EVN - Ngoài dở trong cũng chẳng hay

Sau bài “EVN và những con số khó tin” đăng trên ĐTTC số ra ngày 12-1-2012, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của NĐT. ĐTTC trích đăng ý kiến của NĐT Nguyễn Minh Hà.

Sau bài “EVN và những con số khó tin” đăng trên ĐTTC số ra ngày 12-1-2012, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của NĐT. ĐTTC trích đăng ý kiến của NĐT Nguyễn Minh Hà.

Vì sao CP EVN “lẹt đẹt”?

Trong khi các tập đoàn, tổng công ty như Dầu khí, VNPT, Sông Đà đều có những CP làm mưa làm gió trên thị trường, EVN không sở hữu một át chủ bài nào. Một trong những CP thuộc EVN là PPC (Nhiệt điện Phả Lại) cũng có thời tăng mạnh, nhưng nếu so với SJS (Sudico, thuộc Sông Đà) vẫn có phần yếu thế hơn.

Thử điểm qua danh sách 20 CP có giá trị vốn hóa lớn nhất hiện nay không thấy có một mã nào thuộc về EVN, trong khi đó CP họ Dầu khí chiếm đến 5 mã (DPM, PVD, PVI, PVF, PVS). Việc không nằm trong nhóm vốn hóa lớn rõ ràng là một thiệt thòi cho CP có liên quan đến ngành điện, bởi tầm ảnh hưởng của CP lên thị trường trong sự biến động của các chỉ số chứng khoán sẽ kém, khả năng thu hút NĐT, nhất là NĐTNN, cũng phần nào bị suy giảm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nơi EVN đang nắm cổ phần với tỷ lệ lớn không hề yếu. Điển hình như cuối tháng 12 năm rồi, VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh) đã trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 20% (2.000 đồng/CP), hay SJD (Thủy điện Cần Đơn) dù chưa kết thúc năm 2011 nhưng đã công bố lãi 100 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch. So với dầu khí hay ngân hàng, ngành điện không thua kém về tầm quan trọng. Vậy tại sao CP họ EVN lại “lẹt đẹt”?

Lý do đầu tiên có thể kể ra ở đây là sự nửa vời, thiếu chuyên nghiệp. Những công ty thủy điện, nhiệt điện thường nằm ở các tỉnh, thay vì 2 trung tâm kinh tế-tài chính lớn là Hà Nội và TPHCM. Vì vậy, việc NĐT có thể tiếp xúc với doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin đến công chúng, hay ý thức minh bạch hóa có thể kém đi.

Thí dụ tháng 11-2011, UBCKNN đã xử phạt hành chính Thủy điện Nậm Mu (HJS), trụ sở ở tỉnh Hà Giang, về việc chậm nộp BCTC năm 2010, thậm chí chậm nộp cả BCTC bán niên 2010. Đây rõ ràng là một điều rất khó chấp nhận, bởi lẽ BCTC của các doanh nghiệp thủy điện thường không quá phức tạp và HJS chỉ là công ty vừa với vốn điều lệ gần 150 tỷ đồng.

Chậm nộp BCTC gợi cho NĐT suy đoán về việc làm ăn không hiệu quả nên che dấu, nhưng tuần rồi HJS lại công bố… hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2011. Điều này khiến nhiều người phải đặt ra một loạt câu hỏi: HJS lãi thật? Nếu lãi thật tại sao BCTC của những năm trước lại chậm trễ?

Lãnh đạo doanh nghiệp có ý thức được thế nào là minh bạch? Thực ra, vấn đề địa lý cách trở chỉ là một mặt có thể khiến doanh nghiệp kém minh bạch mang tính khách quan.

Thử nhìn các doanh nghiệp trong ngành cao su, chẳng hạn cao su Tây Ninh (TRC), mặc dù cũng “xa xôi” nhưng TRC luôn được các CTCK, quỹ đầu tư đánh giá cao về cách thức chia sẻ thông tin.

Những dấu chấm hỏi?

Ngoài sự nửa vời của lãnh đạo các doanh nghiệp, có thể vai trò của EVN cũng đóng góp cho sự suy yếu của các công ty mà tập đoàn này đang nắm cổ phần. Trước tiên cần đặt lại vấn đề, EVN sở hữu 30-50% cổ phần tại một doanh nghiệp thì sẽ đóng vai trò như thế nào.

Tất nhiên, các “ghế” trong HĐQT của doanh nghiệp đó sẽ có mặt đại diện của EVN, nhưng những thành viên này có chịu làm gì cho doanh nghiệp và đã đóng góp được gì hay chưa? Có thể nói, kể từ sau năm 2008, thị trường đã ít nhiều chán những NĐT lớn bỏ tiền nhiều, nắm cổ phần nhưng chỉ… ngồi không, chẳng giúp được gì cho doanh nghiệp.

Trong khi đó doanh nghiệp cần cổ đông lớn chia sẻ những kinh nghiệm của mình, hoặc góp phần thay đổi chất lượng doanh nghiệp. Đâu đó vẫn có những tin đồn, những câu chuyện bên lề về chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” liên quan đến “phe EVN” và phe doanh nghiệp.

VSH hiện có vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng trong đó đã cho EVN vay 500 tỷ đồng, tức số tiền vay của EVN đã chiếm đến 25% vốn điều lệ của công ty. Ở đây nếu phân tách rạch ròi, bảo rằng VSH “giúp” cho EVN, vậy VSH nhận được quyền lợi gì nếu không muốn nói là yếu đi.

Trong khi đó, thời gian qua rất nhiều NĐT dù không phải là cổ đông của VSH nhưng cũng cực kỳ bức xúc về chuyện 2 năm nhưng VSH chưa chốt được giá bán điện với EVN. Thường ĐHCĐ của doanh nghiệp đã được tổ chức vào giai đoạn trước và trong quý II, trễ lắm đầu quý III, thì ĐHCĐ của VSH tổ chức vào cuối quý IV.

Thử hỏi, đại diện phần vốn góp của EVN đã làm gì để giải quyết việc này? Ở đây chưa bàn đến ai đúng ai sai, nhưng rõ ràng sự chậm trễ này đã ảnh hưởng đến hình ảnh của EVN. Cũng trong ĐHCĐ của VSH, đã có đến 97,28% trong tổng số gần 93 triệu cổ phần của cổ đông bên ngoài không đồng ý với việc gia hạn thêm cho khoản vay 500 tỷ đồng EVN.

Điều này có thể xem là “thắng lợi” đầu tiên của cổ đông bên ngoài, nhưng thực chất thắng lợi này cũng chẳng vẻ vang gì, vì doanh nghiệp nếu tiếp tục xảy ra tình trạng “đấu nhau” như vậy rất khó hoạt động suôn sẻ.

NĐT có quyền nghi ngờ EVN đã thua “keo này” nhưng có thể giành lại ưu thế ở “keo khác”. Hoặc như PPC đã ủy thác cho EVNFC (Công ty Tài chính cổ phần Điện lực) số tiền hàng trăm tỷ đồng để mua trái phiếu của EVN, rồi lại mua trái phiếu của EVNFC, cho EVN vay, góp vốn vào CTCP EVN Quốc Tế.

EVN hiện vẫn sở hữu hơn 50% tại PPC và NĐT có quyền đặt câu hỏi việc PPC phân bổ tiền cho EVN và EVNFC là “tự nguyện” hay bị “bắt ép”?

Câu chuyện doanh nghiệp suy yếu vì cổ đông lớn là điều rất khó chấp nhận. Bởi lẽ doanh nghiệp yếu, cổ đông lớn thiệt hại, nhưng có vẻ như vẫn đang diễn ra tại một vài doanh nghiệp nhà EVN.

Nếu mối quan hệ giữa mẹ và con, cổ đông lớn-cổ đông nhỏ, lợi ích cổ đông-lợi ích doanh nghiệp không được EVN phân định một cách rạch ròi thì sự lừng khừng, không đột phá của nhóm CP họ EVN trên sàn vẫn tiếp tục.

EVN đầu tư ngoài ngành đã không hiệu quả, nhưng những khoản đầu tư trong ngành dường cũng không phát huy như kỳ vọng. Đây là điều thực sự nghịch lý.

Các tin khác