Trải nghiệm mạo hiểm vùng chiến sự Ladakh

(ĐTTCO) - Nằm ở phía Bắc Ấn Độ, vùng đất tam giác có đường biên giới của 3 quốc gia Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, thuộc vùng chiến sự căng thẳng đang tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, vùng đất đặc biệt này lại sở hữu một cảnh sắc thiên nhiên thần tiên xao xuyến lòng người, là điểm du lịch đáng mơ ước của cộng đồng yêu thích khám phá tại Việt Nam, dẫu nơi này chất chứa nhiều rủi ro.

Vùng tranh chấp lãnh thổ và chiến sự căng thẳng
Jammu and Kashmir là tên một bang miền Bắc Ấn Độ, với phần lớn lãnh thổ nằm trong dãy Himalaya, giáp với khu vực Aksai Chin và Trans-Karakoram Tract do Trung Quốc quản lý về phía Đông, và giáp với lãnh thổ Azad Kashmir và Gilgit-Baltistan do Pakistan kiểm soát về phía Tây Bắc. Jammu và Kashmir gồm 3 vùng: Jammu, thung lũng Kashmir và Ladakh. Bang có quyền tự quản đặc biệt theo Điều 370 trong Hiến pháp Ấn Độ và là bang có dân số Hồi giáo đông nhất Ấn Độ, nơi này có Srinagar được gọi là thủ đô mùa hè và Jammu  được mệnh danh là thủ phủ mùa đông.
Vùng đất có tên Kashmir trên bản đồ thế giới có đường biên giới gạch nối, tức vẫn là vùng lãnh thổ tranh chấp kể từ sau sự phân chia Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947. Ấn Độ hiện kiểm soát khoảng 45% diện tích toàn Kashmir ở các vùng phía Đông và Nam, Pakistan quản lý khoảng 30% ở vùng phía Tây và phía Bắc, trong khi Trung Quốc cũng kiểm soát một vùng nhỏ ở khu vực tranh chấp này.
Trải nghiệm mạo hiểm vùng chiến sự Ladakh ảnh 1 Ladakh còn được gọi là “xứ sở của những con đèo”.
Ấn Độ tuyên bố toàn bộ vùng Kashmir (nước này đặt tên là bang Jammu và Kashmir) là một phần lãnh thổ không thể tách rời, vì tiểu vương Hari Singh đã đồng ý sáp nhập vào năm 1947. Trong khi đó, Pakistan tuyên bố vùng Kashmir do nước này kiểm soát là một phần lãnh thổ từ trước khi giành độc lập và yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý do Liên Hiệp quốc bảo trợ, nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài hơn 7 thập niên.
Dù Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí được với nhau một lệnh ngừng bắn vào năm 2003 sau nhiều năm đổ máu, tuy nhiên mâu thuẫn vẫn còn âm ỉ khi tình hình căng thẳng vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra hay các cuộc đấu súng nổ ra ở khu vực giáp ranh. Đỉnh điểm gần đây nhất là vụ tấn công khủng bố khiến 47 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng vào ngày 14-2-2019, đã chấm dứt mọi hy vọng đàm phán trong tương lai gần của 2 quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Vùng đất mặt trăng
Ladakh là một quận của bang Jammu & Kashmir, là một nơi vô cùng đặc biệt vì khí hậu trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, người dân hiền hòa. Ladakh sở dĩ được ví như mặt trăng bởi địa hình vùng đất này vô cùng phức tạp, có rất ít cây xanh, đồi núi trọc phủ đầy những đụn đá vụn và còn được bao phủ bởi những sa mạc cát mênh mông. Nơi này là vùng đất cao nhất của bang Jammu & Kashmir, hầu hết địa hình đều cao trên 3.000m, nên khí hậu và môi trường có phần rất khắc nghiệt.
Trải nghiệm mạo hiểm vùng chiến sự Ladakh ảnh 2 Một góc thị trấn Leh.
Ladakh còn được gọi là “xứ sở của những con đèo”, kết nối Ấn Độ với Con đường tơ lụa. Đặc biệt ở đây có một con đèo là đại thử thách cho bất kỳ tay lái và hành khách nào, có tên đèo Khardung La, được xem là 1 trong những đèo cao nhất thế giới có độ cao 5.602m. Cung đèo có những khúc cua gắt cùng với những con đường rải đá sơ sài và hẹp, uốn lượn theo những vách núi sâu hun hút. Đặc biệt vào mùa đông, đường phủ tuyết và đóng băng nên hầu như giao thông bị tê liệt, các khu dân cư sẽ bị cách ly nhau.
Ladakh đẹp nhất là vào mùa thu, những hàng cây bạch dương khoác lên mình chiếc áo mới, phủ vàng cả những cung đường và khu phố tạo nên một bức tranh ngôi làng mộc mạc và thanh bình. Từ thị trấn Leh, đưa mắt nhìn ra xung quanh đâu đâu cũng dễ dàng quan sát được những ngọn núi phủ tuyết trên những ngọn núi xám tro đầy cát bụi.
Không chỉ thế, khi băng qua những thảo nguyên mênh mông đầy sỏi đá và cát ở những thung lũng men theo dãy núi, du khách còn bắt gặp những đàn ngựa hoang phóng nhanh qua những đầm lầy, những chú chim đại bàng chao lượn săn mồi, bầy lừa nhởn nhơ đi về trên những con đường làng, hay những chú sóc đất béo ú đưa đầu ra khỏi hang.
Tại thung lũng Nubra, cách Leh 160km về phía Bắc, là một ngôi làng bình dị phủ đầy hoa và những khu vườn táo đỏ trĩu quả trong âm thanh của tiếng chim ríu ríu, tiếng suối thanh khiết róc rách chảy qua những khu vườn. Hòa mình vào không gian thanh bình, ngắm thiên nhiên hùng vĩ và cảm nhận luồn hơi lạnh trong những cơn gió, du khách thấy mình như lạc vào những ngôi làng cổ tích vừa lãng mạn vừa thư thái.
Pangong là một hồ nước xanh biếc và được mệnh danh là hòn Ngọc bích của Ladakh, hồ nước cách thị trấn khoảng 200km về phía Tây. Pangong là một hồ nội sinh, tức không chảy ra biển ở độ cao khoảng 4.350m, trải dài qua biên giới 40% thuộc Ấn Độ và 60% thuộc Tây Tạng Trung Quốc.
Với chiều dài khoảng 155km chạy từ Tây sang Đông, rộng từ 40m đến 15km, sâu trung bình 57m, hồ Pangong từ lâu là địa điểm du lịch nổi tiếng sau thành công của bộ phim “Ba chàng ngốc” (3 idiots) đã có những cảnh quay tại đây. Dù là một hồ nước ngọt, nhưng màu nước ở đây có một màu xanh biển ấn tượng như tấm gương phản chiếu bầu trời, mặt hồ sẽ đóng băng hoàn toàn vào mùa đông. Xung quanh bờ hồ có những khu trại mà du khách có thể lưu trú qua đêm.
Tiểu Tây Tạng
Ngoài cộng đồng Hindu và Hồi giáo, Ladakh còn có cộng đồng Phật giáo Tây Tạng chiếm khoảng 40% dân số, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa tín ngưỡng của vùng đất này. Tại thị trấn Leh, có một khu chợ của người dân Tây Tạng tị nạn, ngoài ra khắp thị trấn thì du khách dễ dàng bắt gặp các bảo tháp và vòng xoay pháp luân đặc trưng của lối kiến trúc Phật giáo Mật tông.
Trải nghiệm mạo hiểm vùng chiến sự Ladakh ảnh 3 Tượng Phật Di Lặc ở Diskit Gompa.
Trung tâm thị trấn Leh ngày nay còn có một cung điện bỏ hoang và đang là một trong những điểm tham quan chính. Trong những năm đầu của thế kỷ 17, nhà vua của Ladakh là Sengge Namgyal, đã cho xây dựng một cung điện lớn. Thoạt tiên bạn sẽ thấy công trình có nét gần giống cung điện Potala ở Tây Tạng. Tuy kích thước không to bằng cung điện ở Tây Tạng, nhưng Leh Palace vẫn khá lớn khi mang ra so sánh với các công trình trong vùng.
Với 9 tầng, nơi cao nhất của tòa cung điện là khu vực dành riêng cho gia đình Hoàng gia Namgyal và những người đến chầu. Các tầng dưới được sử dụng để trữ đồ đạc, thức ăn và phòng sinh hoạt cho người, ngựa của quân đội. Từ cung điện Leh, du khách có thể phóng tầm mắt ra xung quanh với những dãy núi trùng điệp và hàng ngàn nóc nhà bên dưới. Khu phố cổ Leh là một thí dụ điển hình cho kiến trúc và phong cách đô thị Tây Tạng trên dãy Himalaya.
Sẽ không được xem là vùng tiểu Tây Tạng nếu thiếu đi những tu viện. Thiền viện Diskit (Diskit Gompa) là thiền viện Phật giáo lớn nhất và lâu đời nhất ở thung lũng Nubra nằm cheo leo trên vách đá núi cao sừng sững, đối diện với thiền viện này là bức tượng lớn và đầy màu sắc của Phật Maitreya (Phật Di Lặc) cao 32m, nhìn ra sông Shyok, con sông có thượng nguồn ở Ấn Độ và chảy sang Pakistan. Pho tượng này được xây dựng năm 2006, với hy vọng đem bình an cho vùng đất Ladakh, tránh khỏi cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Pakistan cũng như ý nghĩa củng cố nền hòa bình trên thế giới. 
Cách thị trấn Leh 45km về phía Đông là tu viện Hemis, công trình này đã có mặt trước thế kỷ 11 nhưng được xây dựng lại vào năm 1672 bởi Vua Sengge Namgyal của Ladakh thời bấy giờ. Hemis có hơn 200 nhánh tu viện ở vùng núi Himalaya. Hiện có hơn 1.000 nhà sư đang tu thiền tại hệ thống tu viện này. Hemis được xem là một tượng đài sống và là di sản rất quan trọng của vùng núi Himalaya và người dân nơi đây. 
Bên cạnh đó, tu viện Thiksey Leh ra đời vào thế kỷ 15 (khoảng năm 1433) và hiện là tu viện lớn thứ 2 trong thung lũng Indus, chỉ sau Hemis. Thiksey là tu viện thuộc dòng Hoàng Mạo Giáo (Yellow Hat Sect hay Gelugpa Sect) do đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) sáng lập. Tu viện nhìn từ xa trông nguy nga và đồ sộ, có rất nhiều gian phòng và chánh điện kết hợp nhau tạo thành phức hợp tu viện nổi bật giữa thung lũng bao la.
Ấn tượng nhất ở Thiksey đó tượng Phật Di Lặc nằm ở chánh điện, khi đứng trong 4 tầng ở tu viện đều ngắm nhìn được thần thái uy nghiêm, được xây năm 1980 khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso đến thăm nơi này. Tượng Phật Di Lặc cao 15m rất có hồn và tạo hình ấn chuyển pháp luân cực kỳ đẹp. Viếng tu viện, du khách cảm nhận được nét thanh tịnh trong không gian tôn giáo huyền bí, ngắm nhìn cảnh đẹp từ sân thượng của thiền viện cho du khách cảm giác thoát tục khó tả.

Lời khuyên cho du khách đến Ladakh
Thời điểm tốt nhất để đến Ladakh là từ tháng 4 – 10, từ Việt Nam du khách có thể đáp chuyến bay đến New Delhi, sau đó tiếp tục bắt chuyến bay đến thị trấn Leh của nhiều hãng hàng không như Vistara Airlines, Air India, Indio, SpiceJet... Du khách cũng có thể đi xe từ thủ đô Delhi đến Leh, tuy nhiên hành trình vô cùng nguy hiểm, nhọc nhằn và mất đến 3 ngày đường, do xe phải đi qua dãy Himalaya vượt đèo và nghỉ ở các chặng dừng.
Trải nghiệm mạo hiểm vùng chiến sự Ladakh ảnh 4 Hồ Pangong.
Ngoài việc xin thị thực nhập cảnh Ấn Độ, ở một số khu vực quân sự nhạy cảm ở Ladakh thì du khách buộc phải xin giấy phép, đặc biệt đó là giấy phép đến tham quan hồ Pangong.  Việc xin giấy phép khá đơn giản và dễ dàng tại các công ty du lịch ở trong thị trấn Leh, với giá khoảng 45.000 đồng. Để di chuyển giữa các điểm tham quan và thị trấn Leh ở Ladakh, du khách nên thuê xe riêng vì hầu như xe buýt địa phương rất hạn chế.
Đa số người dân ở Ladakh rất hiền hòa và chất phác. Các món ăn tại đây đa số đều là món chay. Một số trải nghiệm mà du khách không nên bỏ qua như xem các vũ điệu của người du mục vùng cao, cưỡi lạc đà trên sa mạc cao nhất thế giới ở thung lũng Nubra, qua đêm trong những căn chòi hoặc nhà dân, chinh phục những ngọn núi dành cho người chuyên nghiệp...
Một lưu ý hết sức quan trọng mà đa số du khách hay bỏ qua, đó chính là bị sốc độ cao. Ladakh là điểm du lịch không dành cho người muốn đi nghỉ dưỡng mà không có tinh thần mạo hiểm. Với đa số địa hình cao trên 3.000m, du khách khi đến đây sẽ cảm thấy choáng váng, thiếu oxy hay khó thở, du khách được khuyên là trong ngày đầu tiên đến Ladakh phải nằm nghỉ dưỡng, hạn chế vận động và tập hít thở để quen với môi trường. Du khách cũng có thể trang bị bình thở oxy cầm tay hoặc viên uống chống say độ cao. 
Một chuyến đi đến Ladakh sẽ làm thay đổi cảm quan của bạn về thế giới, một nơi có tôn giáo đa dạng và thiên nhiên kỳ vĩ không giống với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Đến Ladakh là để chúng ta sống trong không gian thanh bình và quên đi những bộn bề cuộc sống, để các giác quan của bạn thật sự thư giãn nhưng cũng có lúc đầy thử thách chông gai. Đó là một chuyến đi thật sự để đời và có những trải nghiệm không bao giờ quên. 

Các tin khác