Xu hướng chọn tour ngoại dịp Tết

(ĐTTCO) - Vài năm trở lại đây, du lịch Tết Nguyên đán đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều du khách Việt, như một dịp để tự thưởng cho bản thân và gia đình sau một năm bận rộn. Song thay vì chọn các điểm đến trong nước, nhiều người lại có xu hướng chọn các tour xuất ngoại. 

Tour ngoại kín chỗ
Quyết định đi du lịch 5 ngày trong dịp tết năm nay, chị Thu Hương (quận Gò Vấp, TPHCM) đã cùng gia đình cân nhắc lựa chọn hoặc sẽ đi một chuyến ra phía Bắc, lên các tỉnh vùng cao tận hưởng cái rét ngọt và những phong vị tết khác biệt; hoặc sẽ chọn một tour đi Đài Loan, đất nước mà chị đã nghe nhiều nhưng chưa có dịp đặt chân đến. Nghiên cứu giá vé và tham khảo thông tin từ bạn bè, cả nhà đã quyết định chọn Đài Loan cho mùa Tết năm nay. 
Nói về thị trường Đài Loan, sau những lùm xùm thời gian qua, Đài Loan đã siết chặt hơn chính sách visa, nhưng du khách Việt vẫn rất thích thị trường này. Theo chia sẻ của bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông Công ty Fiditour,  hiện công ty đang tăng cường thêm 30% lượng vé so với kế hoạch để đáp ứng nhu cầu của khách đi Đài Loan.
Ngoài ra, trong dịp Tết năm nay cũng có một số thị trường khác rất hút khách như Thái Lan (Bangkok - Pattaya), Philippines, Myanmar, Hàn Quốc... với lượng khách đăng ký đạt khoảng 85% kế hoạch chỗ. Hiện các tour này chỉ còn nhận vài khách cho các ngày khởi hành sau mùng 3. Các tuyến châu Âu, Mỹ, Australia... đã sớm đạt kế hoạch và đầy khách từ những tuần đầu tháng 11-2018. Các tour đi Dubai, Nhật, Malaysia, Singapore, Thái Lan (Phuket) còn khoảng 20% lượng chỗ, và dự kiến “chốt sổ” vào trung tuần tháng 1.
Xu hướng chọn tour ngoại dịp Tết ảnh 1 Phật Quan Sơn - địa điểm thu hút khách du lịch tại Đài Loan.  
Bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc tiếp thị Công ty du lịch Vietravel, cho biết với thị trường Ai Cập sau sự cố vừa qua, khách đang chuyển hướng sang đăng ký các tour châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo ghi nhận của ĐTTC, tại một số DN lữ hành khác số lượng khách chọn các tour ngoại cũng khá đông. Như tại Transviet, dự kiến số lượng khách chọn tour ngoại năm nay sẽ tăng trưởng hơn 20% so với năm trước. Tuy nhiên, với những tour gần như trong khu vực Đông Nam Á, hay khu vực Đông Bắc Á, khách có xu hướng chờ tới sát tết, khi rõ hơn các thông tin về lương thưởng thì mới đặt tour. 
Thực ra không chỉ riêng tour ngày tết, trong những năm gần đây người Việt ngày càng có xu hướng thích đi du lịch nước ngoài. Đặc biệt những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang trở thành những điểm đến yêu thích của du khách Việt. Báo cáo về tương lai du lịch nước ngoài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mastercard, được thực hiện với hơn 15.000 người tại 27 quốc gia, cũng chỉ ra rằng người Việt có xu hướng đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong thời gian tới. Dự báo, mỗi du khách sẽ có 5 chuyến đi du lịch nước ngoài trong 2 năm tới, cao hơn 3,5 chuyến được ghi nhận trong 2 năm vừa qua. 

Ngoại rẻ, chuyên nghiệp hơn?
Vì sao mà người Việt ngày càng thích đi du lịch nước ngoài và chi tiêu cũng rất mạnh tay trong những chuyến du lịch ấy? Còn nhớ trong một buổi giao lực trực tuyến hồi cuối năm 2018 vừa qua, khi nhận được câu hỏi ngành du lịch đánh giá như thế nào khi khách du lịch Việt ngày càng ưu chuộng các tour ngoại, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho rằng: “Việc người dân Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước, xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như chi phí du lịch trong nước có nhiều tour cao hơn so với chi phí du lịch ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia và Lào; chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ ở nhiều điểm đến nước ngoài chuyên nghiệp hơn; tâm lý thích khám phá điểm đến nước ngoài và cuối cùng là nhờ đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”. 
Thực ra không phải ngẫu nhiên mà ngày càng nhiều du khách Việt có tâm lý thích khám phá điểm đến nước ngoài. Một phần lý do rất lớn chính là vì các quốc gia này quảng bá quá mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Chẳng hạn như Đài Loan, 10 du khách đến có lẽ 8 người khẳng định cảnh ở đó còn thua xa nhiều phong cảnh của Việt Nam, song du khách vẫn ùn ùn kéo tới bởi Đài Loan đã dùng nhiều phương pháp quảng bá, như thông qua những người nổi tiếng trên mạng xã hội hoặc thông qua chính những công ty du lịch. Và lẽ dĩ nhiên không thể không kể đến việc họ làm du lịch rất chuyên nghiệp, bài bản.
“Chính cách làm chuyên nghiệp của họ từ công ty lữ hành đến người dân… khiến du khách khi tới nơi dù cảnh không đẹp như quảng cáo, nhưng cũng không cảm thấy quá thất vọng” - chị Quỳnh Anh một du khách chia sẻ. Hay như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cũng có rất nhiều chương trình quảng bá hình ảnh du lịch đến du khách Việt Nam. 
Trong khi du lịch nước ngoài chuyên nghiệp một cách đồng bộ, ở Việt Nam tại nhiều điểm du lịch vẫn còn kiểu làm ăn chụp giật, chặt chém, thậm chí nhiều du khách khi ra một số điểm du lịch miền Bắc những tháng đầu năm còn thuộc nằm lòng câu “chín tháng mài dao ba tháng chém”. Giám đốc một DN du lịch bức xúc, vào những mùa cao điểm như Tết, nhiều điểm đến làm ăn theo kiểu không cần chữ tín. 
Rồi chuyện giá vé, ngày thường nhiều điểm đến trong nước giá cao hơn cả điểm đến nước ngoài, thì ngày tết tăng cũng không có gì lạ, nhất là các tour trong nước di chuyển bằng máy bay. Giá vé máy bay tăng cao, công ty lữ hành dù không muốn cũng phải tăng giá tour. 
 Không chỉ chọn đi du lịch nước ngoài, mà người Việt Nam còn rất sẵn lòng chi tiêu khi đến những đất nước này vì chất lượng hàng hóa tốt, nhiều điểm mua sắm tiện lợi. Đơn cử như khi đi Nhật đi Hàn hầu hết du khách đều “tay xách nách mang” rất nhiều thứ. 

Các tin khác