Dồn vốn ODA các dự án quan trọng

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC về khả năng tuyến đường sắt đô thị số 1 của TPHCM chậm tiến độ vì thiếu vốn thanh toán cho nhà thầu Nhật Bản.
TS. LƯU BÍCH HỒ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KH-ĐT), cho rằng điều này cho thấy khả năng cân đối của ngân sách nhà nước (NSNN) ngày càng khó khăn hơn, và áp lực nợ công, nợ xấu ngày càng lớn. Trong bối cảnh này, các địa phương cần tính toán tiến độ, phân kỳ đầu tư dự án cho phù hợp với quá trình thu xếp vốn.
Không chỉ trông chờ vào vốn ODA

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc nhà thầu Nhật Bản thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên thông báo cho Ban QLDA Đường sắt đô thị TPHCM sẽ cắt giảm tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công nếu chủ đầu tư không thanh toán cho họ, đang cho thấy điều gì trong huy động và sử dụng vốn vay ODA?

TS. LƯU BÍCH HỒ: -
Cần phải khẳng định Nhật Bản không hẹp hòi trong việc cho Việt Nam vay thêm vốn ODA. Nên các nhà thầu của họ thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM cho rằng vốn cho dự án đã chuẩn bị đủ là có cơ sở.
Nhưng phía Việt Nam, Chính phủ phải cân đối đến sự ổn định vĩ mô, cân đối đến áp lực nợ công, nợ xấu khi quyết định vay thêm nguồn vay ODA. Năm 2017 Chính phủ dự kiến vay 99.000 tỷ đồng vốn ODA, nhưng chỉ có 26.000 tỷ đồng cho địa phương vay lại, riêng TPHCM được vay lại khoảng 4.034 tỷ đồng, còn lại để cân đối nợ, trả nợ, đảo nợ. Trong khi theo đề xuất của TPHCM năm nay TP cần khoảng 8.000 tỷ đồng vốn vay ODA để giải ngân cho các dự án trên địa bàn. 

Nhìn trong trung hạn 2016-2020, nguồn vốn ODA dự kiến cân đối cho TPHCM khoảng 13.500 tỷ đồng, nếu tính thêm cả nguồn dự phòng 1.350 tỷ đồng, tổng nguồn ODA Trung ương cân đối cho TP trong 5 năm chỉ khoảng 14.850 tỷ đồng, tức xấp xỉ 3.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, theo đề xuất của TPHCM trong 5 năm cần hơn 48.000 tỷ đồng vốn ODA để đầu tư, phát triển hạ tầng, tức gấp khoảng 4 lần khả năng cân đối của Trung ương.
Thực tế này cho thấy khả năng cân đối thêm vốn của Trung ương rất khó khăn. Còn nếu không muốn để xảy ra tình trạng nhà thầu giãn, hoặc ngưng thi công dự án TPHCM phải dồn vốn ODA cho các dự án quan trọng hơn, bên cạnh đó ngân sách TP phải tự xoay sở. Nếu không xoay sở được phải đền bù cho nhà thầu theo cam kết hợp đồng đã ký. Vì ngoài khoản tiền chi trả cho khối lượng công việc nhà thầu đã thi công, chủ đầu tư phải chịu phạt do nhà thầu bị mất đi một khoản tiền nếu dừng thi công dự án, và cần làm rõ xem con số đền bù cụ thể là bao nhiêu.

- Những dự án như tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM có tiến độ tốt nhưng lại thiếu vốn. Để khắc phục tình trạng này có nên cân đối lại việc phân bổ vốn ODA cho phù hợp, thưa ông? 

- Về cơ chế sử dụng nguồn vay ODA, năm 2016 các bộ, ngành đã đưa ra cách giải quyết trong phân bổ vốn ODA là bù vốn vay dự án này sang dự án kia. Dự án nào chưa sử dụng hết vốn ODA lấy nguồn vốn dư đó đắp sang dự án khác, hoặc ứng vốn sang dự án khác. Năm trước đã có cơ chế này rồi, nhưng năm nay nếu thiếu nhiều vốn ODA cho các dự án đang triển khai khó có thể làm vậy được nữa. 

Điều này chỉ ra rằng cần phải nhìn lại kế hoạch phân bổ vốn ODA trung hạn, hướng dòng vốn ODA đến các dự án trọng điểm ở các đầu tầu kinh tế cả nước như TPHCM, vì đây cũng là những địa phương có nguồn thu lớn nhất cho ngân sách, là động lực thúc đẩy kinh tế vùng. Về nguyên tắc kế hoạch đầu tư phải tuân thủ đúng kế hoạch ban đầu đề ra, không nên phát sinh, bổ sung.
Thực tế, Bộ KH-ĐT đã nhiều lần cảnh báo có quá nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA nên bộ này không thể cân đối được. Nhưng ngay sau khi cân đối kế hoạch đầu tư trung hạn vẫn có sự biến động ở nguồn vốn huy động được, biến động ở giá cả… nên không khống chế và kiểm soát được.

Vay ODA cần tính đến khả năng trả nợ

- Cuối tháng 4 năm nay thủ tục giải ngân ODA cho các dự án tại TPHCM trong năm 2017 mới hoàn tất, có phải do thủ tục giải ngân ODA đang quá rườm rà, phức tạp. TPHCM có nên cân đối vốn ODA từ các dự án khác cho các dự án đường sắt đô thị, thưa ông?

- Việc giải ngân vốn ODA chậm vừa qua Chính phủ đã giải trình với Quốc hội về việc đang có quá nhiều bộ, ngành tham gia quá trình giải ngân ODA cho các địa phương như Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…, dẫn đến tiến độ giải ngân chậm. Điều này không chỉ diễn ra riêng với dự án này, nhiều dự án sử dụng ODA khác cũng đang rất chậm vì vướng thủ tục.
Để bù đắp được vốn cho dự án đường sắt đô thị số 1 TPHCM cần có giải pháp cụ thể, nhưng vấn đề đặt ra hiện này là đầu tư dẫn đến nợ xấu thì ai chịu trách nhiệm. Quá trình vay và sử dụng ODA cần gắn liền với trách nhiệm giải trình. Bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay đòi hỏi phải siết lại đầu tư để giảm nợ. Thà rằng chấp nhận giảm đầu tư, tăng trưởng thấp hơn để giảm nợ công còn hơn tăng trưởng cao mà nợ công, nợ xấu, lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.

Vì vậy, TPHCM phải tính đến khả năng phải giãn, hoãn tiến độ, hoặc phân kỳ đầu tư lại các dự án trọng điểm trên địa bàn cho phù hợp với khả năng thu xếp vốn. Chúng ta đã có bài học là đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Nội phải dãn tiến độ rất nhiều lần vì thiếu vốn vay đến nay vẫn chưa xong. Bối cảnh này buộc TPHCM phải tính toán để chủ động triển khai các dự án lớn.
Bởi ngoài dự án này, còn một loạt các tuyến khác sẽ được khởi công trong thời gian tới. Khi đi vay thêm ODA chúng ta cũng phải tính đến khả năng trả nợ vay nữa. Trần vay ODA chúng ta lập ra là để cho chính mình, khi các tính toán chỉ ra như vậy là kiểm soát được và có khả năng trả nợ vay. Nền kinh tế đang ở trong tình trạng bội chi ngân sách quá lớn rồi, nợ công cũng sắp kịch trần, cái gì cũng quá ngưỡng nên phải thắt lưng buộc bụng để hướng đến một sự tăng trưởng bền vững, lâu dài.

- Xin cảm ơn ông.
 Tại kỳ họp cuối năm 2016 Quốc hội đã quyết định giảm tỷ lệ điều tiết nguồn thu lại cho TPHCM từ 23% xuống còn 18% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Trong khi TPHCM đang đối mặt với hàng loạt vấn đề hạ tầng lớn phải giải quyết gấp như tình trạng úng lụt, ách tắc giao thông. TPHCM đã xin nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách lại cho địa phương nhưng Chính phủ, Quốc hội không đồng ý. Còn nguồn vay ODA cấp cho TP cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu đầu tư. Chỉ tính riêng năm nay nhu cầu vốn cho tuyến đường sắt đô thị số 1 cần khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng Trung ương chỉ thu xếp được 2.100 tỷ đồng.

Các tin khác