Bình ổn giá vàng: Trả công cụ về thị trường

Trong những ngày qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đề cập đến những cơ chế để bình ổn thị trường, giữ cho giá vàng trong nước theo sát giá vàng quốc tế. Trong đó, có đề cập đến biện pháp dùng vàng dự trữ trong dân để can thiệp và NHNN sẽ đóng vai trò "giữ hộ" vàng cho người dân - nói cách khác là tìm cách huy động vàng trong dân.

Trong những ngày qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đề cập đến những cơ chế để bình ổn thị trường, giữ cho giá vàng trong nước theo sát giá vàng quốc tế. Trong đó, có đề cập đến biện pháp dùng vàng dự trữ trong dân để can thiệp và NHNN sẽ đóng vai trò "giữ hộ" vàng cho người dân - nói cách khác là tìm cách huy động vàng trong dân.

Huy động vàng trong dân: Làm như thế nào và để làm gì?

Đây có lẽ là hai câu hỏi cơ bản cần trả lời khi nghĩ về một đề án huy động vàng hay "giữ hộ" vàng cho dân. Theo Thống đốc NHNN thì các NHTM sẽ đóng vai trò trung gian trong việc huy động vàng trong dân và số vàng này sẽ được sử dụng như là một phần dự trữ ngoại hối. Ông Bình ước tính, con số dự trữ này có thể lên đến 10 tỷ USD, rất lớn so với mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại mà ADB ước tính vào khoảng 12 - 13 tỷ USD. Nếu huy động được 10 tỷ USD này và đối xử với nó như dự trữ ngoại hối thì thật là đáng mừng.

Tuy nhiên, thực tế có thể không đơn giản gói gọn trong một mệnh đề "nếu" như vậy. Trước tiên, làm sao có thể huy động được vàng trong dân? Nếu như NHNN phải phát hành trái phiếu huy động vàng, hay dùng giải pháp mở tài khoản gửi vàng có trả lãi thì phải tính lãi suất là bao nhiêu và nó khác gì với hình thức huy động trước đây của NHTM? Nếu đã như vậy, tại sao không cởi trói các quy định về huy động và cho vay vàng đối với NHTM?

Thống đốc đã nhận xét rất chính xác rằng, lượng vàng trong dân bị "chết cứng" bởi các quy định trước đây: NHTM không được huy động vàng, không được cho vay vàng, không được chuyển đổi vàng huy động thành tiền đồng lấy vốn sản xuất - kinh doanh. Vậy thì tại sao không cởi trói các quy định này, mà NHNN phải vất vả tự đứng ra tìm đề án "giữ hộ" vàng cho dân?

Bài toán làm sao huy động được vàng, dùng công cụ nào, lãi suất bao nhiêu là một bài toán thị trường, thay đổi vào từng thời điểm cụ thể, thì cần phải trả nó lại cho thị trường giải quyết. Vai trò của NHNN là tạo lập khung chính sách, điều hành vĩ mô và giám sát an toàn hệ thống, chứ đâu phải vai trò đi giữ hộ vàng và tính toán lãi suất huy động, cách thức huy động như vậy? Hơn nữa, cái cơ chế gọi là "NHNN giữ hộ, NHTM làm đại lý" tỏ ra khá mù mờ, khiến người dân cũng không biết chắc như vậy ai mới là người chịu trách nhiệm chính với số vàng của mình, khi mình cần rút vàng thì cần tìm ai, NHNN hay NHTM?

Câu hỏi thứ hai, huy động rồi làm gì với số vàng này? Thật lý tưởng nếu có thể xử lý số vàng này như là dự trữ ngoại hối, nhưng trên thực tế, nếu gọi là NHNN "giữ hộ" thì khi người nhờ giữ muốn rút vàng ra, NHNN phải cho rút. Như vậy, nguồn vàng này thực tế không ổn định và do đó, khái niệm "nguồn dự trữ vàng" này cũng mất ổn định theo. Nếu nguồn huy động vàng này được đem cất vào kho của NHNN hay gửi ở một tài khoản nào đó ở nước ngoài thì cũng đâu có gì khác biệt với việc vàng nằm trong tủ của người dân?

Khác biệt có chăng là ở khả năng NHNN sử dụng tới nguồn dự trữ này để can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Vậy tại sao không để NHTM huy động vàng rồi buộc duy trì một tỷ lệ dự trữ bắt buộc vàng hợp lý ở NHNN? Như vậy, NHNN vẫn có vàng để can thiệp thị trường khi cần thiết, trong khi gánh nặng bài toán huy động vàng được trả về cho NHTM, những chủ thể gần gũi với thị trường hơn tính toán cho phù hợp. Chẳng lẽ gánh nặng bình ổn tỷ giá - lạm phát - lãi suất, kích thích kinh tế chưa đủ lớn hay sao mà NHNN còn phải gánh thêm vào mình bài toán sử dụng số vàng huy động trong dân sao cho có lợi nhất?

Gỡ nút thắt trong quản lý thị trường vàng

Một câu hỏi cũng cần quan tâm là liệu giải pháp huy động nguồn vàng trong dân có thể giúp ổn định thị trường vàng? Câu trả lời là không có gì chắc chắn, bởi sự bất ổn hiện tại của giá vàng có nguyên nhân sâu xa từ sự bất ổn của giá vàng quốc tế do nhiều nhân tố. Tất cả những nhân tố này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN. Nếu người dân chịu gửi vàng cho NHNN giữ, nhưng vẫn không ngừng chạy theo mua vàng khi giá thế giới tăng thì liệu lực bán vàng ra từ NHNN có giữ giá vàng ổn định được không?

Điều mà NHNN có thể tác động đến chính là nhóm nhà đầu cơ làm giá trong nước và cơ chế để giá vàng trong nước không lệch xa ra khỏi giá vàng quốc tế. Để đưa giá trong nước về gần giá quốc tế, nhiều ý kiến đã đề cập đến việc nới lỏng quy định về xuất nhập vàng, hoặc NHNN trực tiếp mua/bán vàng vật chất để bình ổn thị trường trong khi lại bán/mua đối ứng qua vàng tài khoản. Nếu việc này được thực hiện linh hoạt thì các lực trên thị trường sẽ tự động kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng quốc tế. Khi đó, các nhóm đầu cơ cũng không dễ gì làm giá, tạo khan hiếm hay dư thừa nguồn cung giả tạo nữa.

Việc thành lập một sở giao dịch vàng tập trung có thể đáp ứng được yêu cầu kéo giá vàng Việt Nam đi sát giá vàng quốc tế. Sở giao dịch cần được phép xuất nhập vàng linh hoạt không thông qua các giới hạn về quota như hiện nay, đồng thời được ưu đãi hơn về thuế suất cũng như cho phép sử dụng giao dịch tài khoản vàng đối ứng với giao dịch vàng vật chất.

Như vậy, nó sẽ hạn chế đến mức thấp nhất động lực xuất nhập khẩu lậu vàng lẫn khả năng tạo khan hiếm hay dư thừa cung vàng giả tạo để làm giá. Mặt khác, nó sẽ đưa hoạt động đầu cơ vàng đi vào khuôn khổ và động thái của những người đầu cơ trở nên minh bạch hơn để cơ quan quản lý có thể giám sát dễ dàng hơn.

Những người muốn đầu tư vào vàng cũng có thể thực hiện ký quỹ vàng tại sở giao dịch và tiến hành giao dịch đầu tư vàng qua các đại lý như tại các NHTM hay trung tâm kinh doanh vàng bạc một cách thuận tiện. Như thế thì mục tiêu duy trì một lượng vàng dự trữ để can thiệp khi cần thiết cũng đạt được.

Có thể có nhiều ý kiến lo ngại khi trước đây, nhiều người đã bị thua lỗ trên sàn vàng, việc mở ra một sàn vàng mới có lặp lại sai lầm cũ hay không? Câu trả lời nằm ở hai điểm: quản lý mức ký quỹ hay đòn bẩy tài chính nhà đầu tư có thể sử dụng để đầu tư vào vàng và quản lý vai trò tạo lập giá trên thị trường vàng. Nhà đầu tư muốn vay tiền mua vàng hay vay vàng để bán phải được đảm bảo bằng một tỷ lệ ký quỹ lớn (80 - 100% chẳng hạn), nghĩa là đòn bẩy tài chính được sử dụng để mua bán vàng phải nhỏ, đồng nghĩa với khả năng khuếch đại lợi nhuận và thua lỗ cũng thấp hơn.

Ở góc độ thứ hai, sàn giao dịch vàng ở Việt Nam cần phải đóng vai trò bình ổn giá, đảm bảo giá vàng trong nước theo sát giá thế giới. Điều này hoàn toàn có thể được thực hiện thông qua việc cho phép sở giao dịch vàng được giao dịch đối ứng trên tài khoản với quốc tế và được phép xuất nhập vàng linh hoạt. Khi người dân hiểu rằng luôn có thể mua được vàng với giá gần với giá quốc tế và nguồn vàng luôn dồi dào, tất yếu họ sẽ không hoảng loạn đẩy giá vàng lên xa khỏi giá quốc tế.

Sở giao dịch vàng này hoàn toàn có thể được cấu trúc theo dạng công ty cổ phần mà các DN kinh doanh vàng, NHTM đều có thể mua cổ phiếu và trở thành cổ đông. Mặt khác, đây cũng là một bước khởi đầu để định hướng triển khai các giao dịch giao sau về vàng nhằm bảo hiểm rủi ro giá vàng trong nền kinh tế. Đây cũng là cơ quan chia sẻ gánh nặng bình ổn giá vàng và huy động vàng với NHNN, để NHNN tập trung vào giám sát và thực thi chính sách. Sở giao dịch sẽ tạo ra sân chơi để các thành viên tham gia thực thi các giải pháp theo thị trường, nhằm cân bằng cung cầu vàng trong nền kinh tế và đảm bảo tập trung được lượng vàng vật chất về một đầu mối qua giải pháp lưu ký vàng (giống như lưu ký chứng khoán).

Vướng mắc lớn đối với hình thức này là vấn đề cho phép xuất nhập vàng liệu có dẫn đến biến động lớn về tỷ giá hay không và liệu rằng, kênh đầu tư vàng có quay lại trở thành một kênh cạnh tranh thu hút mất vốn dài hạn từ TTCK hay không. Thực tế hiện nay đã cho câu trả lời về vai trò kênh cạnh tranh với TTCK của sở giao dịch vàng. Rõ ràng là dù không có sở giao dịch, hoạt động đầu cơ và đầu tư vàng vẫn diễn ra. Không có sở giao dịch vàng, khi các yếu tố cơ bản không tốt và DN niêm yết không tăng trưởng ổn định, TTCK vẫn thiếu vốn.

Vấn đề thiếu vốn dài hạn vào TTCK nằm ở những lý do khác, hơn là do sự tồn tại của sở giao dịch vàng. Khi mà còn nhiều người Việt Nam muốn kiếm tiền nóng thì không cho họ đầu cơ vàng, họ cũng sẽ không bỏ tiền vào làm ăn dài hạn mà lại đầu cơ bất hợp pháp vào một cái gì khác mà Nhà nước khó quản lý hơn. Vì vậy, việc thành lập sở giao dịch vàng không phải là kênh cạnh tranh vốn dài hạn đối với TTCK, mà cùng lắm chỉ là kênh cạnh tranh vốn ngắn hạn và đầu cơ lướt sóng.

Vướng mắc về vấn đề tỷ giá là đáng quan ngại hơn. Sự thật là vấn đề bất ổn tỷ giá do nhập xuất vàng gây ra trong thời gian trước đây chỉ có tính ngắn hạn và mang tính thời điểm. Tuy nhiên, nó lại thường xảy ra trong giai đoạn căng thẳng tỷ giá, khi người dân rời bỏ các tài sản định giá bằng VND để đi mua vàng và ngoại tệ, nên góp phần làm trầm trọng sức ép giảm giá lên VND.

Vấn đề ở đây là NHNN muốn bình ổn giá nào, tỷ giá hay giá vàng? Nếu muốn bình ổn giá vàng (hiểu theo nghĩa để vàng Việt Nam theo sát vàng thế giới) thì phải chấp nhận cho nhập xuất vàng linh hoạt, còn nếu muốn bình ổn tỷ giá thì có thể cần hạn chế nhập xuất vàng tại từng thời điểm.

Tuy nhiên, ngay cả khi đang căng thẳng tỷ giá mà hạn chế nhập xuất vàng chính thức, thì nhập xuất vàng lậu cũng có thể khiến tỷ giá căng thẳng hơn. Như vậy, suy cho cùng, tác động của nhập xuất vàng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến bất ổn tỷ giá mà chỉ là hiệu ứng phụ. Những phân tích ở trên cho thấy, việc gỡ nút thắt đối với thị trường vàng vốn dĩ không phải là không có giải pháp, mà vấn đề chỉ là mở ra một cơ chế hợp lý để thực hiện các giải pháp ấy, đồng thời nhắm tới gỡ nút thắt tỷ giá của nền kinh tế, để việc xuất nhập vàng nhằm kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới không bị "quy tội" là gây ra bất ổn tỷ giá

Các tin khác