Quảng bá du lịch nhìn từ nước ngoài

(ĐTTCO) - Nếu như trước đây nhiều người Việt Nam chọn du lịch các nước gần như Thái Lan, Singapore, Malaysia, thì vài năm gần đây các nước xa hơn như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang thu hút nhiều khách Việt. 
 
Những quốc gia này đang đẩy mạnh quảng bá tại thị trường Việt Nam khiến du khách nóng lòng muốn đến một lần cho biết. 
Nhìn người…
 Một thống kê năm 2016, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 234.000 lượt, tăng 26% so với năm 2015, với mức chi khoảng 237.000 yên/người/chuyến đi - cao nhất so với du khách các nước khác đến Nhật Bản.
Nhiều du khách Việt Nam đi du lịch Đài Loan thời gian gần đây đều cho rằng phong cảnh thiên nhiên xứ Đài thua xa Việt Nam, nhưng cách làm du lịch rất chuyên nghiệp. Họ chuyên nghiệp từ cách tiếp thị ngay tại thị trường Việt Nam thông qua nhiều kênh với những bài viết của KOLs (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), trên các diễn đàn du lịch, các phương tiện thông tin đại chúng và cả từ các công ty dịch vụ lữ hành.
Tất cả đều đưa hình ảnh lãnh thổ Đài Loan trở nên lung linh, huyền ảo với nhiều điểm đến không thể bỏ qua. Chính điều này đã khiến lượng khách Việt Nam sang Đài Loan đang tăng nhanh. 
Quảng bá du lịch nhìn từ nước ngoài ảnh 1 Phật Quang Sơn, ngôi chùa nổi tiếng tại Cao Hùng, Đài Loan. 
 Một trong những quốc gia đang được các công ty lữ hành đánh giá cao trong hoạt động quảng bá của mình tại thị trường Việt Nam là Nhật Bản. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, đưa ra thí dụ về du lịch của Việt Nam và Nhật Bản: Năm 2011, Việt Nam đón 6 triệu lượt khách quốc tế, Nhật Bản đón 6,2 triệu. Đến năm 2016, Việt Nam vui mừng vì đón được 10 triệu khách quốc tế, thì Nhật Bản đã đón được 24 triệu lượt khách.
Quảng bá du lịch nhìn từ nước ngoài ảnh 2 Nếu so sánh, Việt Nam cũng có ngôi chùa tương tự: Chùa Bái Đính. Nhưng cách làm du lịch tâm linh để thu hút khách của Đài Loan mang tính chuyên nghiệp hơn. 
“Làm được điều này do Nhật Bản có thay đổi lớn về hạ tầng và chính sách du lịch. Theo đó, việc xin visa vào Nhật Bản khá đơn giản, thậm chí nhiều công ty du lịch của Việt Nam được ủy quyền xét visa trước. Mỗi tháng chúng tôi còn đón 1-2 đoàn các tỉnh từ Nhật Bản tới mời đưa khách du lịch đến thăm đất nước Mặt trời mọc” - ông Kỳ cho biết. 

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng rất chú trọng quảng bá hình ảnh của mình với du khách Việt Nam. Hiện cơ quan xúc tiến du lịch thủ đô Seoul đang chuẩn bị để vào tháng 10 tới đưa ra phần mềm ứng dụng du lịch bằng tiếng Việt. Với phần mềm này, du khách có thể dùng điện thoại thông minh tải về và tìm kiếm tất cả thông tin liên quan đến du lịch của Seoul. Họ còn rất nhiều hoạt động khuyến khích DN và cả khách du lịch tham gia các tour đến Hàn Quốc. 

Ngẫm đến ta
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 22 nước, còn Indonesia miễn cho 169 nước và vùng lãnh thổ; Singapore là 158, Philippines 157, Malaysia 155 và Thái Lan là 61 nước và vùng lãnh thổ.
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam xếp hạng 67/136 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2015. Điểm mạnh nhất của Việt Nam là tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30), tài nguyên tự nhiên (hạng 34), sức cạnh tranh về giá (hạng 35), nhân lực và thị trường lao động (hạng 37). Tuy nhiên, chỉ số bị xếp hạng thấp chính là điểm nghẽn cần khơi thông của du lịch Việt Nam, như mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 101) và mức độ mở cửa quốc tế (hạng 76). 

Điều đáng lo đến nay ngành du lịch vẫn chưa có văn phòng đại diện tại nước ngoài. Trong khi đó Malaysia có 35 văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài, Thái Lan 28 văn phòng, Singapore 23 văn phòng. Điểm nghẽn nữa của du lịch Việt Nam là kinh phí tiếp thị, quảng bá hình ảnh đất nước. Hiện ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam là 2 triệu USD/năm, trong khi ở Malaysia là 69 triệu USD, Singapore 80 triệu USD, Thái Lan 105 triệu USD… 

Trước mắt, để giải bài toàn kinh phí, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, dự kiến Việt Nam sẽ có quỹ hỗ trợ du lịch với tổng tài sản khoảng 500 tỷ đồng. Bước đầu, Hội đồng tư vấn du lịch đã thành lập được Câu lạc bộ DN đầu tư du lịch với khoảng 10 DN tham gia, kinh phí 25 tỷ đồng. Song vấn đề ở đây làm sao dùng tiền cho hiệu quả, làm sao có được những chương trình xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam thực sự ấn tượng và thu hút du khách nước ngoài. 

8 tháng năm 2017, Việt Nam đón 8,4 triệu lượt khách nước ngoài tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Thoạt nhìn đây là con số đáng ghi nhận, nhưng lại có đến 70% du khách một đi không trở lại. Vì thế, để mục tiêu tăng trưởng ít nhất 30% trong năm 2017, rõ ràng ngành du lịch còn rất nhiều việc phải làm, từ chính sách đến các hoạt động du lịch trong nước, kiểm soát chất lượng dịch vụ...

Các tin khác