Kỳ vĩ Hoa Sơn đại núi

(ĐTTCO) - Nhắc đến du lịch Trung Hoa, ngoài những di tích cổ còn phải kể đến các thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Trong đó, danh lam Hoa Sơn là một địa danh vốn thu hút khách du lịch bậc nhất vì sở hữu quang cảnh ngoạn mục tuyệt mỹ, nhưng cũng ẩn chứa tín ngưỡng huyền hoặc và những câu chuyện văn học gắn liền với những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn lừng danh Kim Dung.

Kỳ vĩ một cách kỳ lạ
Nằm cách thủ phủ Tây An 100km về phía Đông thuộc tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc, núi Hoa Sơn thuộc dãy Tần Lĩnh chưa bao giờ vắng bóng khách tham quan. Hoa Sơn thuộc danh sách Ngũ Nhạc Danh Sơn, tức 5 ngọn núi gắn liền với lịch sử cổ đại Trung Hoa qua nhiều triều đại bao gồm: Thái Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn và Tung Sơn.
Kỳ vĩ Hoa Sơn đại núi ảnh 1  
Hoa Sơn nếu nhìn từ trên cao xuống sẽ có hình ảnh như một bông hoa đang xòe cánh nên có tên gọi là Hoa Sơn. Ngoài ra ngọn núi được cấu tạo hoàn toàn bằng đá hoa cương, nên tạo hình của một núi trông vừa kỳ lạ, bắt mắt nhưng cũng lắm những hiểm nguy. Hoa Sơn chia ra thành 5 đỉnh: Bắc, Nam, Tây, Đông và một đỉnh nằm ở giữa. Trong đó đỉnh cao nhất là Nam Phong hay Lạc Nhạn cao đến 2.154m.
Chính vì sự cheo leo, trắc trở và nguy hiểm nên Hoa Sơn là một đại thử thách cho những nhà leo núi và những ai yêu thích du lịch vận động mạo hiểm. Ước tính hàng năm có đến hàng chục người tử nạn khi cố gắng chinh phục ngọn núi này. Vẻ đẹp nào cũng ẩn chứa nhiều hiểm nguy, nhưng Hoa Sơn chưa bao giờ khiến các du khách phải khước từ trước cảnh quan tuyệt đẹp. 
Kỳ vĩ Hoa Sơn đại núi ảnh 2  
Nếu có dịp chinh phục núi Hoa Sơn bằng cách leo núi truyền thống, bạn sẽ có dịp trải nghiệm đi trên những nấc thang cổ được đục thẳng vào vách núi vô cùng thẳng đứng và cheo leo, du khách phải bám vào các dây xích để leo lên. Những nấc thang vô cùng hẹp chỉ đủ chỗ cho một người đứng. Ngoài ra, khi đứng ở các đỉnh của Hoa Sơn bạn sẽ có thể quan sát sự hùng vĩ của ngọn núi, với những vách đá cao ngất trời lúc nào cũng ngập trong biển mây.
Kỳ vĩ Hoa Sơn đại núi ảnh 3  
Đặc biệt hơn, qua những cung đường hiểm nguy kết nối giữa các đỉnh lại với nhau mà người ta gọi đó là sống lưng của rồng, với hình dáng một con rồng khổng lồ đang nằm hay còn gọi là sống núi Càng Long. Ngày xưa để vượt qua sống lưng rồng này du khách phải bò trước khi có các bậc thang như ngày nay. Tương truyền rằng ngày xưa có một thi nhân vì muốn chiêm ngưỡng cảnh đẹp Hoa Sơn nhưng khi đứng trước sự hùng vĩ đáng sợ của sống núi Càng Long, đã phải bật khóc và viết một lá thư thả xuống ngọn núi để cầu cứu.
Kỳ vĩ Hoa Sơn đại núi ảnh 4  
Du khách đến Hoa Sơn còn được ngắm những cây tùng bách trăm năm mọc thẳng đứng trên những vách núi đá, ngắm những con suối trong lành len lỏi qua những khe núi. Hoa Sơn còn sở hữu những cung đường nguy hiểm nhất thế giới.
Kỳ vĩ Hoa Sơn đại núi ảnh 5  
Một là những bậc thềm đá cổ đại, được tuyên truyền là cung đường nguyên thủy mà các cao nhân ngày xưa lên núi để tu tiên. Hai là cung đường vách gỗ tân thời, do con người đóng thẳng vào các vách đá cao cheo leo ở lưng chừng núi hơn 2.000m cho các du khách thích cảm giác mạnh để chinh phục, khách sẽ phải trả một số tiền phụ thu.Lừng danh trong tín ngưỡng và văn học
Dọc theo cung đường lên núi, du khách sẽ đi qua những ngôi đền có kiểu kiến trúc Trung Hoa, bởi chính nơi này được xem là nơi hình thành Đạo Lão ở Trung Quốc, khi nơi này từng là chốn ở ẩn của Lão Tử - một triết gia nổi tiếng của đất nước. Chính vì vậy, đây còn là nơi “hành hương” của các tín đồ đạo Giáo khi người ta đến viếng các đền đài và để tu tịnh trên ngọn núi thiêng.
Còn trong văn học Xạ điêu tam bộ khúc, ngọn núi xuất hiện trong bộ tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung với danh hiệu Hoa sơn luận kiếm. Được chọn là nơi tỉ thí võ công, là một sự kiện đặc biệt của giới võ lâm lúc bấy giờ.
Chỉ những cao thủ có võ công cao cường nhất mới được lên núi Hoa Sơn để tranh tài. Năm người mạnh nhất sẽ được gọi là Thiên hạ ngũ tuyệt, đại diện cho năm phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm. Tại Hoa Sơn ngày nay, người ta còn cho dựng tấm bia bằng đá có nhan đề “Hoa sơn luận kiếm”, du khách đến đây đều không quên chụp ảnh làm kỷ niệm trong những trang phục cổ trang được cho thuê trong những quầy hàng gần đó.
Chính vì lịch sử và cảnh quan hùng hồn mà Hoa Sơn được Unesco công nhận là di sản thế giới  vào năm 1990. 
Gợi ý lộ trình chinh phục đại thử thách Hoa Sơn
Từ Việt Nam, du khách có thể đáp chuyến bay đến thành phố Tây An hoặc nhà ga Tây An, sau đó đến bến xe trung tâm mua vé xe buýt đến chân núi Hoa Sơn (khoảng 3-4 tiếng ngồi xe). 
Giá vé tham quan Hoa Sơn là 100NDT (350.000 đồng) mùa thấp điểm (tháng 12 - 2) và là 160NDT (550.000 đồng) mùa cao điểm (tháng 3 – 11).  Tránh đi vào mùa đông vì đường núi trơn trượt và lạnh giá vô cùng nguy hiểm.
- Với những người yêu thích khám phá sẽ đi bộ lên núi vào buổi chiều, sau đó ngủ lều trên đỉnh núi để sáng hôm đón bình minh. Ước tính thời gian leo núi đến đỉnh giữa của Hoa Sơn từ chân núi khoảng 8 tiếng.
- Có hai hướng để đi lên núi là đường bộ hoặc cáp treo. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và công sức du khách có thể đi lên bằng cáp treo rồi đi bộ xuống hoặc đi cáp treo khứ hồi. Hiện có 2 tuyến cáp đang hoạt động: cáp treo lên đỉnh phía Nam và cáp treo trên đỉnh phía Đông. Du khách có thể đi cáp treo lên núi bằng một trong 2 tuyến trên rồi đi xuống ở hướng cáp còn lại. Thời gian đi bộ giữa 2 tuyến cáp là 2 giờ đồng hồ. Giá cáp treo một chiều đỉnh Nam 80NDT (260.000 đồng) và đỉnh Đông là 140NDT (485.000 đồng), vì đoạn cáp ở đỉnh Đông có cảnh hùng vĩ hơn rất nhiều.
- Với du khách muốn chinh phục những vách ván gỗ cheo leo lưng chừng núi có thể qua đỉnh phía Tây. Tuy nhiên, bạn sẽ phải xếp hàng đợi đến lượt mình nên mất khá nhiều thời gian. Dự tính thời gian tham quan Hoa Sơn mất 1 ngày và để có thời gian thoải mái thì du khách nên nghỉ qua đêm tại chân núi để hôm sau quay về Tây An.
- Một số thắng cảnh gần Hoa Sơn mà du khách có thể thưởng ngoạn trong một lần viếng thăm Thiểm Tây là Hoa Thanh Trì (nổi tiếng với mỹ nhân Dương Quý Phi thời Đường), lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Đại Nhạn Tự (ngôi chùa lưu giữ bộ kinh của Đường Huyền Trang Tam Tạng thỉnh về từ Tây thiên) và cố đô Tây An.

Các tin khác