Không thể thương hiệu có giá 0 đồng

(ĐTTCO) - “Không thể có chuyện thương hiệu doanh nghiệp có giá trị 0 đồng. Nếu không rút kinh nghiệm trong việc định giá thương hiệu từ trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), tới đây khi cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, tài sản của Nhà nước sẽ bị thất thoát lớn”. 
Đó là chia sẻ của ông LẠI TIẾN MẠNH (ảnh) Giám đốc điều hành Mibrand Việt Nam khi trao đổi với ĐTTC.
PHÓNG VIÊN: - Vậy ông bình luận gì về thương hiệu của VFS được định giá 0 đồng?
Không thể thương hiệu có giá 0 đồng ảnh 1
Ông LẠI TIẾN MẠNH: - Trước tiên xin nói chúng tôi là công ty trực thuộc Brand Finance, một công ty định giá hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, và là công ty duy nhất sở hữu phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá.
Quan điểm của Mibrand Việt Nam, thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp, đã là tài sản phải có giá trị, giúp doanh nghiệp sinh lời. Việc tính toán giá trị thương hiệu của chúng tôi cũng dựa trên khả năng sinh lời của thương hiệu nếu được sử dụng kinh doanh, giá trị của nó sẽ được tính ra con số tương đương. 
VFS là đơn vị có sản xuất phim, có đầu tư, có công chiếu, có bán vé, đó là kinh doanh. Vì thế, tôi chắc chắn rằng không có thương hiệu nào có giá trị 0 đồng, càng không thể có giá trị âm, giá trị thương hiệu phải là con số dương, bởi VFS là đơn vị có bề dày lịch sử, tên tuổi và được nhiều người quan tâm.
Có ý kiến trong ngành kinh doanh phim cho rằng nếu thương hiệu đó rơi vào tay họ, dàn nhân sự đó và với cách thức làm mới họ vẫn tự tin sẽ cho ra đời các tác phẩm điện ảnh có giá trị. Do vậy với trường hợp của VFS, chúng tôi Mibrand Việt Nam và thậm chí cả Brand Finance sẵn sàng tham gia định giá miễn phí thương hiệu nếu được mời.
 Theo con số thống kê, ở Việt Nam giá trị thương hiệu chiếm tỷ lệ 10-12% trong tổng giá trị doanh nghiệp. Tỷ lệ này nếu đúng vẫn ít hơn so với trung bình thế giới 25-30%.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc định giá thương hiệu VFS không tính đến tài sản con người là những diễn viên gạo cội, nổi tiếng trong đó là chưa hợp lý. Ông nghĩ sao về điều này?
- Con người là một trong những yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là với hãng phim. Ở một góc độ nào đó, nếu thế hệ diễn viên, đạo diễn nổi tiếng của hãng có thể có những đóng góp tốt cho hiện tại và tương lai, tôi nghĩ vẫn có thể coi đó là tài sản rất đáng quý.
Tuy nhiên, phải định giá có căn cứ rõ ràng mới nói được, còn nói một cách chung chung, cảm tính rất khó. Việc định giá doanh nghiệp chúng tôi đã có một quy trình rõ ràng với tài sản hữu hình, vô hình.
Tài sản vô hình là con người, danh tiếng hãng phim… đều được tính toán, cân nhắc ở một trọng số nhất định để ra được giá trị thương hiệu. 
- Ông nghĩ sao khi dường như ở Việt Nam doanh nghiệp ít quan tâm và cũng không có nhiều tổ chức có thể làm được việc định giá thương hiệu?
- Các tổ chức tại Việt Nam có khả năng và uy tín trong việc định giá thương hiệu theo tôi biết không nhiều, cộng với việc ít chú ý đến giá trị thương hiệu nên trong rất nhiều trường hợp, thương hiệu của doanh nghiệp không được quan tâm khi định giá hoặc bị đánh giá sai.
Điều đáng lo là hiện rất nhiều người không coi đó là vấn đề nghiêm trọng, cho thấy nhận thức chung về định giá thương hiệu của doanh nghiệp cơ bản còn thấp.
Nguyên nhân có thể do quan điểm, quy định pháp luật. Chúng ta chưa đặt ra vấn đề tài sản vô hình khi định giá, mà chỉ chú ý đến tài sản có thể sờ, cân, đong, đo đếm được. Trên thế giới, việc công nhận một đơn vị, doanh nghiệp có tài sản vô hình đã có từ rất lâu như: bằng phát minh, sáng chế, công thức bí mật...
Đặc biệt, từ lâu họ đã coi thương hiệu là tài sản vô hình. Vì thế, nhu cầu định giá tài sản vô hình rất rõ ràng, rành mạch. Thậm chí có những giao dịch người ta chỉ trả tiền cho việc sử dụng thương hiệu. Trong khi đó, ở Việt Nam gần đây mọi người mới nhắc đến tài sản vô hình và định giá thương hiệu. Do đó, giới chuyên môn, học giả trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm lĩnh vực này.
2 năm gần đây, chúng tôi có định giá độc lập nhóm 50 thương hiệu trên sàn chứng khoán, nhận thấy họ cũng khá hào hứng khi biết kết quả giá trị thương hiệu của mình. Tuy nhiên, họ cũng có những sự thận trọng nhất định.
Thí dụ, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng vì là công ty trên sàn chứng khoán, nên các thông tin liên quan đến giá trị công ty khá nhạy cảm đến giá chứng khoán. Việc tăng, giảm giá trị thương hiệu cũng ít nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, đó là quan điểm của họ còn chúng tôi vẫn cứ nghiên cứu, đánh giá một cách độc lập và công bố.
- Nghĩa là vai trò của thương hiệu đang không được đề cao?
- Sự thiếu quan tâm đến giá trị thương hiệu hiện nay bắt nguồn từ hành lang pháp lý cho việc đánh giá thương hiệu còn yếu. Dù Nghị định 109/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; và Nghị định 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đều xác định “lợi thế kinh doanh bao gồm cả giá trị thương hiệu”, nhưng khi chúng tôi trao đổi với cơ quan quản lý chuyên môn thấy họ vẫn mơ hồ về vấn đề này và chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng về đánh giá tài sản thương hiệu cho các doanh nghiệp.
Vì thế, trong quá trình cổ phần hóa đang diễn ra rất nhanh hiện nay, nếu thương hiệu không được định giá hoặc định giá 0 đồng, chắc chắn giá trị thương hiệu bị thất thoát là điều không tránh khỏi. Theo đó, Nhà nước sẽ không có được số tiền từ giá trị thương hiệu đáng ra phải thu được. Còn doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán, sáp nhập...
Việc nói rằng giá trị thương hiệu được tính bằng cách cộng các chi phí dùng xây dựng thương hiệu để đưa ra giá ban đầu là chưa hoàn toàn chính xác. Trong định giá tài sản vô hình có nhiều phương pháp khác nhau, theo đó có nhiều phương pháp tính chi phí khác nhau.
Như ở Brand Finance chúng tôi có tính đến chi phí sử dụng bản quyền, chẳng hạn nếu bên nào sẵn sàng sử dụng thương hiệu đó họ bỏ ra bao nhiêu tiền và số tiền đó cũng được coi là giá trị thương hiệu.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác