Điều chỉnh quy hoạch sân golf cho phù hợp

(ĐTTCO) - Trong khi nhiều sân golf trong quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng, một số địa phương đề xuất xây dựng thêm nhiều sân golf khác. 
Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, TS. PHẠM SỸ LIÊM (ảnh), Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết thực tế có sự vênh nhau giữa nhu cầu thị trường và quy hoạch sân golf đã được phê duyệt. Vì thế cần sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển sân golf.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông, vì sao các dự án sân golf lại hấp dẫn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như vậy?
Điều chỉnh quy hoạch sân golf cho phù hợp ảnh 1
TS. PHẠM SỸ LIÊM: - Đầu tư sân golf bao giờ cũng kèm theo phát triển các khu lưu trú để người chơi golf đến vui chơi, nghỉ dưỡng. Đây cũng là một nguồn thu, không chỉ thu từ dịch vụ chơi golf. Thậm chí trên đất sân golf, các nhà đầu tư còn phát triển thêm các bất động sản nghỉ dưỡng với mục đích khác. Nó cho thấy lợi nhuận kinh doanh sân golf rất lớn.
Thí dụ, sân golf Trà Cổ (Quảng Ninh), người chơi golf từ Hàn Quốc đáp máy bay qua thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), sau đó di chuyển đến thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) giáp cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), làm thủ tục nhập cảnh để đến chơi golf tại Trà Cổ.
Hiện nay, sân golf Trà Cổ chủ yếu khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, vì ở Hàn Quốc suốt mùa đông không thể chơi golf, cho thấy sức hấp dẫn của các sân golf trong nước rất lớn. Với khí hậu Việt Nam các sân golf có thể chơi quanh năm, chi phí chơi golf tại Việt Nam cũng rẻ hơn nhiều lần tại các nước phát triển. Khách nước ngoài đến Việt Nam chơi golf đương nhiên có nhu cầu lưu trú và đi du lịch, điều này cũng thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Một thực tế khác là các dự án sân golf thường gắn với việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, làm gia tăng đáng kể lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn thường đầu tư phát triển sân golf như một giải pháp để gia tăng giá trị cho các dự án bất động sản liền kề do họ đầu tư.
- Hiện các địa phương đề xuất xây dựng sân golf mới, trong khi vẫn còn nhiều sân golf trong quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng. Vậy theo ông điều chỉnh quy hoạch sân golf như thế nào cho phù hợp?
- Khi quy hoạch không sát với nhu cầu thị trường, đương nhiên phải điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Quy hoạch sân golf được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009 có 89 sân golf, nhưng ngay thời điểm đó theo rà soát của Bộ KH-ĐT có khoảng 144 dự án sân golf được cấp phép, hoặc cấp chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện dự án. Như vậy số lượng sân golf đã nhiều, nay nếu bổ sung thêm liệu có dư thừa. Nhưng vấn đề đặt ra là có nhiều sân golf nằm trong quy hoạch lại không có nhà đầu tư thực hiện.
Tuy nhiên, việc địa phương đề xuất bổ sung dự án vào quy hoạch sân golf là xuất phát từ nhu cầu thực tế, còn được bổ sung vào quy hoạch hay không do Thủ tướng quyết định trên cơ sở tham mưu, thẩm định dự án của các bộ, ngành. Chúng ta không nên chỉ thấy nhiều, thấy ít sân golf trong quy hoạch, nếu thị trường chấp nhận và địa điểm thích hợp nên bổ sung vào quy hoạch để nhà đầu tư phát triển các sân golf.
Thực tế hiện nay cho thấy quy hoạch sân golf năm 2009 chưa thực sự sát với nhu cầu của thị trường. Bởi phát triển sân golf gắn với đầu tư, nên địa điểm nào thị trường chấp nhận nhà đầu tư mới bỏ tiền ra, địa điểm nào đã quy hoạch phát triển sân golf nhưng thị trường không chấp nhận thời gian tới cũng phải loại bỏ ra khỏi quy hoạch.
Vấn đề quan trọng với điều chỉnh quy hoạch phát triển sân golf là phát triển sân golf trên những khu vực đất đai kém giá trị như sườn đồi núi, bãi cát ven biển, đất hoang hóa không trồng trọt được. Còn nếu xâm phạm vào đất nông nghiệp, phá rừng làm sân golf cương quyết không cho thực hiện. Việc bổ sung sân golf vào quy hoạch phải xét đến từng địa điểm xây dựng sân golf cụ thể, vì phát triển 1 sân golf chuẩn quốc tế mất cả trăm ha đất.
Ở Nhật Bản họ xây dựng rất nhiều sân golf nhưng đa phần trên diện tích đất tại các sườn đồi núi, không phải trên khu vực đất đai bằng phẳng về mặt bằng. Như vậy rất hợp lý bởi đất đai sườn núi không có nhiều giá trị.
- Thưa ông, giá trị đền bù trong thu hồi đất để phát triển dự án sân golf và tiền thuê đất dự án rất rẻ, trong khi lợi nhuận thu được từ đầu tư sân golf khá hấp dẫn. Đây có phải là điều bất hợp lý trong cấp phép dự án sân golf?
- Hiện nay hàng chục sân golf quy mô đầu tư hàng ngàn tỷ đồng như Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Ao Châu (Phú Thọ), Vinh Xuân, Lộc Bình (Thừa Thiên Huế), Vân Đồn (Quảng Ninh), Quảng Bình Golf Links, Paradise Golf (Hà Nam),… đang được các địa phương đề xuất bổ sung vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến 2020. 
Tuy nhiên, sân golf không phải lợi ích quốc gia, không được thu hồi đất của người dân khi phát triển các dự án sân golf. Các địa phương chỉ nên thu hồi đất đối với các dự án giao thông, công cộng, dự án an ninh, quốc phòng… Còn sân golf không thuộc nhóm dự án này nên không thể thu hồi đất của người dân để giao cho nhà đầu tư. Địa phương nào thu hồi đất nông nghiệp của người dân để phát triển sân golf là vô lý.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư muốn lấy đất của người dân đầu tư sân golf buộc phải tuân thủ nguyên tắc thỏa thuận giá trị đất. Đất của người dân đã có tài sản trên đất phải thỏa thuận mua bán theo giá thị trường, không phải theo giá Nhà nước ban hành. Hiện nay trong phát triển các dự án kinh tế đang có chuyện lạm dụng thu hồi đất tại các địa phương nhưng không phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
- Xin cảm ơn ông.
 Xây dựng sân golf chiếm nhiều đất, việc trồng cỏ sân golf phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại đến môi trường. Nên khi cấp phép các dự án đầu tư sân golf cần ràng buộc nhà đầu tư phải có trách nhiệm xử lý chất thải này. Với mỗi đề xuất bổ sung vào quy hoạch sân golf hiện nay cần được xem xét cụ thể, nhưng khi chưa thể điều chỉnh quy hoạch phát triển sân golf phải tuân thủ quy hoạch, bởi phát triển sân golf chưa phải là nhiệm vụ cấp bách.

Các tin khác