Vương quốc kỳ hoa dị thảo giữa mây trời

(ĐTTCO) - Vùng núi cao phía Bắc luôn mê hoặc du khách bởi những bức tranh phong cảnh hùng vỹ, hoang sơ. Trên các điểm cao chót vót hàng ngàn mét so với mực nước biển, quanh năm sương mây, chúng ta lại tìm thấy miền hoa thơm cỏ lạ vô cùng ấn tượng. Dọc theo hành trình khám phá vào các mùa trong năm, du khách được chiêm nghiệm những độc đáo của vương quốc kỳ hoa dị thảo. 

Loài hoa không tên trên đỉnh Tà Chì Nhù
Vào dịp cuối mùa thu, đầu đông (khoảng tháng 11-12), nằm ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái có một miền hoa thơm cỏ dại vô cùng đặc sắc. Đó là đỉnh núi Tà Chì Nhù, có điểm cao nhất lên tới 2.979m.
Điểm xuất phát cho các đoàn leo núi là tại bản Mỏ Chì, xã Xà Hồ, Trạm Tấu. Cung đường leo núi vô cùng vất vả và thuộc dạng khó chinh phục nhất trong các đỉnh núi cao ở Tây Bắc. Phải mất gần 1 ngày từ sáng đến chiều, những du khách có sức khỏe tốt mới leo được cung đường từ 1.000m lên độ cao 2.500m.
Vương quốc kỳ hoa dị thảo giữa mây trời ảnh 1
Ở độ cao này, nếu không mang theo lều trại, du khách có thể xin nghỉ qua đêm tại các lán của người Mông bản địa. Họ làm lán tại để chăn nuôi gia súc bò, ngựa, dê… Sau một đêm nghỉ lại ở giữa lưng chừng núi, sáng hôm sau du khách sẽ được phóng tầm mắt thưởng ngoạn một bức tranh núi rừng điệp trùng, mây vờn khắp chốn. Từ đây lên đến đỉnh 2.979m là một miền thảo nguyên mênh mông vô vàn thảm thực vật đẹp mắt. Đó là những bông hoa dại tim tím, trăng trắng tinh khôi nở kín đất trời. 
Chúng tôi gặp được anh Thào A Tủa, dân tộc Mông, đã chăn thả gia súc trên đỉnh Tà Chì Nhù hơn 20 năm qua. Anh cho biết loài hoa dại mọc và nở khắp vạt núi này chẳng ai biết tên là gì, cũng chẳng biết nó có từ bao giờ. Người Mông gọi chúng là Chi Pâu (theo tiếng Mông nghĩa là không biết).
Loài hoa không biết tên mà lại đẹp lạ kỳ, khiến cả một vạt núi giờ chỉ còn màu tím trắng của hương sắc hoang sơ, kỳ diệu. Những bông hoa nở bạt ngàn từ lưng chừng núi cho đến tận đỉnh. Du khách đến được đây sẽ chẳng thể nào cầm được lòng mà phải lao ngay vào thiên đường hoa không tên ấy để ngắm, để sờ, để hà hít hương sắc.
Giữa miền thảo nguyên bát ngát sắc hương hoa thơm, cỏ lạ lại xuất hiện những đàn ngựa, đàn dê như để làm cho bức tranh thiên nhiên có thêm hơi thở của cuộc sống. Động thực vật giữa đất trời hoang sơ như đang hòa nhịp vào nhau để tạo lên bản tình ca quyến rũ.
Cẩm tú cầu miền non nước Cao Bằng
Vườn quốc gia Phía Đén-Phía Oắc nằm ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, mấy năm nay bỗng trở nên cuốn hút bởi tuyết rơi trắng xóa vào mùa đông và rực rỡ sắc hoa cẩm tú cầu giữa hè. Vườn quốc gia nằm cách Hà Nội 250km theo Quốc lộ 3 và Quốc lộ 279. Từ tháng 4-2018, vườn quốc gia đã trở thành một phần thuộc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng do UNESCO công nhận.
Vương quốc kỳ hoa dị thảo giữa mây trời ảnh 2
Bắt đầu tháng 6 dương lịch, để ngắm hoa cẩm tú cầu, du khách đi đến địa phận Phía Đén, thuộc xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Tại đây, du khách sẽ đến tham quan khu trang trại nuôi cá hồi Phía Đén nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển. Từ trại cá hồi lên đến đèo Kolia, du khách sẽ được ngắm những vườn hoa cẩm tú cầu đa sắc. Tuy giữa mùa hè nhưng không khí ở đây rất mát mẻ.
Thời tiết và thủy nhưỡng nơi đây chính là điều kiện lý tưởng để loài hoa ưa lạnh cẩm tú cầu sinh trưởng. Cẩm tú cầu là loài cây thân mộc, hoa nở dịu dàng, đằm thắm. Đặc biệt, hoa cẩm tú cầu có thể đổi mầu từ trắng sang xanh ngọc, xanh lam, xanh biếc rồi đến hồng phớt, tím nhạt, tím đậm trên cùng một bông. Sự biến đổi màu sắc này phụ thuộc vào độ pH của đất.
Đồng bào dân tộc Tày, Nùng lâu nay đã trồng những khóm cẩm tú cầu bên các lối đi, trên sườn núi. Buổi sáng sớm hay mỗi khi chiều hoàng hôn, giữa màn sương mờ huyền ảo của vùng núi non trùng điệp, cẩm tú cầu khoe sắc trở nên đẹp lạ thường. 
Mùa xuân hoa trẩu nở khắp Tà Xùa
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, thuộc thị trấn Bắc Yên (tỉnh Sơn La) là vùng núi cao hoang sơ, hùng vỹ với các địa danh thắng cảnh nổi tiếng như: Sống lưng khủng long Tà Xùa, ruộng bậc thang Xím Vàng, bản Mông ở Làng Chếu, Háng Đồng… Đặc biệt, những cánh rừng bạt ngàn ở độ cao 1.200-1.500m so với mực nước biển, vào độ cuối xuân được nhuộm màu trắng xóa bởi loài hoa trẩu bung nở.
Vương quốc kỳ hoa dị thảo giữa mây trời ảnh 3
Từ Hà Nội, để ngắm hoa trẩu du khách có thể đi theo Quốc lộ 32 đến Thu Cúc (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) rồi rẽ vào Quốc lộ 37 tới thị trấn Bắc Yên dài 200km. Từ thị trấn Bắc Yên lên khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa dài 20km, đây là cung đường thử thách các tay lái với nhiều khúc cua độ dốc lớn, xuất hiện liên tục.
Khi đến xã Tà Xùa, bắt đầu vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên, khung cảnh kỳ vỹ hiện ra. Biển mây bồng bềnh, trắng xóa ôm lấy núi, lấy rừng biến khung cảnh như chốn tiên cảnh. Khi làn sương núi dần tan, đi men theo những con đường uốn lượn quanh sườn núi, du khách được lạc vào những cánh rừng ngập tràn hoa trẩu trắng phớt hồng đung đưa trong gió. Phía xa xa thấp thoáng mái nhà sàn của người dân bản Mông. Hoa trẩu không kiêu sa, lộng lẫy như hoa đào, hoa ban, mà mộc mạc, giản dị như vẻ đẹp của thiếu nữ Mông. Vì thế hoa trẩu được xem là nguyên sơ, hoang dại nhất trong số các loài hoa vùng Tây Bắc.
Rừng rêu kỳ ảo ở Yên Bái
Khi tiết trời vào thu với hơi lạnh heo may của xứ Bắc, là lúc thích hợp nhất để du khách đam mê leo núi đi chinh phục những đỉnh cao hiểm trở. Ở đỉnh Tà Xùa cao 2.865m thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, có một vạt rừng rêu xanh, hoa cỏ vô cùng kỳ ảo.
Sau hành trình 230km từ Hà Nội qua Quốc lộ 32 đến xã Bản Công, Trạm Tấu, du khách cần thuê cho mình từ 1-2 porter để leo núi (porter là những người dẫn đường kiêm khuân vác đồ đạc cho du khách, thường là người Mông bản địa). Từ Bản Công, du khách đi theo porter men đường mòn dần dần lên núi.
Vương quốc kỳ hoa dị thảo giữa mây trời ảnh 4
Tới độ cao 2.600m so với mực nước biển cánh rừng nguyên sinh rậm rạp với những thân cây cổ thụ cao vút, mấy người ôm không xuể xuất hiện liên tục. Khung cảnh ở đây như một thế giới khác với những đám sương mù giăng khắp lối, trời thường xuyên u ám kèo theo mưa phùn. Đi xuyên qua làn sương mù, chúng ta sẽ đến cánh rừng bao la, rộng hàng trăm ha hiện ra trước mắt mọi người với loài rêu xanh, thảm thực vật bám sống đầy trên thân cây, cành lá...
Ngay dưới chân du khách lúc này cũng là những thảm rêu êm ái vẫn còn đọng giọt nước nhỏ li ti. Loài rêu xanh, rồi thẫm ngả vàng ngự trị ở khắp mọi nơi. Nhiều thân cây lớn rêu bám kín, cộng sinh từ ngàn đời nay, giờ đã thành như con bạch tuộc khổng lồ với hàng trăm vòi vươn lên. Nhiều thân cây cổ thụ đổ ngang qua lối đi, cũng bị những đám rêu xanh thẫm bám kín.
Màn sương mưa mờ ảo, mát mẻ càng khiến cho cảnh khu rừng rêu hiện ra thêm phần kỳ quái. Nhiều du khách cảm thấy sờ sợ như đang lạc vào vương quốc của những con quái vật hung ác có phép thuật trong các câu chuyện cổ tích, thần thoại. Giữa vạt rừng của các loài rêu cỏ, những bông phong lan sắc tím trắng nở ra hồn nhiên từ chính gốc cây cổ thụ già. 
Những loài rêu, rêu tản và dương xỉ, phong lan ký sinh trên thân gỗ, trên đá. Chúng nhận hơi ấm, chất dinh dưỡng từ sương, mưa và không khí hay chính những mảnh vụn tích tụ xung quanh để sống. Đi suốt nửa buổi từ độ cao 2.600m lên 2.865m chúng ta vẫn chưa thoát khỏi cánh rừng rêu cỏ… Đây đúng là xứ sở của những loài kỳ hoa, dị thảo ấn tượng nhất trong những cánh rừng trên vùng núi Tây Bắc.
Đỗ quyên gọi hè nơi đỉnh Pha Luông
Đỉnh Pha Luông cao gần 2.000m so với mực nước biển, thuộc xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La nằm ngay sát đường biên giới Việt- Lào. Đỉnh nằm cách thị trấn Mộc Châu hơn 30km, và cách Hà Nội 230km theo hướng Quốc lộ 6.
Để leo đỉnh Pha Luông, du khách phải xuất trình giấy tờ tùy thân tại Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông (thuộc đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, Mộc Châu). Trước khi leo đỉnh Pha Luông, du khách cần lưu ý mang theo trang phục quần, áo, giầy, mũ leo núi chuyên dụng. Chuẩn bị đồ ăn nhẹ, nước uống bù muối, nước tăng lực cho hành trình leo núi 5-6 giờ (cả lên và xuống). Để tránh bị lạc, nên thuê người dẫn đường hoặc đi cùng người Mông từ bản Pha Luông lên đỉnh núi.
Vương quốc kỳ hoa dị thảo giữa mây trời ảnh 5
Từ điểm xuất phát gần Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, chúng tôi bắt đầu theo chân các chàng trai cô gái người Mông lên đỉnh núi. Đầu hè, trai gái Mông thường hẹn hò nhau lên núi để ngắm hoa đỗ quyên nở.
Sau khoảng 3 giờ leo núi, chúng tôi tới được độ cao hơn 2.000m, thuộc khu vực đỉnh Pha Luông, nóc nhà của cao nguyên Mộc Châu. Ở đây có những khối núi đá khổng lồ nhô ra với muôn loài rêu cỏ mọc bên trên. Nổi tiếng nhất chính là Mỏm Rùa với khối đá khổng lồ như hình con rùa nhô ra từ núi. Khi tiết trời chuẩn bị vào hè, từ bên khe đá, sườn núi những cây đỗ quyên bắt đầu đơm bông, nở hoa. 
Cả đỉnh Pha Luông mùa này rực rỡ sắc trắng và phớt hồng, và đỏ của loài hoa biểu tượng núi rừng Tây Bắc này. Có người từng ví hoa đỗ quyên đẹp dịu dàng, đằm thắm, tinh khôi như những thiếu nữ dân tộc Mông, dân tộc Thái thủa mười tám, đôi mươi.
 Ở Tà Xùa có 1 số nhà nghỉ bình dân, homestay phục vụ du khách như: Ngỗng Hostel, Chân Mây, Thùy Linh, Tà Xùa Hills… với giá ngủ qua đêm chỉ 60.000-300.000 đồng/người/đêm. Các món ăn bản địa thơm ngon như rau cải mèo, gà đồi, măng xào, canh chua…
Ở quanh khu vực chân núi Pha Luông có 1 số điểm qua đêm như: Homestay của nhà anh Xuân, nhà anh Vạn với giá ăn ngủ rất mềm. Du khách chỉ phải bỏ ra 100.000 đồng đã có được bữa ăn tối khá ngon miệng cùng nơi nghỉ qua đêm. 

Các tin khác