Ngăn chặn hoạt động núp bóng để trốn thuế trong du lịch

(ĐTTCO)-Tình trạng thanh toán trực tuyến xuyên biên giới trái phép đang diễn ra tại nhiều địa phương có đông khách du lịch nước ngoài như: Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng...
Khách du lịch tại cảng Cầu Đá Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Khách du lịch tại cảng Cầu Đá Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Cụ thể, một số chủ cửa hàng tại Việt Nam đã lén lút chấp nhận sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến chưa được chấp nhận tại Việt Nam như Wechat, với các khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ thất thoát thuế từ ngành công nghiệp không khói. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã chia sẻ về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Thực trạng trên đã được phát hiện và xảy ra tại nhiều điểm đến yêu thích của Việt Nam,  Bộ VH-TT-DL có giải pháp cũng như kiến nghị gì để chung tay giải quyết vấn nạn này không? Trách nhiệm của các hãng lữ hành như thế nào khi dung túng cho khách sử dụng hình thức thanh toán trái phép như vậy?
Ông NGUYỄN VĂN TUẤN: Đúng là có hiện tượng khách nước ngoài thanh toán không thông qua ngân hàng Việt Nam.
Chúng tôi đã tổ chức tọa đàm riêng về vấn đề này, tại đây, phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra đề xuất và đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về phương hướng giải quyết, tập trung vào nhóm giải pháp như: tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; quản lý các đơn vị lữ hành đưa khách đến địa điểm mua sắm có độ tin cậy cao; phối hợp với hệ thống lớn của Trung Quốc để quản lý, xử lý thanh toán nước ngoài, cho phép chấp nhận sử dụng thiết bị thẻ thanh toán ở Việt Nam…
Bên cạnh đó cũng cho thấy cần nghiên cứu, cho phép các tổ chức thực hiện trung gian thanh toán ở Việt Nam làm thí điểm hợp tác với các đơn vị nước ngoài tổ chức trung gian thanh toán ở Việt Nam.
-Việc đón dòng khách du lịch giá rẻ cũng là nguyên nhân nảy sinh nhiều biến tướng. Ngành du lịch có giải pháp đặc biệt nào để hạn chế tiêu cực và phát huy hiệu quả từ việc khai thác dòng khách này?
Theo báo cáo thường niên của Du lịch Việt Nam: chi tiêu bình quân của khách có nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch là 1.171,3 USD/lượt. Trong đó, khách đến từ châu Á: 995,7 USD/lượt; châu Âu là 1.295,3 USD/lượt; châu Đại Dương là 1.791,1 USD/lượt; châu Mỹ là 1.525,1 USD/lượt. Có 59,57% số khách đến Việt Nam lần đầu tiên và 40,43% số khách đến Việt Nam từ lần thứ hai trở lên. Có 93,46% khách quốc tế đến Việt Nam hài lòng và rất hài lòng với chuyến du lịch tại Việt Nam; 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng và rất không hài lòng.
-Vấn đề khách Trung Quốc, tour giá rẻ và trách nhiệm của các công ty lữ hành là câu chuyện phức tạp và được đề cập đến nhiều trong thời gian qua. Trung Quốc là thị trường quan trọng, khách của thị trường này chi tiêu cao.
Vấn đề đặt ra là có quản lý được không, khi đón khách có dịch vụ sản phẩm cung cấp cho họ hay không, không có quốc gia nào phát triển du lịch mà không quan tâm đến khách Trung Quốc, bên cạnh mặt tích cực của dòng khách này cũng có những mặt hạn chế.
Tăng số lượng khách phải gắn với công tác quản lý và phát huy mặt tích cực, giảm thiểu mặt tiêu cực. Hiện chúng tôi đã nghiên cứu và tham mưu cho Bộ VH-TT-DL có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bởi những vấn đề này cần có sự chung tay của nhiều ngành, nhiều đơn vị như quản lý thị trường, thuế…
Theo tôi, có các nút thắt phải giải quyết là ngăn chặn biến thái trong hệ thống cửa hàng khép kín, chỉ bán hàng cho người Trung Quốc, bộc lộ những tiêu cực mà hiện chưa kiểm soát được như bán hàng giả, bán hàng giá cao, hàng trốn thuế, thanh toán trực tiếp qua phương tiện của người ngoài.
Chính các công ty của Trung Quốc cũng phản ánh và đề nghị có phương án giải quyết vấn đề này nếu không sẽ ảnh hưởng, làm méo mó hình ảnh điểm đến.
Thực tế, chính du khách Trung Quốc bị người Trung Quốc trong những cửa hàng đó núp bóng doanh nghiệp, người bán hàng Việt Nam để bán hàng không rõ xuất xứ, những hàng dán nhãn Việt Nam nhưng sản xuất tại Trung Quốc, phương hại đến nhiều khía cạnh đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc, trong đó vai trò của chính quyền địa phương mang tính quyết định vì họ có lực lượng chuyên ngành trong tay. 
Điểm thứ 2 là tập trung ngăn chặn các doanh nghiệp Việt Nam, lữ hành, hướng dẫn viên cho người Trung Quốc núp bóng để tiếp tay cho người nước ngoài tham gia vào câu chuyện này thì việc đó ngành du lịch cùng các cơ quan chức năng địa phương, thanh tra cần có giải pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý vi phạm. Đó là 2 nút thắt của vấn đề và chủ đề của tọa đàm mà gần đây ngành du lịch tổ chức và thống nhất trong đó có Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước.
-Với tốc độ tăng trưởng du khách như hiện nay, khả năng ngành du lịch có đạt được mục tiêu của năm 2018?
-Thời gian qua có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó chú trọng các thị trường trọng điểm như: Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Đà Nẵng... sản phẩm đó đã tạo ra năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn tốt, nhưng đó mới chỉ là bước đầu, tham mưu các đề án là tái cấu trúc, cơ cấu lại ngành du lịch.
Thứ hai là chiến lược phát triển du lịch từ nay đến 2030 định hướng 2040 tham mưu đề xuất theo định hướng tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm, dòng sản phẩm có lợi thế, chủ đạo; tăng cường sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, đặc biệt là mua sắm, ẩm thực; đẩy mạnh sản phẩm mang tính giải trí, sáng tạo... Với những giải pháp như vậy, tôi tin ngành du lịch sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2018.
Cảm ơn ông!  

Các tin khác