Xây dựng hành lang pháp lý du lịch mạo hiểm

(ĐTTCO)-Việt Nam có nhiều tiềm năng, tài nguyên về du lịch mạo hiểm do điều kiện tự nhiên có cả biển, rừng và sông núi, thiên nhiên hùng vĩ… Du lịch mạo hiểm là một trong những định hướng chiến lược của Việt Nam.  
Chèo thuyền qua hang núi - một hình thức du lịch mạo hiểm
Chèo thuyền qua hang núi - một hình thức du lịch mạo hiểm
Việt Nam là một trong ít nước ở Đông Nam Á sở hữu tiềm năng cực kỳ tốt để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm. Sau một số các tai nạn đáng tiếc trong hoạt động du lịch mạo hiểm trái phép tại Lâm Đồng, Lào Cai, một thông tư riêng dành cho du lịch mạo hiểm mới được xúc tiến xây dựng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về vấn đề này.
Phóng viên: Du lịch mạo hiểm có vị trí như thế nào trong định hướng phát triển du lịch của ngành trong thời gian tới, thưa ông?
Ông NGÔ HOÀI CHUNG: - Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch mới, có sức cuốn hút cao và đang dành được sự quan tâm đặc biệt của thế giới. Thế giới đang khuyến khích du lịch mạo hiểm về với thiên nhiên, khám phá thiên nhiên…
Du lịch mạo hiểm là loại hình có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các loại hình du lịch, trong đó Việt Nam có nhiều tiềm năng, tài nguyên về du lịch mạo hiểm do điều kiện tự nhiên có cả biển, rừng và sông núi, thiên nhiên hùng vĩ… Du lịch mạo hiểm là một trong những định hướng chiến lược của Việt Nam.  
-Nhưng dường như ở Việt Nam các quy định, hướng dẫn về loại hình du lịch mạo hiểm vẫn đang là con số 0. Điều này không chỉ làm lãng phí tiềm năng mà còn gây khó cho chính các doanh nghiệp du lịch trong nước?
- Đúng vậy, đến nay vẫn chưa xây dựng được văn bản pháp luật nào để điều chỉnh lĩnh vực này khiến cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp khai thác du lịch mạo hiểm trong cả nước gặp nhiều lúng túng trong quá trình khai thác, quản lý. Dự thảo thông tư về du lịch mạo hiểm đang được tích cực xây dựng, sẽ công bố trên website của Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch trong những ngày tới để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, những người làm du lịch…
Theo lộ trình dự kiến, đầu tháng 7-2017, chúng tôi sẽ hoàn thiện lại sau đó đề xuất bộ lập hội đồng thẩm định thông tư trước khi ban hành.
- Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức cũng như quản lý loại hình du lịch này, vậy thông tư được xây dựng theo hướng nào?
-Để xây dựng thông tư này, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo về quản lý du lịch mạo hiểm. Trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp… chúng tôi xây dựng khung thông tư. Thông tư hướng tới 3 đối tượng là khách tham gia du lịch mạo hiểm; ban quản lý khu du lịch có du lịch mạo hiểm và doanh nghiệp lữ hành được phép tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm. Có những tiêu chí, yêu cầu buộc các đối tượng này phải đáp ứng đầy đủ mới được tham gia loại hình du lịch mạo hiểm. 
Vì đây là loại hình du lịch hấp dẫn, đang là xu hướng mới, được nhiều du khách lựa chọn, nên chúng tôi khuyến cáo du khách khi tham gia các loại hình này phải chọn các doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu, có kinh nghiệm, có các kỹ năng tổ chức tốt hoạt động du lịch mạo hiểm để tham gia. Thêm nữa, khi tham gia loại hình này cần tuân thủ mọi quy trình, hướng dẫn của hướng dẫn viên một cách tuyệt đối để đảm bảo an toàn.
- Theo thông tư này, người tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm có phải xuất trình thêm giấy khám sức khỏe hay tham gia thủ tục kiểm tra sức khỏe nào không?
-Thông tư vẫn đang quá trình nghiên cứu, xây dựng, tuy nhiên tinh thần là những thủ tục, điều kiện thì phải quy định trong nghị định của Chính phủ. Thông tư chỉ mang ý nghĩa là hướng dẫn hoạt động sao cho thuận lợi, vì thế trong quá trình xây dựng chúng tôi cố gắng hướng tới sự  thuận lợi, an toàn cho du khách.
Theo tôi, tùy từng loại hình du lịch được xếp là cực kỳ nguy hiểm, nguy hiểm hay hơi nguy hiểm mà có những quy định bắt buộc khác nhau. Thông tư chỉ là quy định khung, tùy theo từng địa phương, từng loại hình du lịch biển, núi, trên không… khác nhau mà có những thay đổi, ban hành quy chế phù hợp.
Quá trình xây dựng thông tư về du lịch mạo hiểm, bên cạnh việc dựa trên các điều kiện hoạt động thực tế ở một số địa phương được coi là có loại hình này phát triển mạnh thì có được tham khảo, hay dựa trên mô hình quản lý nào từ nước ngoài không, thưa ông?
Trước khi xây dựng dự thảo thông tư, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu du lịch, Trung tâm Thông tin của Tổng cục Du lịch… đã được giao thu thập, dịch các tài liệu có liên quan tới du lịch mạo hiểm của nhiều nước trên thế giới.
Đặc biệt là các thông tin liên quan tới kinh nghiệm và khuyến cáo của tổ chức du lịch mạo hiểm thế giới được chọn lọc và vận dụng để phục vụ quá trình soạn thảo thông tư. Toàn bộ mảng du lịch mạo hiểm chưa có văn bản quy định pháp luật nào, đây là vấn đề rất mới. Thông tư được coi là một trong những bước đầu tiên đặt nền móng cho việc quản lý loại hình này.
- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác