SỬA ĐỔI LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Giảm thiểu rủi ro hệ thống ngân hàng

(ĐTTCO) - Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD cần phải sửa đổi một số vấn đề liên quan đến kiểm soát quản lý tín dụng, nợ các tổ chức cá nhân… nhằm làm cho hệ thống tài chính trở nên lành mạnh và an toàn hơn. 
Những tiêu chuẩn này cần tiến tới đạt chuẩn thế giới trong bảo mật và an toàn về vốn, hệ thống kiểm soát nội bộ…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu cấp bách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD kém; hạn chế, ngăn ngừa TCTD yếu kém mới phát sinh; xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD. Qua đó, xử lý căn bản và triệt để nợ xấu, các TCTD yếu kém bằng hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động TCTD.
PHÓNG VIÊN: - Thị trường tín dụng nước ta thời gian qua có nhiều bất ổn và khó lường, thậm chí nhiều bất trắc. Theo ông, luật cần sửa đổi theo hướng nào để tránh lặp lại những bất cập này trong thời gian tới?
Ông TRẦN ANH TUẤN: - Sự bất ổn của thị trường là hiển nhiên trong nền kinh tế. Đối với những vấn đề cụ thể trong Luật Các TCTD sửa đổi lần này cần nhấn mạnh vào khía cạnh quản trị rủi ro của TCTD. Trong đó, liên quan tới khâu thẩm định các dự án đầu tư trước khi quyết định cho vay, vì đây là một trong những khâu rất quan trọng, nên cần nhận diện và dự báo được tính rủi ro của thị trường để có những chính sách tín dụng phù hợp. 
Điều này phải được làm kỹ và rõ ràng, đồng thời lường trước những xu hướng rủi ro của thị trường để có những chỉ báo và cảnh báo, cũng như những giám sát chặt chẽ dư nợ tín dụng đối với một số ngành có sự chuyển biến và rủi ro cao. Đây là khâu rất cần được lưu ý và những điều khoản liên quan đến quản trị rủi ro, kiểm soát rủi ro, dự phòng rủi ro trong tín dụng là phần không thể thiếu trong dự thảo luật mới này. Ngoài ra, đối với những khách hàng hay đối tượng đi vay và những ngành có liên quan đến sự biến động mạnh, quá trình giám sát quản lý rủi ro và dự phòng rủi ro trong lĩnh vực đó phải được quan tâm đặc biệt.
- Về vấn đề tái cơ cấu các TCTD yếu kém, sở hữu chéo ngân hàng, phương án phục hồi, theo ông có cần đề cập đến trong dự thảo luật sửa đổi lần này?
- Tôi nghĩ đây cũng là một trong những vấn đề dự  thảo luật phải lưu tâm. Bởi lẽ, trong quá trình làm lành mạnh hóa hệ thống tín dụng, những hoạt động như hợp nhất, sáp nhập, hay mua bán lại… mục đích cuối cùng cũng là để tái cấu trúc trong các TCTD đang yếu kém, cũng như làm lành mạnh hóa ngành ngân hàng sao cho hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Trong hệ thống tín dụng hiện nay có khá nhiều ngân hàng phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc, sáp nhập là vấn đề lớn, như xác định thương hiệu, giá trị tài sản còn lại như thế nào, kể cả tài sản hữu hình và vô hình của TCTD, là việc làm không đơn giản. Điều này cần được bàn thảo kỹ lưỡng trong quá trình chỉnh sửa luật, để tạo ra được một hệ thống luật tốt nhất của các hệ thống tín dụng cũng như ngân hàng được lành mạnh hơn.
Giảm thiểu rủi ro hệ thống ngân hàng ảnh 1
Sở hữu chéo là nhu cầu đòi hỏi của thị trường, điều này cần được giám sát chặt chẽ để tách biệt về vốn và tài sản giữa công ty con của các ngân hàng. Thí dụ, công ty chứng khoán, công ty bất động sản… trực thuộc các ngân hàng đó. Vấn đề quan hệ sở hữu giữa ngân hàng và các công ty con phải được rạch ròi, không để chồng lấn sở hữu lẫn nhau.
Vì thực trạng này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến quy mô ảo, làm cho chúng ta đánh giá sai về giá trị tài sản, quy mô của ngân hàng đó. Khi quy mô tăng lên huy động nguồn lực sẽ lớn lên, nhưng nếu bị thổi phồng, mức độ rủi ro trong mô hình sở hữu chéo trong ngân hàng sẽ rất nguy hiểm.
Vì thế, ngoài việc bổ sung biện pháp can thiệp sớm các TCTD có dấu hiệu suy yếu, dự thảo luật còn bổ sung một số quy định để tăng cường hiệu quả ngăn ngừa về sở hữu chéo, đầu tư chéo theo hướng quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông lớn của TCTD và người có liên quan của cổ đông đó tại TCTD khác. Quy định này để tránh việc lạm dụng hoặc chi phối hoạt động cấp tín dụng tại nhiều TCTD nhằm phục vụ cho lợi ích có liên quan của các cổ đông lớn.
Ngoài ra, 1 trong những điểm quan trọng của dự án luật này là bổ sung quy định theo hướng chủ tịch HÐQT, tổng giám đốc của các TCTD không được đồng thời là chủ tịch HÐQT, thành viên HÐQT, tổng/phó giám đốc và các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác, nhằm hạn chế việc lạm dụng quyền cổ đông. Quy định này nhằm ngăn ngừa việc thao túng, đảm bảo tính minh bạch, an toàn trong hoạt động ngân hàng.
- Còn vấn đề nhận diện rủi ro trong huy động và cho vay có cần sửa đổi để hạn chế rủi ro cho các ngân hàng, thưa ông?
- Theo tôi, thứ nhất, những vấn đề liên quan tới việc nhận diện rủi ro cho vay đối với từng khách hàng, từng nhóm ngành. Tức những quy định liên quan đến đánh giá, thẩm định rủi ro trong việc cho vay. Thứ hai, trách nhiệm khi dẫn tới rủi ro phải xử lý, không được để quá lâu dẫn đến nợ xấu, sau đó mới “lục đục” kéo nhau đi xử lý. Thứ ba, trách nhiệm của những bộ phận, con người gây ra rủi ro đó phải được xử lý rõ ràng, khi đó hệ thống tài chính ngân hàng mới khỏe mạnh. Thứ tư, không để xảy ra tình trạng khi định giá ngân hàng chỉ đáng giá 0 đồng.
Luật Các TCTD đã quy định rất chặt chẽ, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện khâu thẩm định, đó là những người trực tiếp làm việc luôn đưa đến hệ thống tín dụng hoạt động không lành mạnh và làm thất thoát tài sản nhiều nhất trong thời gian vừa qua.
 Với định hướng hoàn thiện quy định, dự thảo Luật Các TCTD nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, sẽ mở thêm không gian pháp lý mới cho thúc đẩy tái cơ cấu các TCTD, nâng cao chất lượng quản trị, qua đó làm lành mạnh hóa hoạt động của khối ngân hàng, nơi được coi như “mạch máu” của nền kinh tế.

Các tin khác