Ngành du lịch muốn nhọn phải mài nhiều góc

(ĐTTCO) - Du lịch vốn là ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng. Vì thế đầu năm 2017, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được ban hành với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, và mới đây Chính phủ cũng ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.
 Song để mũi nhọn thực sự cần mài nhiều góc, trong đó riêng câu chuyện về hướng dẫn viên (HDV) du lịch cũng đang là vấn đề cần quan tâm.
Thiếu lượng, yếu chất
Theo thống kê, hiện cả nước có  18.960 HDV, trong đó hơn 11.000 HDV quốc tế và gần 8.000 HDV nội địa. Trong khi đó, năm ngoái có tới 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam và 62 triệu lượt khách nội địa. Tính đến hết tháng 9-2017, đã có 9,4 triệu lượt khách quốc tế và lượt khách nội địa đạt 57,9 triệu người. Dự kiến năm 2017 sẽ đón 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách du lịch nội địa. Những con số này cho thấy số lượng HDV du lịch đang thiếu trầm trọng, nhất là ở mảng khách du lịch quốc tế. 
Chưa hết, còn có sự phân chia không đồng đều khi HDV chủ yếu sử dụng tiếng Anh, trong khi những thứ tiếng khác như Trung, Nhật, Hàn… và nhiều thứ tiếng hiếm khác đang rất thiếu. 
Những năm gần đây, lượng khách đổ về những thành phố biển như Đà Nẵng, Nha Trang rất lớn, trong đó chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc và số lượng HDV du lịch biết 2 thứ tiếng này còn rất ít.
Đơn cử như tại Đà Nẵng, trong 8 tháng năm 2017 có 594.000 lượt khách đến từ Hàn Quốc, trong đó khoảng 50% khách đi qua tour, nhưng Đà Nẵng mới chỉ có 67 HDV biết nói tiếng Hàn (tương đương khoảng hơn 10%). Như vậy số lượng HDV chắc chắn không đủ đáp ứng nhu cầu khách du lịch. 
Và khi cung không theo kịp cầu, hiện tượng HDV du lịch chui là điều không thể tránh khỏi. Thời gian qua câu chuyện HDV du lịch “chui” người Trung Quốc hoành hành tại Đà Nẵng, Nha Trang vẫn đang làm đau đầu các cơ quan quản lý. Bởi khi họ hướng dẫn về các danh lam thắng cảnh ở các thành phố này, đã có hiện tượng thuyết minh sai thông tin về văn hóa lịch sử.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết không riêng gì HDV Trung Quốc làm du lịch "chui", lượng HDV người Hàn Quốc cũng rất nhiều. Trong 9 tháng năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện 24 trường hợp người nước ngoài tham gia hoạt động du lịch, lữ hành trái pháp luật ở Đà Nẵng, tiến hành xử phạt 245 triệu đồng.
Những số liệu thống kê về lượng khách quốc tế một số thị trường so với số HDV cũng cho thấy, mỗi người dẫn đoàn đang phải “cõng” một lượng khách khủng. Như Trung Quốc có hơn 2,9 triệu lượt khách đến Việt Nam, nhưng chỉ có 2.614 HDV (số này còn phục vụ các du khách từ các thị trường tiếng Hoa khác như Hồng Công, Đài Loan). Khách Hàn Quốc hơn 1,7 triệu lượt, nhưng cả nước chỉ có 152 HDV tiếng Hàn… 
Ngành du lịch muốn nhọn phải mài nhiều góc ảnh 1 Khách du lịch nước ngoài vào nước ta ngày càng nhiều, nhưng số lượng HDV không đáp ứng. Ảnh: P.LONG 
Đi tìm giải pháp
Luật Du lịch 2017 đang được xem là một trong những bước quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cho vấn đề HDV du lịch quốc tế. Theo đó, luật cho phép những người thông thạo ngoại ngữ chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành hướng dẫn du lịch, hoặc nếu tốt nghiệp chuyên ngành khác cần có chứng chỉ nghiệp vụ HDV du lịch quốc tế để có thể được cấp thẻ. 
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, luật đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa theo kịp sự thay đổi của thực tế. Nên chăng có giải pháp cho cấp thẻ tạm trong những thời điểm khách du lịch quốc tế vào mùa và khi khách từ những thị trường tiếng hiếm đến đông.
“Hiện nay có thể tận dụng lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp có thể đào tạo bồi dưỡng thêm trong thời gian ngắn theo kiểu vừa học vừa làm. Ở nhiều nước cũng có những cách giải quyết như sử dụng hướng dẫn bằng ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh hoặc thuê thêm phiên dịch theo thời vụ. Ở Việt Nam có thể sử dụng cách thức dẫn khách bằng ngôn ngữ thương mại tiếng Anh khi không có đủ hướng dẫn. Còn thuê thêm phiên dịch phải thêm chi phí cho khách đi tour, nên không nhận được sự đồng tình nhiều đơn vị” - ông Mỹ chia sẻ. 
Nhiều DN lữ hành cùng chung nhận định, hiện nay giá tour đến Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực. Do đó, bất cứ giải pháp nào làm gia tăng chi phí cần phải được tính toán kỹ, bởi nếu không du khách quay lưng chọn điểm đến khác.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần có nhiều giải pháp đồng bộ và linh hoạt hơn để đạt được mục tiêu đến năm 2020 tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD, kỳ vọng thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa. Như vậy chỉ còn quãng thời gian rất ngắn 2 năm cho những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của HDV du lịch, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng lượng du khách đó. 

Các tin khác