Hình ảnh du lịch Việt đang biến tướng

(ĐTTCO) - Đang vào mùa cao điểm du lịch hè nhưng liên tiếp xảy ra những vụ việc như chặt chém, lừa đảo du khách nước ngoài, đặc biệt là chuyện Hạ Long “ngăn sông cấm chợ”, đã tạo nên những hình ảnh xấu về du lịch Việt. 

Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với ông TRẦN THẾ DŨNG, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ. 

PHÓNG VIÊN: - Là người gắn bó nhiều năm với các tour du lịch biển, ông bình luận gì về những sự việc liên tiếp xảy ra gần đây ở Đồ Sơn, Cát Bà (Hải Phòng) cũng như tại Hạ Long (Quảng Ninh)?
Ông TRẦN THẾ DŨNG: - Trước tiên phải nhìn nhận rằng những vùng biển khu vực phía Bắc như Cô Tô, Hạ Long, Cát Bà có đặc thù 1 năm chỉ kinh doanh được vài tháng hè với lượng khách rất đông. Chính điều này dễ nảy sinh tình trạng chặt chém, như người ta thường nói “chín tháng mài dao ba tháng chém”. Nếu nhìn ở góc độ tích cực, cũng có thể thông cảm cho các đơn vị làm du lịch ở những khu vực này, khi cầu tăng cao hơn cung gấp nhiều lần vào mùa cao điểm. Song chặt chém quá lố như việc nhóm du khách ăn hải sản phải trả thêm 500.000 đồng tiền ghế ngồi là không thể chấp nhận, phải ngăn chặn ngay. Để giải quyết triệt để tình trạng này các cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh hơn. 
Một sự việc khác cũng hết sức đáng tiếc, 1 du khách Australia đã chia sẻ lại cảm giác bị lừa của mình trên facebook cá nhân (và sau đó một số trang tin trong và ngoài nước dẫn lại) khi đi trên một chiếc tàu chất lượng kém ở Cát Bà. Vụ việc này đã làm ảnh hưởng chung đến hình ảnh du lịch Cát Bà, Hạ Long. Nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, khi tôi đến Cát Bà cách đây ít hôm nhiều người làm du lịch cũng lên án sự việc này. Đáng tiếc nhất là sau vụ việc này, Quảng Ninh lại không cho thuyền từ Cát Bà (Hải Phòng) đưa khách sang tham quan Hạ Long. Việc này nếu không giải quyết dứt điểm, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của du lịch Việt Nam nói chung. 
- Ông nghĩ gì về việc Hạ Long “ngăn sông cấm chợ”, cũng như việc du khách nội bị chặt chém?
- Gắn bó với vùng biển này nhiều năm, tôi hiểu rõ giữa Cát Bà và Hạ Long lâu nay khá căng thẳng trong chuyện tàu từ Cát Bà đưa khách qua thăm quan Hạ Long. Hiện khách ở Hải Phòng muốn tham quan Hạ Long phải đi đường bộ sang Quảng Ninh, không thể đi bằng tàu từ Cát Bà sang Hạ Long được. Điều này Hạ Long đang thể hiện sự độc đoán, cần phải lên án vì nó làm ngăn chặn sự phát triển du lịch của vùng biển Đông Bắc. Chủ trương của Tổng cục Du lịch là khuyến khích liên kết vùng, hợp tác giữa các tỉnh thành để phát triển du lịch. Tôi nghĩ Tổng cục Du lịch phải sớm vào cuộc giải quyết vụ việc này một cách dứt điểm. Chúng ta phải triệt tiêu hành động “ngăn sông cấm chợ này”, nhất quyết không được làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.
Hình ảnh du lịch Việt đang biến tướng ảnh 1 Một hình ảnh tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long đang bị chúng ta làm xấu đi trong mắt du khách. 
Dù Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã gửi thư xin lỗi về vụ việc du khách Australia, nhưng đây là lúc ngành du lịch, các cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn trong việc giải quyết các vấn đề của du lịch Việt Nam, cụ thể trong trường hợp này là những tàu thuyền phục vụ khách du lịch. Phải đào tạo về con người, có thanh kiểm tra tàu thuyền xem đã đạt chất lượng hay chưa, triệt tiêu những "con sâu làm rầu nồi canh". Có như vậy du khách nước ngoài khi du lịch tại Việt Nam mới lưu giữ hình ảnh đẹp và muốn quay trở lại. 
Về việc chặt chém du khách, theo tôi du khách nên chủ động tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch mình và gia đình sẽ đi, thông qua các trang web du lịch cũng như của ngành du lịch địa phương. Ngoài ra, các khách sạn ở những khu vực này thường khuyến cáo du khách khi sử dụng dịch vụ bên ngoài. Thông thường du khách bị chặt chém là khách vãng lai, nên việc tìm hiểu thông tin trước là hết sức cần thiết. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác