Đưa văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới

(ĐTTCO)-Ngành du lịch Việt Nam vừa ghi dấu thêm một cột mốc mới: Sau nhiều năm lên dự án, chuẩn bị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam (tại số 18 Trương Định, quận 3, TPHCM).
Khách tham quan gian hàng ẩm thực tại lễ khai mạc Liên hoan “Ẩm thực đất phương Nam"
Khách tham quan gian hàng ẩm thực tại lễ khai mạc Liên hoan “Ẩm thực đất phương Nam"
Khám phá nền văn hóa ẩm thực của quốc gia nơi đặt chân đến luôn là trải nghiệm được ưa thích của du khách quốc tế. Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam mang trọng trách xây dựng một bảo tàng văn hóa ẩm thực Việt cho chính người Việt và du khách quốc tế đến thăm TPHCM.
Các đầu bếp, chuyên gia ở trung tâm còn có nhiệm vụ sưu tập, khôi phục những món ngon đã bị thất truyền; tập huấn, tạo điều kiện cho đầu bếp ra nước ngoài học tập, làm việc, tham gia các cuộc thi ẩm thực; liên kết các tổ chức quốc tế giới thiệu quảng bá văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới. 

Từ tháng 10-2017, du lịch TPHCM sẽ có thêm địa chỉ tham quan mới: du khách quốc tế sẽ được tham gia một tour du lịch ẩm thực đặc biệt. Tại đây, sau khi tham quan, nghe các chuyên gia giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt, du khách sẽ được tham gia các lớp học nấu ăn những món ưa thích; cùng nhau thưởng thức, trải nghiệm các món ăn Việt đặc trưng, theo đúng phong cách Việt. 

Nhận định về ẩm thực Việt Nam, ông Patrick Gaveau, Giám đốc dự án tổ chức cuộc thi “Chiếc thìa vàng”, người đã có khoảng 10 năm gắn bó với Việt Nam, chia sẻ: Đó là tài sản lớn, vốn quý qua nhiều thế hệ của Việt Nam. “Khi chúng ta ngồi lại với nhau, cùng trò chuyện, thì ẩm thực là đề tài không thể tách rời. Chúng tôi thích cách mọi người cùng ngồi ăn chung, chia sẻ các món ăn với nhau, rất khác lạ so với văn hóa phương Tây.
Thêm nữa, việc xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc các món ăn thành phẩm ra nước ngoài của Việt Nam cũng là một trong những cách quảng bá ẩm thực và du lịch. Nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới rất thích ẩm thực Việt. Khi nhắc đến Việt Nam, họ sẽ nhắc ngay tới các món họ từng có dịp thưởng thức, như phở, bún chả, nem cua bể…”, ông Patrick Gaveau nói. Vì vậy, sự xuất hiện Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam sẽ là cột mốc phát triển mới, đánh dấu ngành du lịch Việt ngày càng chuyên nghiệp hơn,  ấn tượng hơn trong mắt bạn bè thế giới. 

Chuyên gia dinh dưỡng Bùi Thị Minh Thủy cho biết, trung tâm đang triển khai các chuyên đề nghiên cứu như: Ẩm thực Việt qua các thời kỳ; Ứng dụng nghiên cứu gia vị tự nhiên trong chế biến món ăn; Phát triển món ăn Việt Nam theo khuynh hướng hội nhập quốc tế; Món chay Nam bộ… Trung tâm còn ấp ủ dự án nâng cao giá trị gia tăng cho mứt, dừa và kẹo chuối ở Bến Tre, củ gừng ở Đồng Nai…
Bà Minh Thủy tâm sự: “Tới vùng quê dừa Bến Tre, thấy bà con lao động vất vả nhưng giá trị gia tăng của sản phẩm thấp quá. Với vùng đất Đồng Nai cũng vậy, gừng nhiều, giá rẻ, nên bà con để thối, không biết sử dụng thế nào. Thực tế này đã đặt ra cho trung tâm trách nhiệm chia sẻ gánh nặng với bà con, thông qua việc hỗ trợ người dân chế biến các sản vật địa phương thành những món ăn đóng hộp xuất khẩu, qua đó giúp cải thiện cuộc sống”. 

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, sức hút của ẩm thực Việt Nam đối với bạn bè quốc tế rất lớn. “Đến tham quan bảo tàng, du khách không chỉ nghe, nhìn văn hóa ẩm thực Việt, các món ăn đặc sản địa phương, các món ăn ngon, đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, chúng tôi sẽ biến những trải nghiệm này sống động hơn bằng cách cho du khách xem các đầu bếp trổ tài, họ có thể mãn nhãn với việc nhìn, học và nếm, ăn thử… Hy vọng hình ảnh và ấn tượng với du lịch Việt Nam qua chuyến trải nghiệm khám phá ẩm thực, sẽ lưu lại trong lòng du khách lâu hơn, là chất xúc tác để đưa hình ảnh du lịch Việt đi xa hơn trên bản đồ du lịch thế giới”, bà Khánh cho biết.

Các tin khác