Nhộn nhịp phố đi bộ Bùi Viện

(ĐTTCO) - Náo nhiệt vốn là nét đặc trưng của khu “phố Tây” Bùi Viện, quận 1, TPHCM nhiều năm nay. Song khi con phố này khoác lên mình một “chiếc áo” mới - phố đi bộ - không khí ở đây lại càng trở nên cuốn hút du khách trong và ngoài nước hơn. 
 
19 giờ ngày cuối tuần, những cơn mưa kéo đến, nhiều con phố tại khu trung tâm TPHCM như chìm vào màn mưa trắng xóa. Tưởng như đêm cuối tuần đã khép lại sau tiếng mưa, tiếng gió.
Thế nhưng chỉ chừng chưa đến 1 giờ sau đó, mưa ngớt, dòng người lại ngược xuôi tận hưởng cái mát mẻ của đêm TP. Dường như ai cũng cố gắng tranh thủ những ngày cuối tuần để thư giãn sau 1 tuần làm việc căng thẳng.
Với cả du khách và người dân TPHCM từ ngày 20-8 đã có thêm một điểm du lịch được “biến hóa” ngay từ chính cái quen thuộc, đó là phố đi bộ Bùi Viện. Phố đi bộ thứ hai của TP chào đón du khách bằng 2 cổng chào cách điệu hình nón lá rất gần gũi. Theo quy hoạch, con phố dài 850m từ mũi tàu đường Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo đến đường Cống Quỳnh. Trong ngày ra mắt, phố đi bộ Bùi Viện đã thu hút hàng ngàn người dân, khách ngoại quốc thưởng lãm các hoạt động nghệ thuật. Phố đi bộ hoạt động từ 19 giờ đến 2 giờ sáng.

Khác với Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện chỉ hoạt động trong 2 ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật, nhưng Bùi Viện lúc nào cũng vậy sôi động và cuồng nhiệt. Bước chân vào con phố này tưởng như bước vào một cuộc sống khác khi được hòa mình vào tiếng nhạc của nhiều nhà hàng, quán bar. Gọi là phố Tây nhưng quán xá ở đây khá bình dân, đa phần nhà hàng, quán ăn, quán bar chỉ là những ngôi nhà nhỏ nên bàn ghế luôn được xếp tràn ra vỉa hè.
Và có một đặc trưng dễ thấy của Bùi Viện là hầu hết nhà hàng, quán bar khách đều uống bia bằng chai không dùng ly. Gọi là phố Tây nhưng cũng có rất nhiều bạn trẻ Việt thích đến đây vì ở đây khách Tây được hòa vào cuộc sống bình dị của người Sài Gòn, còn người dân lại được thưởng thức nét đặc sắc đa văn hóa của du khách đến từ nhiều nơi trên thế giới. 

Khi khoác lên mình cái tên phố đi bộ, điều du khách và cả những người buôn bán ở đây cảm nhận được đầu tiên đó là sự thoải mái và an toàn bởi 2 ngày cuối tuần không có bóng xe ngược xuôi, lại có thêm lực lượng an ninh được tăng cường để đảm bảo an toàn cho du khách.
Và nhờ vậy những hoạt động nghệ thuật đường phố trở nên sống động hơn. Du khách và người dân có thể thoải mái thưởng thức những màn biểu diễn đầy ngẫu hứng. Nhờ phố đi bộ, nghệ sĩ và khán giả được kéo lại gần nhau hơn, họ có thể trình diễn cùng nhau. Cũng nhờ những hoạt động nghệ thuật này, con phố Bùi Viện có thêm nhiều điểm nhấn để thu hút du khách. Cũng như Nguyễn Huệ, người dân được cung cấp wifi miễn phí khi đến phố đi bộ Bùi Viện. 

Để thuận tiện cho người dân và du khách tham gia, phố đi bộ có khá nhiều bãi gửi xe được hình thành ngay đầu con phố và trong đoạn giao Đỗ Quang Đẩu. Trước đây do là phố đi bộ duy nhất nên đường Nguyễn Huệ những ngày cuối tuần rất đông du khách và người dân, nhiều hoạt động nghệ thuật đường phố đã níu chân các bạn trẻ tới đây. Thế nhưng khi phố đi bộ Bùi Viện hình thành, một lượng kha khá những người trẻ tuổi được kéo về con phố sôi động này. “Ở Bùi Viện có cái thú khác, thưởng thức nghệ thuật, vui chơi xong có thể ghé ngay một quán ăn với giá rất hợp túi tiền, trong khi Nguyễn Huệ lại quá xa hoa với đa phần những người trẻ như chúng tôi” - Hoàng Linh, một bạn trẻ đang hòa mình vào không khí sôi động của Bùi Viện, chia sẻ. 

Đặc biệt từ Bùi Viện đi thêm một đoạn ngắn nữa du khách có thể ghé khu chợ dưới lòng đất Sense Market mang đến một điểm nhấn mới cho du lịch TPHCM. Sense Market không chỉ tái hiện không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng ẩm thực của Việt Nam, Campuchia, Lào, Nhật Bản, Ấn Độ… mà còn có hệ thống cửa hàng tiện lợi, quầy dịch vụ viễn thông, chuyển đổi ngoại tệ, phục vụ nhu cầu mua sắm, trao đổi của lượng khách du lịch nước ngoài rất lớn ở khu vực này.

Đến Bùi Viện những ngày này sẽ thấy con phố được đổi thay rất nhiều, vỉa hè được lát đá sạch sẽ, có thêm những trụ đèn chiếu sáng… thậm chí thêm nhiều thùng rác được cách điệu cho đẹp mắt để thuận lợi cho du khách. 2 con phố đi bộ của TP đã và sẽ mang đến 2 sản phẩm du lịch mới bởi cùng là phố đi bộ nhưng có đến mới cảm nhận rõ nét khác biệt.
Một Nguyễn Huệ sang trọng với những tòa nhà lung linh, trái ngược với một Bùi Viện gần gũi với những quán xá ven đường. Dọc phố Bùi Viện có rất nhiều hẻm nhỏ, ở đó du khách có thể cảm nhận rất rõ nét văn hóa trong cuộc sống của người dân bản địa. Đó cũng là lý do nhiều khách “Tây balô” đã chọn điểm dừng chân khi đến TPHCM là Bùi Viện và một số con phố xung quanh như Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu. 

Với nhiều nỗ lực, TPHCM đang chuyển mình mạnh mẽ để thu hút du khách ngày một nhiều hơn và tạo ra thêm những điểm đến độc đáo cho chính người dân TP. 

Các tin khác