Lẩn quẩn với sản phẩm làng nghề

(ĐTTCO) - Muốn bảo tồn, phát huy nhưng khó có thể đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường; phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch nhưng không có khách đến làng, đó là vòng lẩn quẩn mà các làng nghề truyền thống Quảng Nam đang đối diện.

Dang dở giấc mơ du lịch

Tháng 9-2011, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Cụm làng nghề Đông Khương (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) gắn với phát triển du lịch. Sự hình thành Cụm làng nghề Đông Khương với diện tích 7,3ha, tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn hấp dẫn trên con đường kết nối 2 di sản là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn.

Giai đoạn 2013 - 2016, hơn 5 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một số chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp làng nghề cũng được áp dụng, như ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất có thời hạn…, nhưng từ thói quen sản xuất của người dân đến chi phí san lấp mặt bằng, đầu tư cơ sở quá cao, khiến người làm nghề truyền thống không mặn mà dời cơ sở vào cụm làng nghề. Kết quả, nhiều năm qua, cụm làng nghề vẫn đìu hiu, ước mong du lịch ngày càng xa hơn.

Sản phẩm công nghiệp nhiều, giá rẻ, còn sản phẩm của làng nghề giá cao nên khó cạnh tranh

Sản phẩm công nghiệp nhiều, giá rẻ, còn sản phẩm của làng nghề giá cao nên khó cạnh tranh

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống Việt Nam, chia sẻ: Thất bại của Cụm làng nghề Đông Khương chủ yếu xuất phát từ phía chính quyền và các cơ quan nhà nước khi không quyết liệt trong đầu tư hạ tầng, đường sá nên khó thu hút các cơ sở làng nghề cũng như doanh nghiệp du lịch đưa khách tới.

Không riêng gì Đông Khương, thời gian qua một số làng nghề được quy hoạch gắn với du lịch như: dệt Bhờ Hôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang), dệt lụa Mã Châu (Nam Phước, Duy Xuyên), dó trầm hương Tiên Phước và kể cả làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, Hội An)…, nhưng trên thực tế, mục tiêu phát triển làng nghề gắn với du lịch vẫn chưa như kỳ vọng.

Theo thống kê từ Sở NN-PTNT Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 44 làng nghề với tổng cộng 3.005 cơ sở sản xuất, chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như: trồng rau củ quả, chế biến nước mắm, hải sản, làm hương, bánh tráng, phở sắn, dệt vải, dệt thổ cẩm... Hầu hết, các cơ sở đều ít liên quan đến du lịch, mặc dù thời gian qua UBND tỉnh cùng chính quyền một số địa phương đã ban hành nhiều cơ chế nhằm tạo đòn bẩy cho việc khôi phục, phát triển các làng nghề và làng nghề truyền thống theo các hướng khác nhau (trong đó có gắn kết với du lịch), nhưng không hiệu quả. 

Ông Fumio Kato, Giám đốc dự án JICA tại Quảng Nam (tổ chức hỗ trợ rất nhiều làng nghề truyền thống tại Quảng Nam) cho rằng, để sản phẩm làng nghề phát triển cần yếu tố tài chính, kỹ thuật, tay nghề chuyên môn, trong đó vai trò của nghệ nhân rất quan trọng và mang tính quyết định.

Theo nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp, để đưa sản phẩm làng nghề gắn với du lịch, yếu tố đầu tiên là phải cải thiện mẫu mã theo hướng gọn nhẹ, tinh xảo, đòi hỏi người thợ phải đầu tư công sức, tiền bạc. Nhưng nghịch lý là sản phẩm sau khi được đầu tư, bán không chạy hoặc không bán được, dẫn đến khó khăn cho các cơ sở, buộc nghệ nhân phải bám vào những sản phẩm dễ tiêu thụ để có tiền sinh sống. 

Cần sản phẩm mang bản sắc riêng

TP Hội An được xem là “mảnh đất màu mỡ” để quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống Quảng Nam thông qua du lịch. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy khoảng 50% sản phẩm thủ công bày bán ở đây có nguồn gốc xuất xứ từ nơi khác.

“Do hàng nhập từ bên ngoài về nên lợi nhuận cũng sẽ được mang đi nơi khác; những nghệ nhân, thợ làng nghề địa phương sẽ không thu được lợi gì, thu nhập ngày càng bị bỏ lại phía sau. Với tốc độ như hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn nữa những giá trị truyền thống, những kỹ thuật sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đi kèm với đó là những cái hồn của làng nghề, của nông thôn, của bản sắc sẽ mất”, ông Fumio Kato phân tích.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, việc nhiều hàng thủ công mỹ nghệ xuất xứ nơi khác được bày bán chiếm số lượng lớn ở Hội An là tất yếu. Đây là thực tế xuất phát từ quy luật cung cầu của thị trường, khách mua thì dân nhập về bán, thành phố khó có thể can thiệp được. Hiện, Hội An chỉ tập trung vào 4 mặt hàng chính gồm: đèn lồng, gốm đỏ, tre dừa nước và may mặc; còn lại tùy nhu cầu của khách để người bán nhập hàng.

“Không phải mình đầu tư một cách tràn lan mà phải tập trung vào sản phẩm chủ chốt mình có thế mạnh. Nếu không, khi xây dựng chính sách sẽ đi lạc hướng, vừa tốn tiền bạc vừa không hiệu quả. Nói chung, sự tồn tại của hàng hóa chịu sự điều tiết của quy luật cung - cầu và quy luật bản sắc. Khi sản phẩm mình có bản sắc thì không ai có thể cạnh tranh được”, ông Sơn lý giải.

Với mục đích xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm thủ công truyền thống, bảo vệ quyền và lợi ích của hộ sản xuất, làng nghề cũng như các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công trên địa bàn, ngày 31-5-2016, Sở Công thương Quảng Nam đã phối hợp cùng Sở VHTT-DL tổ chức công bố 34 sản phẩm thủ công mỹ nghệ được dán “con dấu xác thực” - Crafted in Quang Nam. Bộ sản phẩm đầu tiên này gồm 34 đồ thủ công mỹ nghệ đến từ 12 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đăng ký đóng dấu xác thực. Con dấu được giao cho Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam quản lý. Tuy nhiên, do việc quản lý, giám sát con dấu sau khi triển khai chưa hiệu quả nên việc này cũng chìm vào quên lãng.

Các tin khác