Lỏng lẻo quản lý công ty du lịch

(ĐTTCO) - Sự việc công ty du lịch Golux lừa đảo khách hàng khi nhận tiền tỷ của khách rồi bỏ trốn, cho đến nay vẫn là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người. 
Cũng từ chuyện Golux, một câu hỏi lớn được đặt ra cho ngành du lịch của TPHCM, đó chính là quản lý công ty du lịch như thế nào cho hiệu quả. Theo quy định mức ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa 100 triệu đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành với khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) 250 triệu đồng, và kinh doanh dịch vụ lữ hành với du khách ra nước ngoài (outbound) 500 triệu đồng.
Ban đầu rất nhiều công ty du lịch phản ứng mạnh với mức này, cho là quá nhiều, tiền chết một chỗ không thể làm gì, rồi số tiền này là cả một vấn đề với công ty nhỏ… Thế nhưng, khi có chuyện xảy ra mới thấy mức này là quá ít, không đủ để bù đắp thiệt hại cho người mua tour khi công ty du lịch có bất cứ hành vi lừa đảo nào. 
Như trường hợp của Golux, kinh doanh lữ hành nội địa chỉ phải ký quỹ 100 triệu đồng, nhưng khi số tiền lừa đảo lên tới hơn 1 tỷ đồng lấy đâu ra bù vào cho khách, và dường như việc mất trắng là quá rõ ràng. Đó là chưa nói đến mức phạt dành cho các công ty du lịch có sai phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh vẫn còn quá nhẹ nhàng. Năm 2017, công ty này bị phạt vì không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn bán tour.
Ngạc nhiên mức phạt chỉ 45 triệu đồng. 45 triệu đồng chẳng thấm vào đâu so với số tiền lừa đảo trong năm 2017 là khoảng 3 tỷ đồng. Nói để thấy càng công ty nhỏ càng phải quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn. Ngành du lịch có lẽ không cần đến cả ngàn DN kinh doanh lữ hành, mà chỉ cần một lượng ít hơn nhưng chất lượng hơn, đảm bảo an toàn cho du khách hơn. Những sự việc lừa đảo như Golux đang làm mất niềm tin trầm trọng cho không chỉ người trong cuộc. 
Thực tế hiện tượng lừa đảo trong ngành du lịch không chỉ có một theo dạng nhận tiền rồi bỏ trốn như của Golux, mà còn nhiều hình thức khác như kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, bán tour một đằng khi khách đi lại một nẻo. Và đã có những trường hợp rơi vào du khách nước ngoài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch của Việt Nam.
Để ngành du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài những chiến lược quảng bá, tiếp thị hình ảnh, ngoài những chiến lược cho các tour tham quan mang tính hấp dẫn và đáng nhớ hơn, việc làm sao quản lý cho hiệu quả các công ty du lịch đang mọc lên như nấm sau mưa cũng cần phải nghiêm túc bàn tới. 

Các tin khác