Hạn chế BOT và BT trước khi có Luật PPP

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC sau loạt bài “BT và nỗi lo thất thoát tài sản đất đai”, Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (ảnh), Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng việc đổi từ hình thức đầu tư BOT sang BT cũng không làm thay đổi bản chất của quá trình hợp tác PPP hiện nay. 
Nếu không có quy trình chặt chẽ, một khung pháp lý minh bạch để quản lý hoạt động đầu tư BT thì không nên triển khai ồ ạt các dự án BT quy mô lớn cùng lúc.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư BOT, BT là dự án đầu tư công. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Hạn chế BOT và BT trước khi có Luật PPP ảnh 1
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Về bản chất hợp tác đầu tư PPP, trong đó có các hình thức hợp đồng BOT, BT, BOO… đúng là không khác đầu tư công, bởi nó vẫn là vấn đề của Nhà nước, của người dân. Chỉ khác nhau ở chỗ với đầu tư công người dân nộp thuế để xây công trình, còn chuyển sang các hình thức đầu tư PPP người dân nộp phí để xây công trình.
Trong hợp tác đầu tư PPP vẫn có sự tham gia, quản lý, cầm trịch của Nhà nước. Xét về pháp lý đây là 2 hình thức đầu tư khác nhau, song chính sự chưa rõ ràng về pháp lý đã dẫn đến những bất cập trong quản lý, giám sát các dự án đầu tư PPP hiện nay. Từ đó các dự án đầu tư BOT, BT đội giá công trình vô tội vạ, nếu là đầu tư công không dễ đội vốn như vậy do Nhà nước kiểm soát chặt. Thiếu khung pháp lý nên các bên tham gia dự án muốn làm thế nào thì làm, nhà đầu tư tự quyết, cuối cùng người dân thiệt. 

- Ông có thể chỉ ra các bất cập của các dự án đầu tư theo PPP?

- Có một nguyên tắc trong kêu gọi vốn đầu tư tư nhân thông qua hợp tác đầu tư PPP là tìm kiếm nhà đầu tư có nhiều vốn, có năng lực tài chính mạnh. Đó là mục đích của quá trình hợp tác này, nhằm thu hút vốn đầu tư tư nhân, giảm áp lực đầu tư hạ tầng từ vốn nhà nước.
Nhưng theo Nghị định 15 về đầu tư PPP, nhà đầu tư tư nhân chỉ cần đáp ứng tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư dự án PPP, với dự án lớn chỉ còn trên 10%. Mặt khác, trong hợp tác đầu tư PPP, thông thường nhà đầu tư là người lập tổng mức đầu tư dự án, dự toán công trình và hiệu quả dự án.
Như vậy họ phải tuân thủ nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu. Và nếu không có phương tiện đi qua, hiệu quả đầu tư thấp, công trình kém chất lượng, thu phí không chặt chẽ để xảy ra thất thoát phải chấp nhận phá sản. Nhưng thực tế không phải vậy, chúng ta quá dễ dãi gần như buông lỏng quản lý, khiến các dự án PPP còn ngon ăn hơn cả các dự án đầu tư công. 

 Xét về lý cả đầu tư BOT và BT Nhà nước đều phải kiểm soát chặt giá thành xây dựng công trình, kiểm soát được thời gian thu phí, quỹ đất đổi hạ tầng. Vấn đề là giá của công trình BT, BOT có hợp lý, bởi đất đai là tài nguyên quốc gia, phí người dân nộp cũng là chi phí xã hội. Cần xem lại để hoàn thiện cơ chế hợp tác đầu tư PPP. Với đầu tư BT cần công khai minh bạch quá trình đấu giá quỹ đất đổi lấy hạ tầng, như vậy mới chống được thất thoát.
Quá trình chuyển đổi từ thu hút đầu tư theo BOT sang BT hiện nay chỉ là sự chuyển từ một hình thức đầu tư thiếu minh bạch này sang một hình thức đầu tư thiếu minh bạch khác. Cả 2 quá trình này vẫn sử dụng chung khung pháp lý về PPP hiện hành, chỉ có điều nhà đầu tư BT không vận hành dự án, sẽ tiếp nhận quỹ đất đối ứng để bù chi phí đầu tư dự án.
Còn trên thực tế, quá trình đổi đất lấy hạ tầng không thông qua đấu giá đất rất nhập nhèm. Thay vì Nhà nước lấy tiền ngân sách để trả cho nhà đầu tư thì lấy đất đai, tài sản của dân trả cho nhà đầu tư. Và khi không minh bạch chuyện thất thoát tài sản đất đai là hoàn toàn có thể xảy ra. Còn các địa phương cứ giao đất cho nhà đầu tư như hiện nay rất khó kiểm soát tình trạng thất thoát tài sản nhà nước.

- Để hạn chế bất cập đã xảy ra với dự án BOT, BT trong thời gian qua cần làm gì thưa ông?

- Nhà nước cần đưa các cam kết thời gian thu phí kéo dài bao nhiêu vào các hợp đồng BOT, điều khoản này cần bảo đảm cho đầu tư thu đủ cả gốc lẫn lãi. Hạn mức này cần cụ thể, nếu nhà đầu tư làm không tốt phải chịu lỗ. Quy định vậy cũng buộc các ngân hàng khi rót vốn vào các dự án BOT phải cân nhắc kỹ lỗ lãi của dự án trước khi cho vay vốn.
Làm được như vậy hiệu quả dự án BOT sẽ cao hơn, nhà đầu tư buộc phải tính toán để chi phí đầu tư dự án thấp nhất, vì như vậy họ mới có lời. Còn với quy định như hiện nay, nhà đầu tư BOT càng tính toán sai tổng mức đầu tư, càng kê khống vốn càng lời, làm đúng họ lại thiệt.

Cũng cần nói thêm rằng khi ký các hợp đồng BT, nhà đầu tư phải bỏ tiền làm dự án trước, sau đó Nhà nước mới trả đất cho họ. Nhưng thực tế thời gian qua các dự án BT lại làm song song cả 2 quy trình này, dễ dẫn đến khả năng nhà đầu tư triển khai dự án phát triển đô thị trên quỹ đất được đổi trước, sau đó mới làm công trình BT. Bất cập này cần phải được giải quyết kịp thời.

- Trong phát triển hạ tầng, xu hướng hợp tác đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân là tất yếu, vậy cần làm gì để hoàn thiện khung pháp lý về PPP?

- Không có gì lợi hơn là Nhà nước tự làm, nhưng vấn đề là trần nợ công hiện nay quá cao, khó huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng. Kinh nghiệm cho thấy nhiều quốc gia phát triển hơn Việt Nam, có nhiều vốn và có cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng họ vẫn phát triển các dự án PPP để huy động vốn tư nhân. Bởi ngân sách luôn là hữu hạn và chi tiêu công của họ cực kỳ nghiêm khắc.

Đáng lẽ trước khi thu hút đầu tư theo PPP, chúng ta cần xây dựng luật về PPP, nhưng đến giờ chúng ta vẫn thai nghén dự thảo luật. Đến nay các văn bản pháp lý về PPP vẫn dưới luật rất dễ dãi và sơ sài. Cần xây dựng một luật về PPP khung pháp lý sẽ chặt chẽ hơn nhiều, dễ dàng kiểm soát chi phí đầu tư các dự án.
Đây cũng là điều kiện cần, cơ bản vẫn là trách nhiệm các bộ, ngành trực tiếp thẩm định, phê duyệt và giám sát các dự án PPP. Còn nếu làm các dự án PPP quá dễ dãi như hiện nay không thể kiểm soát được hiệu quả đầu tư.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác