Cổ phần hóa đang đi vào thực chất

(ĐTTCO) - Theo ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN (ảnh), Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (DN), với việc công khai danh mục và tỷ lệ cổ phần hóa (CPH) DN từng năm, DN thoái vốn đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách DN. Trao đổi với ĐTTC, ông Tiến nhận định:
 
Việc CPH DN nhằm thay đổi về chất DN, giải phóng nguồn lực từ khu vực DNNN, để người dân và DN tư nhân làm. Kế hoạch giao từ năm 2015, chuẩn bị năm 2016 và đến nay không thể chần chừ. Những bước thực hiện bán vốn ở CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)… đang được làm khá tốt.
Chúng tôi đánh giá thị trường chứng khoán vừa qua do có dòng vốn ngoại, khác với giai đoạn 10 năm trước chủ yếu là nguồn vốn trong dân. Dòng vốn ngoại yêu cầu sản phẩm hàng hóa phải tốt, từ đó mới đầu tư lâu dài và cải tổ DN. Đó cũng là mục tiêu của Nhà nước khi thoái vốn công khai, minh bạch và sau đó DN mới “thay máu thực sự” để hoạt động tốt hơn. 
PHÓNG VIÊN: - Vậy thưa ông tính đến thời điểm này kế hoạch CPH đã thực hiện đến đâu?
Cổ phần hóa đang đi vào thực chất ảnh 1
Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: - Năm 2017, điều Chính phủ đạt được là nói và làm đi đôi với nhau. Lần đầu tiên, Chính phủ công khai toàn bộ danh mục và tỷ lệ nắm giữ hay bán hết DN theo từng năm cũng như công bố cả DN thoái vốn để các nhà đầu tư và thị trường biết, tham gia. Năm nay, kế hoạch CPH 44 DN và hiện đã CPH 40 DN, trong đó bao gồm cả DN năm trước chuyển sang. Còn nếu tính theo kế hoạch đến thời điểm này đã CPH được 16/44 DN. 
Như vậy về số lượng không đạt, nhưng về chất lượng những DN chuẩn bị CPH tới đây đều là những DN có quy mô rất lớn. Đơn cử như Thủ tướng vừa phê duyệt phương án CPH 3 DN ngành dầu khí như Nhà máy Lọc hóa dầu Bỉm Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí và sắp tới là phương án CPH của Tập đoàn Công nghiệp Cao su và Tổng công ty Phát điện 3. Các DN này đều có quy mô lớn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng nên rõ ràng phải có sự chuẩn bị rất kỹ, tìm được người mua và thị trường tốt mới bán được. Với những DN lớn CPH này, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm CPH, không lùi bước và đảm bảo có sự thay đổi về chất.
Còn 15 ngày nữa mới khẳng định số DN CPH đạt bao nhiêu phần trăm, hoàn thành ở mức nào. Tuy vậy, điểm quan trọng nhất vừa qua là chất lượng CPH đã được cải thiện. Đã là bán vốn, CPH phải giảm tỷ lệ vốn nhà nước, đồng thời có sự tham gia của nhà đầu tư. Đây là điểm khác so với giai đoạn trước chỉ bán vốn 1-2%. 
- Nhiệm vụ đã được giao cụ thể, vậy chế tài ra sao để nhiệm vụ được hoàn thành, thưa ông?
- Chế tài đã có, áp lực cũng có và song hành là cả một hệ thống khuôn khổ pháp lý và hệ thống chính trị. Lãnh đạo DN là đảng viên thực hiện theo chủ trương của Đảng về vấn đề này, người dân đồng thuận, thể chế của Chính phủ cũng rõ rồi. Quan trọng nhất là vấn đề thực hiện và giám sát, bởi thực hiện tốt hay không phải có giám sát.
Một DN không CPH được cũng phải tìm hiểu lý do tại sao. Xác định được nguyên nhân rồi có phương án  tháo gỡ. Nếu là khách quan sẽ xử lý còn nếu do chủ quan quy trách nhiệm người đứng đầu. Trong chế tài của Chính phủ, nếu CPH chậm lãnh đạo DN phải chịu trách nhiệm.
Thí dụ, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) chậm việc thoái vốn nhà nước, tổng giám đốc đã phải tạm dừng nhiệm vụ điều hành sản xuất kinh doanh, chuyển giao cho phó tổng giám đốc để tập trung cho công việc thoái vốn nhà nước tại Habeco theo đúng yêu cầu của Bộ Công Thương.
Cổ phần hóa đang đi vào thực chất ảnh 2 Sức hút của Sabeco thời gian gần đây là minh chứng cho sự quyết liệt thoái vốn DNNN của Chính phủ.  
 - Việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco có ý nghĩa thế nào với thị trường, thưa ông?
- Chính phủ có nhiều khoản đầu tư tốt như Vinamilk, Sabeco, FPT… Sabeco đang nhận được sự quan tâm tốt từ phía nhà đầu tư. Việc thoái vốn nếu thành công sẽ thu được khoản tiền rất lớn cho ngân sách để thực hiện cho các khoản đầu tư phát triển. Việc bán vốn tại Sabeco rất có ý nghĩa.
Đó là Chính phủ thực hiện lời hứa với nhà đầu tư là Chính phủ không kinh doanh những lĩnh vực nhà đầu tư khác đang làm được. Việc thoái vốn này cũng tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán, đồng thời cũng giúp các DN khác có cơ hội để huy động vốn thông qua thị trường.
- Với khối lượng hàng hóa lớn đưa ra thị trường sắp tới, ông có lo lắng đến sức cầu?
- Trong các chuyến công du của Thủ tướng vừa qua đều có kết hợp việc mời gọi đầu tư vào Việt Nam. Bản thân Bộ trưởng Bộ Tài chính trong 3 năm vừa qua đã có 4-5 cuộc tiếp xúc đầu tư tại Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Thực tế chưa bao giờ dòng tiền nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều như hiện nay. Đây là cơ hội để việc CPH, thoái vốn thuận lợi hơn, cung gặp cầu, nhà đầu tư lớn quan tâm.
- Xin cảm ơn ông.
 Điểm nhấn trong CPH giai đoạn này là Nhà nước không nắm giữ khối lượng lớn DN mà nắm những gì tư nhân không làm được. Việc CPH tới đây sẽ tiếp tục được tiến hành thực chất hơn và khác so với trước kia CPH đạt tới 94% nhưng bán vốn chỉ đạt 8%.

Các tin khác