Dựa vào nội lực phát triển bền vững

(ĐTTCO) - Kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả tích cực và tạo động lực tốt cho tăng trưởng năm 2018. 

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng muốn tăng trưởng nhanh và bền vững, kinh tế Việt Nam phải giải quyết nhiều điểm nghẽn. TS. Thành nói:

Dựa vào nội lực phát triển bền vững ảnh 1
Nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều hạn chế như ngân sách vẫn mất cân đối, nguồn thu khó khăn, nợ công tăng đã cản trở đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng và những công trình phúc lợi lớn mang tính dài hạn phục vụ người dân như giáo dục, y tế. Đây là những cản trở cho chất lượng tăng trưởng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, môi trường kinh tế xã hội chưa có gì mới mang tính đột biến, hệ thống giáo dục, đào tạo kỹ năng, đào tạo nghề, hệ thống quản trị của chính quyền ở địa phương giống như “cát rơi vào cỗ máy đang vận hành”, làm cho cỗ máy chính quyền chạy chậm lại và không đều. 
PHÓNG VIÊN: - Theo ông đâu là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 2018 và để đạt được tăng trưởng GDP 6,7%  phải vượt qua thách thức gì?
TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH: - Chúng ta có những động lực tương đối thuận lợi. Thứ nhất, lĩnh vực xuất khẩu, năm 2017 chúng ta xuất siêu tương đối lớn sau một thời gian không có xuất siêu. Năm nay nếu giữ được đà xuất siêu này sẽ là tín hiệu rất đáng mừng, đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP hơn.
Thứ hai, nỗ lực cải cách kinh tế và hội nhập đã làm cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, với vốn đăng ký lên đến gần 36 tỷ USD và vốn giải ngân hơn 17 tỷ USD.
Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng trong năm qua đã tốt lên, và nếu xu hướng này được tiếp tục cũng sẽ đóng góp nhiều cho GDP thông qua tăng trưởng tiêu dùng nội địa. Tôi cho rằng đây là 3 yếu tố quan trọng về phía cầu sẽ đóng góp cho GDP và nếu các yếu tố này cao hơn trong năm nay, tăng trưởng kinh tế sẽ có triển vọng.
Về phía cung, hiện nay cải cách của Nhà nước về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính đang có những tính toán để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp (DN) nhiều hơn, tạo ra được năng lực sản xuất tốt hơn cho DN. Nhưng hiện nay đóng góp của khu vực này cho sản xuất công nghiệp, cho xuất khẩu, cho GDP còn yếu và có xu hướng giảm đi. Vậy nên cải cách của Chính phủ đang ngày càng quyết liệt là điều đáng mừng và là nền tảng cơ bản cho tăng trưởng kinh tế 2018.
- Nhiều chuyên gia nhấn mạnh tăng năng suất lao động là giải pháp đặc biệt quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Và một trong những biện pháp là tăng liên kết, chia sẻ công nghệ giữa DN FDI và DN Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?
- Về lý thuyết chúng ta vẫn nói phải gắn kết DN FDI và DN nội để phát triển, nhưng làm được điều này không dễ. Bởi DN nước ngoài lớn, không quan tâm tới nhà cung cấp nhỏ của Việt Nam do năng lực DN nội yếu, và bản thân các DN FDI đã có nhà cung cấp của họ. Do đó, sự thực xâm nhập của DN nội vào chuỗi sản xuất và gắn kết là có, nhưng chậm.
Vì thế, theo tôi lúc này các DN lớn của Việt Nam phải có ý thức trách nhiệm và Chính phủ phải quan tâm tới vấn đề này. Các DN lớn Việt Nam hiện nằm ở hai khu vực: DNNN và các DN tư nhân như Vingroup, Sungroup, Thaco Trường Hải… Trong khi DNNN đang ngày càng co lại, DN tư nhân lớn đã tạo dựng được nguồn vốn và nhân lực vững chắc nên cần có trách nhiệm gắn kết DN trong nước, để giúp DN nhỏ ngày càng lớn lên.
Xét cho cùng, để phát triển bền vững, trước hết DN trong nuớc phải tự cứu nhau. Tất nhiên không thể ép buộc bằng luật, vì thế nên tạo ra hệ thống chính sách mang tính động lực, khuyến khích. Thí dụ, Nhà nước đặt hàng DN lớn với số lượng lớn hàng hóa, nhưng kèm quy định DN lớn này phải có đối tác là hàng chục, hàng trăm xưởng của các DN nhỏ nội địa. Có như thế mới kéo nhau lớn lên được. 
- Tăng trưởng bền vững là tăng trưởng dựa vào nội lực. Và nâng cao năng lực nội tại của DN tư nhân là điều rất quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của Chính phủ cho khu vực này trong thời gian qua cũng như trong năm nay?
- Để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tư nhân, năm vừa qua Chính phủ đã làm được rất nhiều, nhưng có thể lúc đầu làm dễ nhưng càng về sau sẽ càng khó. Trong đó liên quan đến hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Việc một nước muốn phát triển phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân là điều không phải bàn, nhưng để làm sao cho khu vực này phát triển mạnh không phải điều dễ dàng. Trước hết, cần một hệ thống pháp luật minh bạch và công bằng, bảo vệ quyền sở hữu và những thành quả của DN, doanh nhân, khi có tranh chấp nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho DN.
Tiếp đến là về vấn đề bộ máy. Kinh tế tư nhân đang bị đè nén. Minh chứng rõ ràng nhất là trong suốt 10 năm qua, đóng góp của khu vực này không thể vượt mức 10% vào GDP của nền kinh tế. Mức đóng góp này rất nhỏ bé. Trong khi đó, tại các nước phát triển, mức đóng góp của khu vực này ít nhất 80%. Như vậy, còn một chặng đường rất dài cho kinh tế tư nhân. Điều này còn do Việt Nam có xuất phát điểm thấp, vẫn tồn tại một khu vực không chính thức là những hộ cá thể, những người buôn thúng bán mẹt chưa muốn lên DN bởi rào cản thủ tục rườm rà.
Cuối cùng là phải thu hẹp lại cái bóng quá lớn của khu vực Nhà nước, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và các DNNN. Hiện khu vực này đang như những cây đại thụ, hứng hết nắng của kinh tế tư nhân. Theo tôi, năm nay khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục phát triển nhưng không có sự nhảy vọt.
- Dự cảm của ông với sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 ra sao?
- 3 năm nay tăng trưởng GDP vẫn đang từ từ đi lên, và mức tăng trưởng năm 2018 tôi cho rằng sẽ không thấp hơn năm 2017.
 Điểm nghẽn lớn nhất cản trở tiến trình tăng trưởng nhanh và bền vững chính là vai trò của Nhà nước quá lớn khi hiện diện ở mọi nơi, trong khi đó chất lượng thấp, bao gồm cả khía cạnh quản lý nhà nước và khu vực DNNN. Đội ngũ quản lý nhà nước, đặc biệt là ở các địa phương đang cản trở, khiến khu vực DN thêm nhỏ bé, còi cọc, phải nhường sân cho DN nước ngoài.

Các tin khác