Du lịch thời công nghệ số

(ĐTTCO) - Xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để ra quyết định cho chuyến đi và các hoạt động du lịch ngày càng gia tăng. 
Hơn 40% các lệnh tìm kiếm du lịch trực tuyến được thực hiện từ điện thoại cầm tay, 66% đơn đặt hàng được thực hiện trực tuyến trong năm 2014 (khảo sát của Resonance Consultancy). Các ứng dụng trên điện thoại thông minh như tìm địa điểm, đặt phương tiện đi lại, dịch vụ giải trí… đang dần thay thế các chức năng của bộ phận hướng dẫn khách hàng tại khách sạn.
Châu Á điểm đến hấp dẫn
Để thực sự tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 và  biến đó thành lợi thế, năng lực cạnh tranh, ngành du lịch cần phải có chiến lược phù hợp. Cần bắt đầu từ việc cơ bản nhất là số hóa dữ liệu, và tiếp đó thay đổi mô hình kinh doanh và quản lý ngành du lịch.
Ông Nguyễn Thế Trung
Tổng giám đốc CTCP Công nghệ DTT
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ngành du lịch vào những vận hội, thách thức mới. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho biết: “Trong năm 2016 có 1,2 tỷ lượt người trên thế giới đi du lịch.
Trong năm 2017, du lịch toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp tình hình bất ổn, khủng hoảng, dịch bệnh. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Khách du lịch có xu hướng lựa chọn các điểm đến được trải nghiệm cùng người dân bản địa. Để thu hút khách, ngành du lịch, nhất là các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần có thông tin định hướng làm cơ sở để có kế hoạch, chiến dịch phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Và chính cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là một trong những giải pháp tốt nhằm tạo ra những bước phát triển vượt bậc đưa du lịch Việt Nam hòa nhập thế giới”. Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ số vào du lịch là cách hỗ trợ cho du lịch tiếp cận các xu hướng mới, nhu cầu mới, giúp làm thế nào đi nhanh hơn, tiếp cận nhanh hơn, thỏa mãn nhu cầu của du khách tốt hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn. “Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội lớn trở thành ngành công nghiệp lớn nhất khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay thế sức lao động, giúp con người có nhiều thời gian để đi du lịch” - TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh. So với một số điểm đến cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia có xu hướng đã quá quen thuộc với các thị trường nguồn, trong khi Việt Nam vẫn là điểm đến còn nhiều giá trị mới chưa được khai thác. Chính vì vậy chất lượng điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam phải ngày càng nâng cao, nhiều thương hiệu điểm đến đã được khẳng định như Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình, Sa Pa, Quảng Bình, Nha Trang, TPHCM, Phú Quốc… cạnh tranh mạnh mẽ với các điểm đến trong khu vực. Nhưng để tạo được dấu ấn, dẫn du khách quyết định lựa chọn là điểm đến cần có nhiều hơn những thông tin đáp ứng nhu cầu lựa chọn của từng đối tượng du khách. 
Du lịch thời công nghệ số ảnh 1 Tham gia zipline đu dây trên không giữa dòng sông Chày (Quảng Bình).  
Nắm bắt xu hướng
Internet đã trở thành một phương tiện rất thuận lợi giúp người dân địa phương và du khách có thể kết nối trực tiếp. Vì vậy xu hướng các mạng lưới trung gian ngày càng giảm dần hoặc phải thay đổi để đáp ứng các nhu cầu mới của du khách và cộng đồng. Đồng thời, những phương cách quản lý truyền thống sẽ không hiệu quả nếu không khai thác được hệ thống thông tin toàn cầu được kết nối sâu rộng. Đồng tình với quan điểm này ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, cho rằng việc tìm kiếm thông tin du lịch trên mạng đang là xu hướng được ưa chuộng. Lượt tìm kiếm liên quan đến kinh nghiệm đi du lịch các địa điểm, nhà hàng, khách sạn được tìm kiếm trên các website diễn đàn hoặc trao đổi qua mạng xã hội cũng tăng vọt. Vì thế để cạnh tranh thu hút khách giờ đây không thể chỉ dựa vào tiềm lực tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, mà còn phải nhận biết nhu cầu, xu hướng mới trong thị hiếu của du khách. Sự phát triển của các mạng xã hội như facebook đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm cũ về marketing trong du lịch. Du khách sẽ tìm hiểu thông tin tham khảo về điểm đến trước mỗi chuyến đi, trên mạng xã hội, qua người thân, bạn bè, các nhóm chuyên về du lịch hoặc qua các “check in”, “tag” những địa điểm nổi tiếng trên facebook mà không cần tham khảo các hình thức quảng cáo truyền thống.
Trong những chuyến đi du khách thường chụp hình tại điểm đến để khoe với bạn vè và chia sẻ những cảm nhận về chuyến đi trên mạng xã hội. Vì thế ngành du lịch không chỉ nắm bắt các xu hướng mới, cần phải có những thay đổi phù hợp trong việc marketing, xây dựng sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Mô hình thành phố du lịch thông minh

Nắm bắt nhu cầu này, một số địa phương đã có những bước chuyển theo xu hướng chung của du lịch thế giới. Hà Nội được coi là một trong những điểm đến tiên phong nỗ lực xây dựng hình ảnh thành phố du lịch thông minh.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết Sở đang xúc tiến với các đối tác nghiên cứu phần mềm quản trị và hình thức xây dựng loại hình du lịch thông minh, cố gắng hoàn thành trong năm 2018, sớm đưa vào phục vụ du khách. Khi phần mềm này đi vào hoạt động khách du lịch đến Hà Nội, cả khách trong nước và quốc tế, sẽ không phải sử dụng bất kỳ giấy tờ nào.
Hay như dự án khởi nghiệp Trustpay với hệ thống thẻ du lịch thông minh Citipass đang được triển khai tại huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ. Với thẻ du lịch thông minh Citipass du khách sẽ có thể thanh toán nhanh Tap&Pay, cashback hoàn tiền… tại 14 điểm vườn và các vựa trái cây lớn tại Phong Điền, như một công cụ thúc đẩy mô hình du lịch thông minh tại địa phương.

“Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra nhiều lựa chọn cho chuyến du lịch, kết hợp với sự phân tích dựa trên mọi dữ liệu về khách hàng, tạo lập chuỗi giá trị và cung cấp các loại hình và hoạt động du lịch theo đúng sở thích của từng khách du lịch. Công nghệ có thể tính toán được xu hướng nhu cầu của khách đối với loại hình du lịch nào, sở thích về các hoạt động trong các chuyến đi, địa điểm, hình thức mua sắm, hay loại cơ sở lưu trú nào khách thường lựa chọn” - Đỗ Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, chia sẻ.

Có thể nói, khai thác các ứng dụng công nghệ số trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với ngành du lịch để tránh tụt hậu. Theo khảo sát, trong khi nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước đã bắt nhịp trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản trị, phát triển du lịch, các cơ quan nhà nước lại chưa thực sự ý thức được sự cần thiết, tham gia hạn chế vào lĩnh vực này, do đó mô hình và cách thức quản lý lạc hậu, không theo kịp phát triển ngành và yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Các tin khác