TPHCM - Hút du khách khung giờ tối còn nghèo nàn

(ĐTTCO) - Doanh thu du lịch của TPHCM hiện chiếm trên 50% doanh thu toàn ngành du lịch, số lượng khách quốc tế đến TPHCM cũng chiếm ưu thế so với con số cả nước.
 Triển vọng là vậy, song du lịch TPHCM mới tập trung phát triển các sản phẩm trong khung giờ ban ngày (5- 18 giờ), còn về đêm du khách không có nhiều chọn lựa.
Thiếu sản phẩm du lịch đêm
Trong năm 2017, du lịch TPHCM tập trung khai thác nhiều sản phẩm tiềm năng về đường thủy, như phát triển tuyến buýt đường sông từ quận 1 đi quận Thủ Đức, mở tuyến giao thông thủy từ trung tâm TP đi huyện Cần Giờ, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong 3 tháng đầu năm nay, TP đã nâng tầm nhiều lễ hội lớn cùng với một số sự kiện đặc sắc lần đầu tiên ra mắt, như lễ hội thời trang và công nghệ, nghệ thuật đường phố… đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước tham gia.
Những nỗ lực này đã góp phần để năm 2017 TP thu hút được hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Với những triển vọng sáng sủa này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết năm nay du lịch TP đặt mục tiêu thu hút 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 29 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch đạt 138.000 tỷ đồng.
 Khảo sát doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm. Ở các nước du lịch phát triển, họ tập trung đầu tư chính sách phát triển du lịch khung giờ đêm. Nếu chúng ta tập trung tốt sản phẩm khung giờ này, có đột phá về cơ cấu chính sách cũng như tạo cơ chế tốt, người dân mới mạnh dạn bỏ tiền đầu tư. Khách du lịch là những người hưởng lợi và Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu đáng kể.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ
Tổng giám đốc Công ty Du lịch Viettravel
Tuy nhiên, theo ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), những sản phẩm du lịch hiện tại của TP chưa đủ hấp dẫn và chưa đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Đa số sản phẩm du lịch chủ yếu phục vụ ở múi giờ từ 5-18 giờ, hoặc mang tính thời điểm.
Du khách nước ngoài đến thăm thú TPHCM, sau khi đi thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, địa đạo Củ Chi, chợ Bến Thành…, kết thúc 1 ngày, tối về chỉ ăn và ngủ, bởi họ không biết phải đi đâu.Thực tế hiện nay, TPHCM đang có đủ các thế mạnh từ ẩm thực, mua sắm cho đến các di sản văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, phục vụ cho du lịch ở khung giờ đêm.
Có thể kể đến các trung tâm thương mại lớn, hàng quán 2 bên đường dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ, ẩm thực tại các quận 4, quận 5. Quan trọng là TP bố trí như thế nào cho hợp lý cấu trúc của dịch vụ. Trong đó khu vực nào là shopping, khu vực nào là biểu diễn văn hóa nghệ thuật, ẩm thực… mới tính được nguồn thu, tạo ra một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. 
Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch.
Đây đều là những thứ hạng rất cao, chứng tỏ nước ta có rất nhiều tiềm năng tự nhiên để có thể phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, cũng như vươn ra thị trường thế giới. Nhưng đáng buồn là chúng ta chưa biết cách khai thác, đang bỏ phí rất nhiều tiềm năng. Bằng chứng là về hạ tầng dịch vụ du lịch, Việt Nam chỉ xếp thứ 113.
Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến Việt Nam dù mới lập kỷ lục đón hơn 13 triệu khách quốc tế nhưng chỉ chưa đầy 10% khách quay lại đất nước hình chữ S. Việc tẻ nhạt các dịch vụ du lịch khiến không giữ được chân du khách, mà còn làm chi tiêu của khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng giảm. Đó cũng là thực trạng buồn ở TPHCM, đô thị lớn nhất nước.
TPHCM - Hút du khách khung giờ tối còn nghèo nàn ảnh 1 Về đêm đa phần khách nước ngoài quanh quẩn khu phố Tây (quận 1). 
Sản phẩm du lịch nửa vời
Theo góp ý của nhiều chuyên gia, muốn thu hút du khách, nhất là khách quốc tế, sản phẩm du lịch ở TPHCM phải là sản phẩm “sống”, tức không phải là sản phẩm được dựng lên hay mô phỏng, mà là sự phản ánh chân thật nét sinh hoạt cộng đồng và đặc trưng của địa phương.
Chẳng hạn, phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) muốn du khách không chỉ đến tham quan mà còn mua sắm cần phải có hàng hóa cụ thể. Một khi có hàng thu hút khách mua, người dân và các hội quán sẽ tích cực tham gia, lúc đó tuyến phố ngày càng sầm uất. Không chỉ thế, việc nắm rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm là điều cực kỳ quan trọng.
Các công ty du lịch khi đưa khách đi mua sắm sẽ phải chịu trách nhiệm với khách hàng về chất lượng sản phẩm. Các hộ kinh doanh tham gia cửa hàng đạt chuẩn sẽ có nguồn khách đến mua sắm nhưng họ cũng phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm. 
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, cho hay bản thân rất hào hứng với việc Sở Du lịch TPHCM có kế hoạch đưa 3 chợ đầu mối lớn: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn trở thành điểm du lịch. Theo ông Thành, Travelink có lượng khách Trung Quốc khá đông đảo. Họ có mức chi tiêu cao, có nhu cầu mua sắm lớn, đặc biệt là hàng nông sản, đặc sản địa phương Nam bộ. Song đến nay, Travelink chưa mạnh dạn đưa khách đến các chợ đầu mối nông sản nói trên, vì tại đây chưa có bãi đỗ xe du lịch, thiếu bảng chỉ dẫn bằng tiếng nước ngoài, chợ còn nhiều rác chưa xử lý, có mùi hôi, hàng hóa chưa đảm bảo nguồn gốc, thiếu nhà vệ sinh sạch… 
Tại Hội nghị gặp gỡ đầu năm 2018 giữa lãnh đạo TPHCM với DN trên địa bàn diễn ra ngày 17-3 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định ngành du lịch TP phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch, có như vậy mới giữ chân được du khách, đừng nhìn vào số lượng. Bởi nếu sáng họ vào nhưng chiều lại đi ngay, số lượng du khách đến TP trong ngày chẳng nói lên được gì.
Để ngành du lịch TP phát triển trong thời gian tới có nhiều vấn đề cần phải khắc phục như tái cơ cấu, đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm…, trong đó cần sự chung tay của cộng đồng DN trên địa bàn. Có như vậy ngành công nghiệp không khói của TPHCM mới có sức bật mạnh mẽ trong thời gian tới.

Các tin khác