẽ đối mặt với những rủi ro gì?
- Đó là các loại rủi ro chọn nhà đầu tư và nhà thầu; hoàn thiện công trình; tài chính; Chính phủ; nhà đầu tư; ngân hàng; môi trường; những tác động tiêu cực cho kinh tế, xã hội.
Chẳng hạn, rủi ro cho nhà đầu tư sẽ đến khi chi phí đầu tư vượt dự toán; kế hoạch tài chính và dự báo không sát thực tế; nguồn thu nhập không ổn định; chi phí lãi cho ngân hàng quá cao; thực hiện những dự án không trong khả năng; chi phí bôi trơn tác động tiêu cực đến tình hình tài  chính… 
Nhận diện rõ để tránh rủi ro BOT ảnh 1 Trạm thu phí Cai Lậy bị người dân phản ứng vì giá vé quá cao. 
Tuy nhiên, trong các rủi ro đó, rủi ro tài chính cho ngân hàng đáng chú ý nhất. Đó là việc ngân hàng thẩm định thiếu sót sức khỏe và khả năng tài chính của nhà đầu tư, không kiểm soát được dòng tiền luân chuyển qua các công  đoạn của dự án, không kiểm soát chặt chẽ nguồn trả nợ…
Rồi ngân hàng phải thực hiện việc bảo lãnh dự thầu, thực hiện hợp đồng, thanh toán… Rủi ro ở chỗ các ngân hàng thời gian qua rất dễ dàng trong việc phát hành bảo lãnh, trong khi chưa biết thời gian thu phí ra sao. Vì thế nhiều nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng trở thành nghĩa vụ nợ, trong nhiều trường hợp trở thành nợ xấu.

- Vậy đâu là giải pháp để hạn chế những rủi ro đó, thưa ông?

- Để ngăn ngừa rủi ro chọn nhà đầu tư và nhà thầu, ngăn ngừa các nhà đầu tư BOT theo kiểu “tay không bắt giặc” nhưng nhờ quan hệ vẫn trúng thầu, được chỉ định thầu, theo tôi nên áp dụng hình thức đấu thầu công khai. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của các nhà đầu tư và nhà thầu lớn phải có kiểm toán  độc lập bởi những công ty kiểm toán có uy tín và được Bộ Tài chính công nhận; việc thẩm định khả năng tài chính của nhà đầu tư và các nhà thầu  chính cần phải thực hiện chặt chẽ và khách quan; loại bỏ chủ đầu tư và nhà thầu thiếu kinh nghiệm và yếu năng lực tài chính…
Ngoài ra, để thu hút nhà đầu tư tham gia, Chính phủ cần đảm bảo mức tối thiểu lợi nhuận 15%, nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, mới mặn mà về các dự án BOT. Nếu chỉ 5-10% như hiện nay sẽ không hấp dẫn và khó thu hút nguồn lực bên ngoài ngân sách.
Tôi cho rằng một chủ đầu tư tham gia dự án BOT phải có ít nhất 20-30% vốn tự có trên tổng chi phí dự án. Doanh nghiệp phải chứng minh nguồn tiền đó là có thực. Khi thực hiện dự án, họ phải bỏ tiền để xử lý chi phí trước.
Về tiền vay ngân hàng, để kiểm soát rủi ro tài chính, tôi cho rằng ngân hàng cần thẩm định chặt chẽ khả năng tài chính của chủ đầu tư và các nhà thầu; kiểm soát được dòng tiền luân chuyển qua các công đoạn của dự án; kiểm soát chặt chẽ nguồn trả nợ; kiểm soát việc thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh…
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra những quy định chặt chẽ về tài trợ dự án như: hạn mức cho vay trên vốn chủ sở hữu, thời hạn cho vay, các loại phí và điều kiện vay.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác