Ngành gỗ ứng phó cuộc chiến thương mại

(ĐTTCO) - Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng, khi Hoa Kỳ tuyên bố đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong số những mặt hàng bị đánh thuế ở gói mới này có mặt hàng gỗ. Việc này ảnh hưởng ra sao đến xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Để tìm câu trả lời, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể phân tích những tác động đến ngành gỗ Việt Nam khi mặt hàng gỗ của Trung Quốc nằm trong gói đánh thuế mới của Hoa Kỳ?
Ông NGUYỄN TÔN QUYỀN: - Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ mang đến 2 mặt tích cực và tiêu cực đến ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Về mặt tích cực, khi đánh thuế vào gỗ Trung Quốc cũng đồng nghĩa đối tác Hoa Kỳ sẽ giảm nhập khẩu từ thị trường này, từ đó sẽ chuyển đơn hàng sang các DN Việt Nam.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm, xuất khẩu toàn ngành gỗ mang về 4,2 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 1/3 với mức 1,3 tỷ USD. Dự báo 6 tháng cuối năm đơn hàng sẽ tăng khoảng 20%, và kim ngạch xuất khẩu qua Hoa Kỳ sẽ cán đích khoảng 2 tỷ USD. Hiện chúng tôi cũng đang đón đầu xu hướng tích cực này để hợp tác chặt hơn với các đối tác của Hoa Kỳ. Thực tế một số đối tác tại Hoa Kỳ cũng cho hay sẽ ủng hộ các DN Việt Nam. 
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tích cực cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy đến trong tương lai. Trước lần áp thuế 10% này, Hoa Kỳ từng 3 lần đánh thuế chống bán phá giá với mặt hàng gỗ từ Trung Quốc.
Do vậy với lần đánh thuế thứ tư này, có thể Trung Quốc chuyển các nhà máy sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá và tránh mức thuế mới là điều dễ xảy ra. Hiện nay, tại Việt Nam cũng có nhiều DN FDI trong ngành gỗ đến từ Trung Quốc, họ chủ yếu đặt nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai. 
- Ông có thể nói rõ hơn về cách đối phó với những tình huống không hay có thể xảy đến với DN, cũng như ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam? 
- Về chi tiết tôi cũng chưa nắm rõ, chúng tôi dự tính sẽ sớm tổ chức một buổi tọa đàm tại TPHCM. Tại đây các DN lớn trong ngành sẽ cùng bàn thảo, đưa ra nhiều tình huống giả định có thể xảy ra, từ đó sẽ bàn đến cách thức đối phó cụ thể. Song tôi nghĩ rằng, Nhà nước trong thời gian tới nên có chính sách cụ thể, gắt gao hơn với các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam.
Chẳng hạn như yêu cầu về công nghệ phải có những chỉ tiêu yêu cầu DN FDI sử dụng công nghệ tốn ít nhiên liệu, thân thiện với môi trường, điều này sẽ hạn chế bớt các DN sử dụng công nghệ lạc hậu. 
Ngành gỗ ứng phó cuộc chiến thương mại ảnh 1 Ảnh minh họa: L.THANH 
- Ngoài Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn, ngành gỗ còn có những thị trường nào. Dự báo kết quả xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ ra sao, thưa ông? 
- Ngoài Hoa Kỳ ngành gỗ Việt Nam cũng có một số thị trường xuất khẩu lớn khác như Nhật Bản (kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 1,2 tỷ USD), Hàn Quốc (800 triệu USD) và châu Âu (700 triệu USD). Trung Quốc cũng xuất nhiều, khoảng 900 triệu USD, nhưng Trung Quốc chủ yếu nhập hàng thô như gỗ xẻ, dăm mảnh.
Và để hạn chế điều này chúng tôi cũng đã đề xuất tăng thuế với dăm mảnh, gỗ xẻ để hạn chế việc Trung Quốc nhập khẩu. Tình hình từ nay đến cuối năm sẽ khả quan hơn 6 tháng đầu năm, kim ngạch dự kiến khoảng 4,4 tỷ USD. Bởi cuối năm luôn là mùa cao điểm của xuất khẩu gỗ, đơn hàng của các DN đến thời điểm này đã đầy. 
Tuy nhiên, trong vấn đề xuất khẩu mặt hàng gỗ yêu cầu về tính hợp pháp đang là một thách thức ở thị trường châu Âu. Đến nay Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT. Đây là một hiệp định thương mại mang tính pháp lý giữa EU và các nước đối tác sản xuất gỗ ngoài EU, nhằm mục đích bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ của các quốc gia, đối tác xuất khẩu vào EU có nguồn gốc hợp pháp.
Hiệp định cũng giúp các nước xuất khẩu gỗ ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp, bằng việc tăng cường các quy định và quản trị ngành lâm nghiệp. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ đưa ra văn bản hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, gỗ hợp pháp rất phức tạp vì có rất nhiều tiêu chí phải đảm bảo. Cơ quan chức năng phải tập huấn cho bà con trồng rừng, vì gỗ rừng trồng của Việt Nam khá lớn. Về phía DN tại TPHCM đang có chương trình trách nhiệm giải trình, để hướng dẫn các DN cách thức giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Và điều đáng mừng là các DN tham gia rất tích cực, bởi nếu không DN sẽ không xuất khẩu được. 
Không chỉ châu Âu có yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp, mà các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand cũng đang đặt ra những yêu cầu này. Các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những buổi làm việc với Hiệp hội và thông tin từ đầu năm 2019 họ cũng đưa ra văn bản quy định về gỗ hợp pháp. Quy định có thể không khắt khe bằng của châu Âu, nhưng DN cũng không thể lơ là.
Điều này đang cho thấy việc sử dụng gỗ hợp pháp là xu hướng chung của toàn thế giới, nếu DN Việt Nam không đáp ứng được không thể tham gia vào cuộc chơi này. 
 Một vấn đề không chỉ ngành gỗ và các ngành khác cũng kiến nghị, cơ quan chức năng phải xem xét vốn pháp định và vốn đầu tư của DN FDI hiện vẫn còn chênh nhau quá nhiều và họ hoàn toàn có thể lách luật ở điểm này. Hiện nay Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đang xem lại luật Đầu tư nước ngoài, ở góc độ hiệp hội, chúng tôi cũng đang có ý kiến đóng góp. 

Các tin khác