Du lịch tăng trưởng nhưng thiếu chất

(ĐTTCO)-Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) về “Điểm nhấn du lịch 2018”, Việt Nam xếp thứ 3 trong tốp 10 nước có tốc độ tăng trưởng du khách quốc tế nhanh nhất thế giới năm 2017.
Du khách tham quan, tìm hiểu tour du lịch tại một hội chợ quốc tế vừa diễn ra ở TPHCM
Du khách tham quan, tìm hiểu tour du lịch tại một hội chợ quốc tế vừa diễn ra ở TPHCM

Điều này cho thấy sự nỗ lực của ngành du lịch nói chung, sự năng động của chính các công ty lữ hành nói riêng, trong việc nâng chất sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Tuy vậy, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, những con số này chưa khiến những người làm nghề thực sự hài lòng.

Làm tốt những điều nhỏ 

Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 10,4 triệu lượt, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thực sự ấn tượng, nhưng để tăng trưởng bền vững vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Cụ thể, trong số hàng chục cuộc hội thảo lớn nhỏ bàn cách phát triển du lịch TPHCM diễn ra từ đầu năm 2018 đến nay, các đóng góp ý kiến trong nước và quốc tế đều khuyến nghị ngành du lịch hãy làm tốt từ những điều nhỏ. Chẳng hạn, niềm nở với khách, không “chặt chém” du khách, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường… 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, dẫn chứng trong năm 2017, bình quân một người dân Thái Lan đón khoảng 0,46 du khách (1-0,46); tỷ lệ này ở Malaysia là 1-1; Singapore 1-3,15; Lào 1-0,56; Campuchia 1-0,35; còn tại Việt Nam chỉ là 1-0,14. Vậy làm thế nào để nâng tỷ lệ này, thu hút khách, khiến khách chi tiêu nhiều hơn?

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, kinh nghiệm của Bangkok (Thái Lan) cho thấy, nơi đây đảm bảo môi trường an ninh, an toàn cho du khách rất tốt; đồng thời kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, quyền lợi của khách luôn được đề cao.

Ví dụ, tại các điểm tham quan như Trung tâm Nghiên cứu rắn độc hoàng gia, nếu khách muốn mua các loại thuốc chiết xuất từ nọc rắn thì phải có bác sĩ khám bệnh cẩn thận. Hoặc Trung tâm Chế tác đá quý ở Bangkok cam kết thu mua lại sản phẩm bất kỳ lúc nào khách có nhu cầu.

Chính sách bảo hành, thu mua sản phẩm của du khách cũng được triển khai ở rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực cũng như trên thế giới (Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Mỹ…) nhằm thu hút khách, giữ uy tín trên thương trường. 

Cách nay vài ngày, trao đổi với báo chí, đại diện Hiệp hội Du lịch Nhật Bản khẳng định rằng du khách Nhật Bản rất thích Việt Nam. Đáng chú ý, khoảng 50% tổng lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam đều ghé thăm TPHCM. Phân tích từ vị đại diện này thì người Nhật cực kỳ thích các khu nghỉ dưỡng ven biển, các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam.

Chẳng hạn như phố cổ Hội An (Quảng Nam), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Với TPHCM, nơi đây “quyến rũ” khách bởi ẩm thực, mua sắm, các hoạt động ngoại khóa... Tuy nhiên, có một thách thức lớn chính là số lượng khách đã từng đến và quay trở lại TPHCM khá ít.

Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội Du lịch Nhật Bản khuyến nghị TPHCM nên nâng cao chất lượng hướng dẫn viên tiếng Nhật; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, tại Nhật Bản; đồng thời Việt Nam cũng nên xem xét kéo dài thời hạn miễn visa cho khách theo hướng mở (một visa nhiều điểm đến)…

Khơi gợi bản sắc, giá trị cốt lõi 

Trăn trở bàn cách phát huy, khai thác lợi thế sẵn có của du lịch Việt Nam, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, Hiệp hội Du lịch TPHCM, đánh giá: Với thế mạnh của một dân tộc có truyền thống về tư duy thẩm mỹ, về khả năng sáng tạo nghệ thuật; với những di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận trên toàn thế giới (quan họ, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử…) thì lẽ ra TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, đã rất nổi tiếng về các chương trình du lịch nghệ thuật.

Sài Gòn - TPHCM từng là một trung tâm hội lưu, trong đó có các “đặc sản” nghệ thuật mang đậm nét đặc thù địa phương như hát bội, cải lương… Tuy nhiên cho đến nay, nhìn chung đó vẫn còn là những tài nguyên hơn là những sản phẩm du lịch được đầu tư nghiêm túc, đạt hiệu quả thật sự. 

Song song với việc đưa ra các chương trình du lịch nghệ thuật đặc sắc, các chuyên gia cũng cho rằng du lịch TPHCM nên truyền tải tích cực bằng các thông điệp về du lịch. PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), góp ý rằng thông điệp của một điểm đến được hình thành từ nhiều cách.

Thông thường ngụ ý bản sắc hoặc một phần giá trị cốt lõi nổi bật của thương hiệu điểm đến mà du khách sẽ trải nghiệm và cảm nhận được khi đến.

Chẳng hạn, một số thông điệp du lịch của các nước đã chiếm vị trí quan trọng trong tâm trí của du khách như “Happiness on Earth - Amazing Thailand - Experience Variety” (Thái Lan); “100% Pure New Zealand” - nói đến môi trường trong lành 100% thuần khiết, cùng với sự khẳng định một thiên đường du lịch dã ngoại; “Malaysia Truly Asia” - châu Á đích thực… 

“Tuy không có nhiều lợi thế về tự nhiên nhưng TPHCM có lợi thế đường sông trong lòng đô thị, nhiều công viên và những khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị. Đây chính là điểm nhấn tạo nên sự hài hòa, hấp dẫn hiếm có. Trong thời gian tới, bên cạnh City tour, TPHCM cần có các tour du lịch ngắn có chủ đề. Sự đổi mới, đặc trưng và hấp dẫn liên tục trong trải nghiệm là yếu tố quan trọng kéo dài thời gian lưu trú cho du khách. Ví dụ, một số tour mang tên Khát vọng độc lập, Tinh hoa hội tụ, Câu chuyện một dòng sông, Sài Gòn qua các con phố chẳng hạn”, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy đề xuất.

TPHCM vẫn còn thiếu những chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du lịch quy mô lớn, chẳng hạn như “Tiffany’s show” ở Pattaya (Thái Lan), hoặc các chương trình biểu diễn hoành tráng của công viên Trung Hoa Cẩm Tú tại Thâm Quyến (Trung Quốc).

Các tin khác