Kích cầu du lịch từ chính sách hoàn thuế

(ĐTTCO) - Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hàng hóa của du khách nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh được áp dụng từ năm 2014, là phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển của thế giới. 
Tuy nhiên, việc triển khai chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi khi du khách vẫn chi tiêu ít. Đây là điểm nghẽn của du lịch Việt Nam nên cần có giải pháp tháo gỡ để kích cầu du lịch.
Tìm nguyên nhân
Ngày 30-5-2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 72/2014/TT-BTC quy định về việc hoàn thuế GTGT cho hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh. Chính sách này nhằm đem lại những lợi ích cho doanh nghiệp (DN) như cơ hội tăng doanh thu do bán được nhiều hàng hóa, cơ hội quảng bá giới thiệu hàng hóa của mình ra các nước.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện việc hoàn thuế GTGT, theo báo cáo của hải quan một số tỉnh, thành, có thể thấy việc thực hiện chính sách này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân đến từ 2 phía. 
Thứ nhất từ DN bán hàng hoàn thuế, đóng vai trò quyết định hiệu quả trong chính sách hoàn thuế, nếu không thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì mục tiêu Nhà nước đặt ra với chủ trương này sẽ không đạt được. Thực tế cũng cho thấy, hiện nay phần lớn DN bán hàng hoàn thuế GTGT đều chưa thực hiện nghĩa vụ cập nhật thông tin hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế vào hệ thống hoàn thuế điện tử, khiến hải quan phải thực hiện nhập chứng từ, mã hàng bằng phương pháp thủ công, dễ dẫn đến sai sót và mất thời gian, công sức.
Đồng thời việc cập nhật danh sách DN bán hàng hoàn thuế trên trang thông tin điện tử của một số cục thuế tỉnh, thành phố vẫn chưa đầy đủ, cũng khiến cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc xác định DN bán hàng hoàn thuế. 
Bên cạnh đó, hình thức hóa đơn bán hàng vẫn chưa thống nhất, rõ ràng về nội dung, thông tin hóa đơn chưa thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của phụ lục 3 Thông tư 72/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoàn thuế GTGT, đã gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, xác nhận thông tin trong hóa đơn, tờ khai, đối chiếu hàng hóa. Cùng với đó, nhân viên bán hàng của DN bán hàng hoàn thuế GTGT hầu hết chưa nắm các quy định về hoàn thuế GTGT, dẫn đến việc không hướng dẫn, giải thích cụ thể về các quyền và thủ tục được hoàn thuế cho khách du lịch khi họ mua hàng tại các cửa hàng này. 
Thứ hai, cơ quan quản lý thuế chưa quan tâm đến việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về hoàn thuế GTGT. Theo đó, chúng ta rất khó để tìm thấy các khẩu ngữ, các hướng dẫn về quyền của người nước ngoài được hoàn thuế GTGT khi du lịch mua sắm tại Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng người nước ngoài có thể lầm tưởng Việt Nam không thực hiện chính sách hoàn thuế GTGT như nhiều quốc gia trên thế giới. 
Kích cầu du lịch từ chính sách hoàn thuế ảnh 1 Muốn du khách chi tiêu người bán phải giải thích và làm hộ các thủ tục hoàn thuế GTGT. Ảnh: P.LONG 
Giải pháp đề xuất
Hiện nay, vấn đề xử phạt đối với hành vi vi phạm không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, hóa đơn để xác định nghĩa vụ thuế được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 10 Thông tư 166/2013/TT-BTC. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 1,4 triệu đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 800.000 đồng, hoặc có tình tiết tăng nặng mức tiền phạt tối đa không quá 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, quy định này nếu áp dụng vào trường hợp hoàn thuế GTGT cho khách du lịch vẫn còn chung chung, vì chưa xác định rõ ai là người có lỗi trong việc cung cấp thông tin, hóa đơn hàng hóa. Bởi lẽ có 2 chủ thể cung cấp thông tin để xác định nghĩa vụ hoàn thuế, là người bán hàng cung cấp thông tin, hàng hóa cho khách du lịch mua hàng, và khách du lịch mua hàng cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục hoàn thuế GTGT. 
Vì đặc tính hoàn thuế GTGT cho khách du lịch là các thông tin về hóa đơn, chứng từ hàng hóa để du khách làm cơ sở thực hiện thủ tục hoàn thuế phải chính xác và đúng mô tả hàng hóa. Vì thế, để tránh tình trạng DN kê khai sai thông tin làm ảnh hưởng đến việc hoàn thuế GTGT của du khách, cần quy định rõ trách nhiệm của DN bán hàng hoàn thuế GTGT khi thực hiện kê khai thông tin không chính xác. Điều này tạo thuận lợi cho các khâu tiếp theo của quy trình hoàn thuế GTGT được thuận tiện, giúp cơ quan có thẩm quyền dễ dàng quản lý. 
Về phía DN cần xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng được đào tạo chuyên nghiệp, nắm vững các quy định của luật hiện hành. Thông qua hoạt động bán hàng, nhân viên sẽ truyền đạt và hướng dẫn du khách các quy định hoàn thuế. Bên cạnh đó DN cũng cần có cơ chế quản lý nhân viên phù hợp để hạn chế tình trạng nhân viên bán hàng không thực hiện các quy định về lập hóa đơn dẫn đến sai sót thông tin làm cho khách hàng không thực hiện được thủ tục hoàn thuế GTGT. 
Về phía cơ quan quản lý nhà nước nên có những biện pháp tuyên truyền rộng rãi tại sân bay về chính sách hoàn thuế GTGT, giúp du khách nước ngoài biết khi đến Việt Nam du lịch và mua sắm sẽ có quyền được hoàn thuế GTGT. Hy vọng với những giải pháp này, việc thực thi và áp dụng chính sách hoàn thuế GTGT cho hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh sẽ có những thay đổi tích cực, nhằm kích thích du khách đến Việt Nam gia tăng mua sắm, kích cầu ngành du lịch phát triển bền vững.

Các tin khác