Tổng lực phát triển du lịch TPHCM

(ĐTTCO) - Để phát triển du lịch TPHCM hướng đến những mục tiêu: thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, khách lưu trú ở TPHCM lâu hơn, mua sắm nhiều hơn… ngành du lịch TP đang thực hiện rất nhiều giải pháp. 

Để tìm hiểu rõ hơn về những giải pháp này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông BÙI TÁ VŨ HOÀNG, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM. 

PHÓNG VIÊN - Thưa ông, để đạt được kế hoạch thu hút 7 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2017, ngành du lịch đang triển khai những giải pháp cụ thể ra sao?
 Phát huy những giá trị sẵn có của TPHCM để làm sâu sắc thêm như thế mạnh ẩm thực, các trung tâm mua sắm, khu vực có làng nghề như quận 4 để tăng thêm tiện ích cho du khách. Chúng tôi còn hướng đến việc bổ sung thêm các sự kiện với phương châm “mỗi tháng 1 sự kiện” được tổ chức với quy mô lớn và thường niên. 
Ông BÙI TÁ VŨ HOÀNG: - Để phát triển du lịch hướng đến gia tăng du khách cả nội địa và quốc tế đến TPHCM, chi tiêu nhiều hơn, lưu trú lâu hơn là những câu hỏi lớn mà ngành du lịch phải triển khai thực hiện. Rất may trong năm 2016-2017, đã có những chỉ đạo bài bản từ Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định du lịch là ngành kinh tế có tính mũi nhọn, đồng thời Ban Thường vụ Thành ủy cũng ban hành Chỉ thị 07 – CT/TU với những mục tiêu và giải pháp cụ thể để gia tăng hiệu quả hoạt động của ngành du lịch đến năm 2020. Từ những cơ sở đó ngành du lịch TP tập trung vào những giải pháp cụ thể:  Thứ nhất, thực hiện đổi mới thông tin và quảng bá du lịch, khai thác phương tiện không gian trên internet, mạng xã hội để quảng bá du lịch bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Hệ thống hóa những sản phẩm như bản đồ, các thông tin đưa đến du khách phải khoa học và tiện ích. Phối hợp với các đơn vị triển khai phần mềm, ứng dụng để tiến hành thực hiện du lịch thông minh. Cùng với đó ngành du lịch cũng đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến bằng cách tổ chức các đoàn tham gia hội chợ du lịch quốc tế, tiếp nhận những đoàn famtrip của các nước đến khảo sát du lịch TPHCM.  Chúng tôi tập trung gia tăng chất lượng sản phảm dịch vụ hiện có của TPHCM. Cụ thể, Sở Du lịch đã làm việc với Sở Văn hóa-Thể thao và nhận được sự đồng thuận sẽ điều chỉnh thời gian phục vụ tiếp đón du khách của các bảo tàng, đồng thời bổ sung thêm một số sản phẩm du lịch khác thêm hấp dẫn và hình thành những sản phẩm mới trên nền tảng sẵn có. Như tại quận 5 đã hình thành 2 phố chuyên doanh là “phố vàng bạc” trang sức và “phố Đông y”. Sắp tới sẽ có thêm những tuyến phố như phố ẩm thực, phố đi bộ. Đặc biệt, từ ngày 13-5 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuận đường phố. Và đây sẽ là chương trình thường niên vào mỗi cuối tuần. Tại phố Bùi Viện, Sở Du lịch sẽ phối hợp với UBND quận 1 để thí điểm tổ chức phố đi bộ và nới rộng không gian hoạt động…  Thứ hai, ngành du lịch kêu gọi đầu tư buýt trên sông, tiến hành làm nhanh các dự án safari Củ Chi, quy hoạch khu nghỉ dưỡng Cần Giờ... Đặc biệt, Sở Du lịch cũng phối hợp với công an, lực lượng thanh niên xung phong tăng cường trật tự, giảm phiền hà cho du khách khi đến với TP. - Thực hiện hàng loạt công việc như ông mới chia sẻ liệu ngành du lịch TP có quá ôm đồm, thưa ông? 
- Đó là những công việc cần thiết phải làm và để thực hiện những việc này UBND TP có chỉ đạo tổng thể, phân công, phân cấp cho nhiều ngành cùng tham gia chứ không phải chỉ là phần việc của Sở Du lịch, nhưng Sở Du lịch là cơ quan thường trực, nhận công tác phối hợp. Chúng tôi nhận trách nhiệm tham mưu cho ban chỉ đạo phát triển du lịch TP về các công việc cụ thể. Có thể nói, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp được hình thành từ nhiều khâu do nhiều ngành cùng quản lý, như vận tải thuộc Sở Giao thông-Vận tải, mua bán thuộc Sở Công Thương, văn hóa là của Sở Văn hóa-Thể thao… Hiện du lịch TPHCM còn nhiều dư địa phát triển để gia tăng lượng khách trong nước và quốc tế, nên chúng tôi buộc phải tiến hành thực hiện các công việc đa dạng và tổng quát như vậy. 
Tổng lực phát triển du lịch TPHCM ảnh 1 Diễn viên Lý Nhã Kỳ trao tượng trưng 700.000 Euro chi phí quảng bá hình ảnh TPHCM
tại LHP Cannes cho ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM. 
- TPHCM có nhiều điểm du lịch có thể hút khách nhưng đến nay vẫn chưa phát triển mạnh được, đơn cử như Cần Giờ, vậy với quy hoạch mới Cần Giờ sẽ chuyển mình ra sao?
- Hiện mỗi năm Cần Giờ vẫn đón 1 triệu khách du lịch cũng không phải con số nhỏ, song Cần Giờ thực sự có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, làm sao phát triển nhưng phải giữ cho Cần Giờ vẫn là khu dự trữ sinh quyển quốc gia, là lá phổi của TP. TP cũng đã có chỉ đạo phải làm quy hoạch trước khi triển khai các dự án. Chúng tôi cũng có hội thảo khoa học, với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý. Hội thảo bàn nội dung làm thế nào để phát triển nhưng vẫn giữ được không gian, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế. Mô hình phát triển Cần Giờ vẫn chưa thể trả lời chính xác, nhưng hiện chúng tôi vẫn khai thác từ đường bộ, đường thủy đưa khách đến tham quan những khu vực như rừng sát, thưởng thức không gian biển, hải sản… Trong quá trình chờ đợi quy hoạch khoa học và hoản chỉnh phục vụ cho việc phát triển lâu dài, Cần Giờ vẫn đang được khai thác phục vụ du lịch. Hiện ngành du lịch cũng thống nhất với UBND huyện Cần Giờ tăng cường thêm các lớp tập huấn, cung cấp kỹ năng cho người làm dịch vụ du lịch ở đây. Quy hoạch lại một số điểm như làng nghề đánh bắt thủy hải sản, chợ hải sản… 

- Nói về sản phẩm du lịch, nhiều ý kiến cho rằng việc hình thành các phố chuyên doanh là ý tưởng hay, nhưng hiện nay 2 con phố mới hình thành còn chưa thực sự thu hút du khách, ông đánh giá sao về ý kiến này?

- Việc hình thành các phố chuyên doanh là tiếp cận đúng của các quận và ngành du lịch, nhưng để nó trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn phục vụ cho du lịch cần làm nhiều việc nữa. Từ việc tổ chức sắp xếp nâng cao chất lượng phục vụ của các cửa hàng trong tuyến phố đến huấn luyện đội ngũ bổ trợ, các dịch vụ bãi đậu xe, nhà vệ sinh, nâng cao trình độ ngoại ngữ rồi quảng bá…
Đó là những việc ngành du lịch và các quận đang phải làm và tôi nghĩ rằng từ tiếp cận đúng này cộng với lộ trình nâng cao chất lượng, các tuyến phố chuyên doanh sẽ trở thành điểm bổ trợ cho du lịch rất tốt khi du khách đến với TP. 

- Lâu nay nhân lực ngành du lịch vẫn được nhắc đến với cụm từ thiếu và yếu. Vậy ngành du lịch sẽ có chiến lược cụ thể ra sao để từng bước giải bài toán này, thưa ông?

- Trong năm 2017, chúng tôi có tổ chức hội thảo khoa học về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch. Nguồn nhân lực tại TPHCM tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch có khoảng 94.000 người, trong đó 30% chưa thông qua đào tạo bài bản. Do vậy để thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chúng tôi khuyến nghị các DN sử dụng lao động phải có kế hoạch phối hợp cùng 54 cơ sở đào tạo chuyên ngành về du lịch trên địa bàn TP.

Riêng sở chúng tôi đã phối hợp với tổ chức nước ngoài huấn luyện cán bộ cấp quận huyện quản lý về du lịch. Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị 2 lớp, một lớp dành cho cán bộ quản lý ở cơ sở kinh doanh trung và cao cấp, một lớp dành cho cán bộ quản lý cấp quận huyện và sở ngành. Tuy nhiên, đây chỉ là những nội dung bổ trợ, còn việc đào tạo của 54 cơ sở có chuyên ngành du lịch rất quan trọng. Chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị phải nâng cao chất lượng đào tạo của mình. 

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác