Bí ẩn quỹ PE

Đầu tư vốn tư nhân (private equity-PE) là hình thức đầu tư phổ biến trên thị trường. Thời gian qua, cũng đã xuất hiện nhiều thương vụ đầu tư dưới hình thức PE. Tuy nhiên, PE thường cũng gắn liền với sự kín tiếng, gồm cả bên bán lẫn bên mua.

Đầu tư vốn tư nhân (private equity-PE) là hình thức đầu tư phổ biến trên thị trường. Thời gian qua, cũng đã xuất hiện nhiều thương vụ đầu tư dưới hình thức PE. Tuy nhiên, PE thường cũng gắn liền với sự kín tiếng, gồm cả bên bán lẫn bên mua.

Hồi đầu năm nay, đã xuất hiện thông tin về việc quỹ Mekong Enterprise Fund II thoái một phần vốn tại Thế giới di động và thu lãi khoảng 11 lần. Đây là quỹ do Mekong Capital quản lý, một công ty quản lý quỹ có thế mạnh trong lĩnh vực PE. Thông tin này nằm trong rải rác những thông tin liên quan đến PE và có lẽ nếu Mekong Capital không công bố ra bên ngoài rất khó để biết được công ty này đầu tư như thế nào, lãi bao nhiêu lần.

Đầu tư PE gần như “mặc định” về sự bí mật, trong đó có lĩnh vực thông tin. Điều này xuất phát từ chính tên gọi “vốn tư nhân” đối nghịch với “đại chúng”, đối tượng các quỹ PE hướng đến là các công ty tư nhân, các công ty chưa niêm yết, có thể là góp vốn vào công ty TNHH hoặc mua trái phiếu chuyển đổi của các công ty này. Đây là loại hình không phải chịu sự ràng buộc nào trong việc công bố thông tin như công ty đại chúng hay công ty niêm yết.

Cho đến gần đây, khi một số thương vụ PE của các NĐT đến từ Nhật Bản xuất hiện, người ta mới có cảm nhận hình thức này đang “gặp thời”, còn trước đây có vẻ “yếu thế” hơn so với các quỹ đại chúng được quản lý bởi VinaCapital, Dragon Capital. Thực tế, chính các quỹ PE hoạt động cũng rất lặng lẽ, theo lời của một NĐT đã có nhiều năm làm việc trong ngành quản lý quỹ chia sẻ, quy mô vốn đầu tư của các quỹ PE cũng rất “khủng”, chỉ có điều họ không “la lớn” mà thôi.

Thông thường, các thương vụ PE đều có giá trị lớn, khi quỹ đầu tư rót vốn có khả năng tạo ra một sự thay đổi mang tính bước ngoặt không chỉ về cấu trúc vốn, mà còn là chiến lược, đường đi của doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, các quỹ PE còn có thể tham gia hoạt động mua lại những công ty có tiềm năng nhưng đang “thoi thóp”, cũng là một hình thức M&A.

Do vậy, những hoạt động này thường đòi hỏi bảo mật thông tin ở mức cao để có thể triển khai thành công. Nếu như các quỹ đại chúng còn công bố danh mục đầu tư, dù chỉ ở mức tổng quát nhất, thì các quỹ PE rất hạn chế công bố thông tin đầu tư. Thậm chí, có những quỹ PE còn bảo mật cả thông tin đầu tư, những ai bỏ vốn vào quỹ cũng chỉ biết được mình đang làm việc với quỹ mà không biết tiền của mình đang chảy vào công ty nào.

Đã từng có những thương vụ PE rất lớn đầu tư vào một công ty thực phẩm cao cấp, lúc đầu công bố rất hoành tráng, nhưng sau này chìm luôn. Hỏi ra mới biết quỹ đầu tư đang phải vật lộn với công ty này, phải đưa cả những nhân sự trụ cột vào ban quản lý, gánh vác việc điều hành và cho đến giờ có thể nói đây là một thương vụ thất bại. Chính vì vậy tại một số quốc gia, đã có những quy định rõ ràng về NĐT nào đủ sức chấp nhận rủi ro mới được rót vốn vào các quỹ PE.

Vì đơn giản là sự hạn chế thông tin ở mức cao nhất, đẩy rủi ro về minh bạch thông tin gia tăng. Từ đây cũng xuất hiện một lợi thế cho các quỹ PE, đó là việc họ có thể thất bại từ vài cho đến hàng chục thương vụ, nhưng chỉ cần một doanh nghiệp họ đầu tư tăng trưởng, phát triển vượt bậc và sinh lãi lớn nghiễm nhiên được xem là thành công.

Nhưng mối quan hệ rủi ro nếu chỉ dừng lại giữa quỹ PE và doanh nghiệp thì rất đơn giản, còn nếu liên quan đến một bên khác phải xem lại. Chẳng hạn quỹ PE A đầu tư vào doanh nghiệp B, doanh nghiệp B lại đi mua lại một doanh nghiệp C, mà C lại là công ty đại chúng.

Như vậy hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp C từ đại chúng chuyển thành công ty tư nhân bằng cách mua lại cổ phần từ cổ đông, hoặc nếu C niêm yết sẽ tiến hành hủy niêm yết.

Các tin khác