Loay hoay du lịch biển

(ĐTTCO) - Với chiều dài liên tục gần 185km, Đà Nẵng - Quảng Nam được xem là 2 địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch biển. 
Tuy nhiên, do công tác quản lý, quy hoạch vùng còn rời rạc; sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đặc sắc… nên hiệu quả khai thác du lịch của hai địa phương vẫn chưa tương xứng.

Du khách tắm biển tại bãi biển Cù Lao Chàm (Hội An)

Du khách tắm biển tại bãi biển Cù Lao Chàm (Hội An)

Quy hoạch thiếu khoa học
Sự việc dự án Lancaster Nam O Resort dựng hàng rào chắn lối ra tại bờ biển thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu khiến người dân địa phương bức xúc tụ tập phản ứng, đến mức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phải đích thân đến hiện trường làm việc và chỉ đạo tháo dỡ hàng rào hồi tháng 5 vừa qua một lần nữa cho thấy vấn đề cấp phép, quy hoạch, triển khai các dự án du lịch ven biển ở Đà Nẵng trở nên phức tạp, chưa thật sự khoa học để đảm bảo lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.
Không chỉ vậy, dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn), ai cũng dễ dàng nhận thấy những dự án du lịch, các khu nghỉ dưỡng mọc lên san sát chiếm hết lối đi xuống biển dành cho người dân địa phương và du khách. Xuyên suốt quãng đường vài km là các khu du lịch như Premier Village, Pullman Resort, Fusion Maia Resort, Olalani Rerort, dự án Hòn ngọc châu Á… án ngữ và được quây kín bằng các bức tường bê tông hoặc các pa nô quảng cáo với những dự án đang được thi công...
Bãi biển Đà Nẵng luôn được các tạp chí du lịch hàng đầu thế giới như Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Tuy nhiên việc những dự án, khu nghỉ dưỡng ven biển liên tục mọc lên, chắn lối xuống biển không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân mà xa hơn là người dân bị bỏ bên ngoài của sự phát triển, hay đúng hơn bị thiệt thòi trong quá trình triển khai, phát triển các khu du lịch ven biển.
Với Quảng Nam, dù chưa đến mức gay gắt nhưng đoạn qua thị xã Điện Bàn và TP Hội An, việc các khu nghỉ dưỡng mọc lên nhiều che chắn hết biển với chiều dài hơn 16km, khiến không gian biển càng thêm chật chội. 
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, những tồn tại trên một phần xuất phát từ lịch sử để lại hơn 10 năm trước khi địa phương cố gắng thu hút nhiều nhà đầu tư vào Điện Bàn nhằm  phát triển du lịch biển. Để khắc phục và tạo không gian riêng cho người dân và cộng đồng được hưởng thụ những giá trị của biển, từ năm 2016, Điện Bàn đã quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ tại 3 bãi biển công cộng là Hà My, Thống Nhất và Viêm Đông (phường Điện Dương). Tuy vậy, hiệu quả không như mong muốn, tình trạng nhếch nhác đã xảy ra do chưa có doanh nghiệp đứng ra quản lý chuyên nghiệp. 
Riêng tại Hội An, dọc trên khoảng 8km bờ biển hầu như đã phủ lấp các khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 - 5 sao. Không gian biển, nơi nghỉ ngơi của người dân và du khách chỉ còn lại hai bãi biển là An Bàng và Cửa Đại, nhưng bãi biển Cửa Đại cũng đã và đang bị xói lở. 
Chưa tương xứng với tiềm năng
Xác định du lịch biển là một trong những sản phẩm chủ đạo trong phát triển du lịch, Đà Nẵng và Quảng Nam hàng năm đều đưa ra các sản phẩm du lịch biển nhằm thu hút khách. Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, thừa nhận, dù những sản phẩm du lịch biển vẫn được du khách ưa chuộng; trong đó, chương trình “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè” với nhiều hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí liên quan đến biển đã thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi dịp hè. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế vẫn chưa tương xứng. Năm 2017 Đà Nẵng đón khoảng 6,6 triệu du khách, doanh thu du lịch đạt 19.403 tỷ đồng,  trong đó du lịch nghỉ dưỡng biển chiếm khoảng 54%. “Đà Nẵng vẫn còn thiếu những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, mặc dù những lợi thế và thương hiệu từ du lịch biển mang lại là rất lớn”, ông Cường chia sẻ.
Tại Quảng Nam, điểm “nghẽn” trong phát triển du lịch biển thể hiện ở việc đầu tư, phân chia ngân sách của nhà nước giữa các địa phương như Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ và một số huyện có biển khác chưa cân xứng. Từ đó dẫn đến các địa phương phát triển theo lối tự phát, riêng lẻ và tùy tiện do phụ thuộc vào ngân sách và quy hoạch của riêng mình. Hậu quả, sản phẩm du lịch ở các điểm dừng chân của du khách đơn điệu; an ninh du lịch còn nhiều bất cập; trình độ nhân lực phục vụ cho ngành du lịch hạn chế về kỹ năng, ngoại ngữ; ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm… Đặc biệt, một số dự án du lịch nghỉ dưỡng biển tại Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Núi Thành giẫm chân tại chỗ, hoặc hoạt động không hiệu quả, nguyên do từ những hạn chế về hạ tầng giao thông, chưa có sản phẩm dịch vụ phụ trợ du lịch thật sự hấp dẫn…
Theo ông Trần Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, để đưa tiềm năng du lịch biển của địa phương này phát triển mạnh hơn, cần sự hỗ trợ rất lớn từ mọi cấp ngành, như: xây dựng hạ tầng thiết yếu tại những bãi biển (bãi đậu xe, nhà vệ sinh), hoàn thiện các biển chỉ dẫn… 
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng, không thể mang tư duy khai thác du lịch ở một địa điểm, một công trình nổi tiếng với kiểu khách đến thăm và ra về chóng vánh với việc xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch biển. Bởi du lịch biển được xác định là nghỉ dưỡng dài ngày, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù này cần sự nghiên cứu kỹ càng từ rất nhiều phía.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng: “Để thúc đẩy du lịch biển trở thành sản phẩm chủ đạo, ngoài nâng cao chất lượng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì việc liên kết phát triển giữa các địa phương dọc ven biển cũng cần được chú trọng. Đồng thời cũng phải tính toán nhằm tạo sự khác biệt, tránh trùng lắp các sản phẩm, dịch vụ giữa các địa phương với nhau. Do đó, câu chuyện khai thác lợi thế du lịch biển sẽ tiếp tục được tiến hành trong nhiều năm tới nhằm không chỉ phát triển du lịch vùng biển Quảng Nam mà còn thúc đẩy du lịch Đà Nẵng, cũng như miền Trung nói chung”.

Các tin khác