Giám sát chặt, tránh thất thoát tài sản công

(ĐTTCO)-Hôm nay 29-5, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) và dự kiến thông qua vào ngày 21-6 tới.
 
Giám sát chặt, tránh thất thoát tài sản công
Đây là dự luật được đánh giá là đóng vai trò quan trọng, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng; khai thác nguồn lực từ tài sản công hợp lý…
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), điểm quan trọng trong dự luật là công khai TSC, giám sát của cộng đồng đối với TSC, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC.
- Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về trách nhiệm công khai, giám sát và xử lý với vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC?
Ông NGUYỄN TÂN THỊNH: - Để bảo đảm quy định về công khai đi vào thực chất, ngoài chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, ban thanh tra nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng TSC.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với TSC, tập trung vào các nội dung: văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về TSC; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với TSC; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ TSC.
Việc giám sát của cộng đồng được thực hiện theo 4 hình thức: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã.

Để nâng cao tính răn đe, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí TSC, dự thảo quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng TSC. Trong đó, cấm sử dụng ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ; cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC. 

Về xử lý vi phạm, các hành vi gây thiệt hại về TSC thì trước hết phải bồi hoàn đầy đủ cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc bổ sung khoán kinh phí sử dụng tài sản, đặc biệt đối với ô tô công. Tuy nhiên, tại sao dự thảo lại không quy định cụ thể việc khoán, thưa ông?

-Có một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng nêu là tại sao không quy định ngay trong dự luật đối tượng được khoán xe, phương thức khoán đưa đón, công tác… Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là dự thảo chỉ đưa nguyên tắc, còn khoán cụ thể, cách thức xác định, thanh toán khoán ra sao thì giao Chính phủ quy định chi tiết.
Lý do là việc khoán kinh phí phụ thuộc tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ; đặc điểm vùng, địa phương, cơ quan đơn vị; và mức khoán cũng lên xuống theo giá cả thị trường… Mặt khác, việc khoán là phương thức mới nên cũng phải giải quyết hàng loạt vấn đề, ví dụ như giải quyết lái xe dôi dư. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội khác và cũng đã được báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình.

- Dự luật có cho phép các đơn vị sự nghiệp có khả năng xã hội hóa được sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết. Vậy, làm thế nào kiểm soát để việc này không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước giao?

-Đơn vị sự nghiệp công lập được chia làm 2 loại: tự chủ và chưa tự chủ tài chính. Tự chủ tài chính (không phải tự chủ 100%) là Nhà nước xác định đủ điều kiện để giao quản lý TSC theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
Đơn vị đó được quyền sử dụng TSC công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết. Luật hiện hành cũng đã quy định rõ đơn vị chỉ được làm những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ. Bệnh viện thì chỉ làm lĩnh vực liên quan đến bệnh viện, trường học thì làm về giáo dục… Dự luật mới cũng tiếp tục quy định như vậy. 

Để đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với việc sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết, dự thảo quy định các yêu cầu phải tuân thủ: không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu về tài sản của Nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao; sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, việc khai thác tài sản phải được lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc cho phép những đơn vị tự chủ tài chính sử dụng tài sản dôi dư để kinh doanh liệu có dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, vượt quá tiêu chuẩn định mức để dôi dư nhằm kinh doanh?

-Để ngăn ngừa việc này và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước, dự thảo đã bổ sung một số điểm quan trọng. Thứ nhất là không sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư cho các công trình sự nghiệp có tính chất kinh doanh. Thứ hai là việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản phải tuân theo tiêu chuẩn, định mức (việc này sẽ được kiểm soát ngay từ ban đầu của cơ quan tài chính). 

Tôi muốn nói rõ là dù quy định chặt nhưng vẫn có trường hợp tài sản dôi dư. Việc dôi dư xuất phát từ các nguyên nhân khách quan. Ví dụ có những công trình như: trung tâm hội nghị quốc gia, trung tâm thể dục thể thao… chúng ta vẫn bắt buộc phải đầu tư nhưng không thể sử dụng hết công suất.
Nếu như chúng ta chỉ sử dụng cho nhiệm vụ chính trị thì 1 năm diễn ra rất ít và trong thời gian không sử dụng mà không cho khai thác thì sẽ xuống cấp cũng như không có nguồn bảo trì, bảo dưỡng, duy trì hoạt động. Do đó, vẫn phải cho khai thác.
Ngoài ra, một số cơ quan đơn vị trong quá trình hoạt động có thay đổi về tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ công chức, viên chức nhưng không thu tài sản đó về được (ví dụ như dôi dư phòng). Những trường hợp này cũng được sử dụng tài sản vào mục đích có tính chất kinh doanh. Việc sử dụng TSC vào kinh doanh này sẽ được đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu và công khai về giá cho thuê, ai thuê, liên doanh liên kết.

- Hiện có bao nhiêu đơn vị được sử dụng tài sản vào liên doanh, liên kết và nguồn thu ra sao, thưa ông?

-Việc liên doanh, liên kết thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008. Số lượng đơn vị dùng TSC vào liên doanh, liên kết chưa nhiều. Bên cạnh đó, nguồn thu từ hoạt động này được tổng hợp chung vào nguồn thu của đơn vị đó và thực hiện quyết toán theo quy định về quản lý kinh phí tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Chúng tôi đang xây dựng phương án nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC và có yêu cầu tách nguồn thu từ khai thác TSC thế nào như: cho thuê hay liên doanh, liên kết được bao nhiêu. Sau này, cơ sở dữ liệu quốc gia được nâng cấp, hoàn thiện thì sẽ có tổng hợp.

- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác