TPHCM: Nét riêng lễ hội, kích cầu du lịch

(ĐTTCO) - Từ ngày 20 đến 22-10, lễ hội thời trang và công nghệ tổ chức lần đầu tiên tại TPHCM nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch TP và quảng bá cho ngành công nghiệp dệt may cũng như thiết kế thời trang.
 Để tìm hiểu sâu hơn về chương trình, ĐTTC có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN MINH HƯƠNG (ảnh), Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Vàng, đơn vị phối hợp tổ chức lễ hội. 
PHÓNG VIÊN: - Lần đầu tiên được tổ chức với quy mô khá hoành tráng, lễ hội thời trang và công nghệ đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch của TP, thưa bà?
TPHCM: Nét riêng lễ hội, kích cầu du lịch ảnh 1
Bà NGUYỄN MINH HƯƠNG: - Trước hết có thể khẳng định TPHCM là một trung tâm du lịch của cả nước nên rất cần dấu ấn riêng, khác biệt nhằm giữ chân du khách. Thí dụ, hàng năm Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế rất hấp dẫn; Bắc Ninh có hội Lim hay Hà Nội có những lễ hội mang tính dân tộc cao…
Với TPHCM nét riêng là một TP trẻ, năng động, hiện đại. Vì thế, để kích cầu du lịch cho TP cần tạo ra dấu ấn phù hợp với nét riêng đó nhưng vẫn phải khác biệt. 

Điều dễ nhận thấy là du lịch thường gắn với thời trang và mua sắm. Vì thế việc nhiều người Việt Nam đi du lịch qua Singapore hay Thái Lan ngoài việc khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, con người những quốc gia này, còn nhằm mục đích mua sắm, nhất là vào những dịp giảm giá.
Trong khi đó, TPHCM vốn đã là một trung tâm thời trang khi có hàng trăm nhà thiết kế trẻ, có tài nhưng chưa có hoạt động kết nối giữa thời trang và du lịch của TP. Lễ hội này có thể coi là cơ hội cho các DN cũng như các nhà thiết kế tiếp cận người tiêu dùng nội địa và quốc tế. 

- Lâu nay sản phẩm dệt may của nhiều công ty trong nước cũng như mẫu thời trang của không ít nhà thiết kế chưa thực sự thu hút người mua. Vậy đến với lễ hội này họ có mang đến những điều khác biệt, thưa bà?

Chương trình sẽ có sự tham gia của hơn 100 DN thời trang, dệt may, phụ kiện cũng như 40 nhà thiết kế thời trang của Việt Nam và quốc tế, 300 người mẫu, 24 nghệ sĩ, 2 DJ quốc tế. Ban tổ chức đặt ra mục tiêu sẽ tổ chức lễ hội thường niên này trong ít nhất 5 năm tới. 
- Mục tiêu lớn nhất khi làm chương trình này là tạo ra một sự kiện văn hóa du lịch, còn kết nối DN và các nhà thiết kế chỉ chiếm khoảng 30%. Tôi cũng muốn nhấn mạnh đây sẽ là một lễ hội thời trang và công nghệ, trong đó tương tác thông qua công nghệ rất lớn.
Ý tưởng chủ đạo của chương trình là thời trang và công nghệ nên các thiết kế phải trẻ trung và thể hiện nét chấm phá của công nghệ. Những thiết kế này có thể không phù hợp tất cả, nhưng sẽ phù hợp với một nhóm người và mang lại yếu tố khác biệt cho lễ hội này.
Thực tế có nhiều nhà thiết kế thời trang của Việt Nam còn trẻ nhưng khuynh hướng thời trang khá tốt song chưa được người tiêu dùng biết đến và chúng tôi mang đến cho họ cơ hội. Chính quyền TP, Sở Du lịch, ban tổ chức tạo nền tảng để DN và các nhà thiết kế tỏa sáng, còn làm sao thuyết phục là nhiệm vụ DN phải tự giải quyết. - Bà có nói nhiều đến tương tác thông qua công nghệ, cụ thể trong lễ hội này ra sao?
- Chúng tôi tối đa hóa công nghệ để tương tác với người tiêu dùng và khách du lịch. Ngay từ bây giờ mọi người có thể tương tác với chương trình thông qua website www.fashionologyfestival.vn. Tại đây có thể đăng ký làm tình nguyện viên của chương trình. Chúng tôi cũng truyền thông mạnh mẽ trên facebook. 
TPHCM: Nét riêng lễ hội, kích cầu du lịch ảnh 2
Cụ thể, trong những ngày diễn ra lễ hội chúng tôi sẽ trang bị hệ thống công nghệ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để người tiêu dùng có thể tương tác trực tiếp với các DN và nhà thiết kế tham gia chương trình. Sẽ có magic mirror (gương ma thuật), giúp người tiêu dùng có thể thử bất cứ sản phẩm nào có trong chương trình bằng những cái gạt tay trên màn hình.
Ngay tại lễ hội chúng tôi không làm thương mại, nhưng người tiêu dùng có thể chọn mua những sản phẩm ưng ý bằng cách tải và truy cập ứng dụng đặt hàng trực tuyến Apps FF 2017. 

- Bà có thể chia sẻ chi tiết về chương trình lần đầu tiên này?

- Toàn bộ quảng trường Nguyễn Huệ sẽ được thiết kế thành sàn diễn catwalk khổng lồ. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, vào ban ngày là những hoạt động triển lãm mở, các DN và nhà thiết kế có thể tổ chức những show diễn mini. Buổi tối có 3 chương trình biểu diễn thời trang lớn. Đêm đầu tiên là chủ đề “Bản sắc Viễn Đông”, một câu chuyện mang tính biểu tượng thể hiện khuynh hướng thời trang của Sài Gòn - TPHCM từ những năm 60, rồi những năm sau giải phóng và kết là khuynh hướng thời trang hiện đại, năng động hôm nay. 

Đêm thứ hai là thời trang ứng dụng “Ready to wear” (những trang phục và các thiết kế mang tính ứng dụng vào thực tiễn cao, dễ mặc và mặc được ở mọi lúc mọi nơi, nhưng vẫn đảm bảo sự sâu sắc và vẻ đẹp đỉnh cao của may mặc) gồm các bộ sưu tập thời trang của 40 nhà thiết kế mang hơi thở trẻ trung, năng động và cá tính của giới trẻ. Đêm thứ ba là thời trang siêu thực tương lai, trình diễn các bộ sưu tập mang chủ đề hướng tới tương lai của sinh viên ngành thiết kế thời trang kết hợp công nghệ trình diễn hiện đại. 

Chương trình sẽ có sự tham gia của hơn 100 DN thời trang, dệt may, phụ kiện cũng như 40 nhà thiết kế thời trang của Việt Nam và quốc tế, 300 người mẫu, 24 nghệ sĩ, 2 DJ quốc tế. Ban tổ chức đặt ra mục tiêu sẽ tổ chức lễ hội thường niên này trong ít nhất 5 năm tới. 

- Còn khoảng 3 tháng nữa sẽ chính thức diễn ra lễ hội, công tác chuân bị đến nay ra sao, thưa bà?

- Chúng tôi đã hoàn thiện được khoảng 30% công việc, như lên ý tưởng, xin duyệt chương trình, họp báo… đã hoàn tất và bây giờ các nhóm đang triển khai rất khẩn trương. Chúng tôi chia ra nhiều nhóm làm việc như đạo diễn, truyền thông, nhóm làm với nhà tài trợ, DN may mặc, nhà thiết kế, các sinh viên…
Tất cả đều có thời hạn cụ thể để đảm bảo tốt nhất tiến độ của chương trình. Chương trình này nhận được sự chỉ đạo và quan tâm của UBND TPHCM, nên khi diễn ra sẽ có sự kết hợp của nhiều sở ngành để đảm bảo công tác trật tự, an toàn để những ngày lễ hội được vui và trọn vẹn. 

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác