Loay hoay xử lý công ty du lịch lừa đảo

(ĐTTCO) - Cách đây vài ngày, nhiều khách hàng cho biết đã có đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo về việc bị Công ty CP Dịch vụ du lịch Sài Gòn Chợ Lớn (tên tiếng Anh: Saigon Cholon Tourist, văn phòng trên đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, TPHCM) lừa tiền mua tour.

Năm 2017, công ty này cũng từng bị Thanh tra Sở Du lịch TPHCM nhắc nhở vì chây ì, nợ tiền khách hàng. Đáng chú ý, logo và tên gọi Saigon Cholon Tourist của công ty này cũng khá giống tên của một thương hiệu du lịch nổi tiếng ở TPHCM.

Vụ việc trên dấy lên mối lo ngại về các công ty lữ hành làm ăn “chụp giựt”, trong bối cảnh Công ty Golux lừa gần 5 tỷ đồng của khách mua tour vẫn chưa được giải quyết.

Theo anh Đỗ Trịnh Đình Luật (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), ngày 6-8, anh tình cờ đọc thông tin và biết công ty nói trên có bán tour đi Hàn Quốc. Do vậy, anh Luật đăng ký mua tour cho 2 chị gái với giá gần 29 triệu đồng. Thế nhưng, trước khi khởi hành (ngày 13-8) khoảng 5 giờ, đại diện Saigon Cholon Tourist yêu cầu anh Luật đóng tiền ký quỹ 200 triệu đồng, với lý do Lãnh sự quán Hàn Quốc yêu cầu bổ sung gấp.
Theo đó, nếu không đóng tiền, khách hàng sẽ bị hủy tour. Nghe vậy, anh Luật vội mượn tiền đóng ký quỹ, nhưng 1 tháng trôi qua vẫn chưa nhận lại được 200 triệu đồng như cam kết của công ty.

Loay hoay xử lý công ty du lịch lừa đảo

“Tôi lên công ty này đã 5 lần nhưng chỉ nhận được lời hứa suông. Trước đó, đại diện công ty có hứa trả, rồi khất lần, sau đó nói rằng công ty không còn khả năng trả nợ. Đỉnh điểm vụ việc là nhiều khách hàng cùng kéo tới Saigon Cholon Tourist yêu cầu trả tiền tour nhưng công ty đóng cửa”, anh Đỗ Trịnh Đình Luật phản ánh.
Hiện có nhiều khách hàng khác ngụ tại các tỉnh Kon Tum, Tiền Giang… cũng bị lừa tương tự như trường hợp của anh Luật. 
Để tìm hướng xử lý các doanh nghiệp lừa đảo, Sở Du lịch TPHCM khẳng định đang tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên trách địa phương (phòng kinh tế, công an quận…) nhằm thu thập thông tin 2 chiều; thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố nếu doanh nghiệp vi phạm.
Thêm nữa, Sở Du lịch TP cũng thông tin về việc sẽ đề xuất Tổng cục Du lịch thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phong tỏa tài khoản ký quỹ của doanh nghiệp…
Song song đó, Sở Du lịch TP khuyến cáo khách hàng, trước khi đặt mua tour nên tìm hiểu rõ về công ty, giá bán tour so với các thương hiệu khác, nếu thấy giá rẻ phải nghi ngờ ngay. Kế đến, thường xuyên cập nhật trang web của Sở Du lịch TP, số điện thoại tổng đài, trạm thông tin du lịch… để tìm hiểu thông tin, hạn chế rủi ro khi mua tour. 
Thực sự, các vụ việc lừa đảo như trên không mới. Doanh nghiệp vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo vẫn dùng chiêu bài cũ rích, nhưng vẫn thu hút được nhiều “con mồi”. Bằng chứng, ngay khi báo chí phản ánh rầm rộ về tình trạng lừa đảo, chỉ đích danh các công ty nói trên thì cùng thời gian đó, nhiều khách hàng vẫn tiếp tục đặt tiền mua tour từ doanh nghiệp vi phạm (có người bị hại đã phản ánh với phóng viên).
Nhiều chuyên gia du lịch bức xúc, luật pháp nước ta hiện tại quá lỏng lẻo, các cơ quan chuyên trách chưa thực sự làm hết trách nhiệm. TPHCM đang có hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành hoạt động, nhưng nhân sự thanh tra ngành du lịch chỉ có vài người. Điều này cho thấy sẽ rất khó làm hết việc, nếu như không nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý doanh nghiệp lữ hành.
Ngoài ra, các quy định về cấp phép thành lập doanh nghiệp mới khá dễ dàng, nên doanh nghiệp lừa đảo nơi này có thể “ôm” tiền người bị hại chạy sang nơi khác lập doanh nghiệp mới, tiếp tục lừa đảo khách hàng mới. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đây chính là mối họa cho ngành du lịch Việt Nam.

Các tin khác