Du lịch Quảng Nam thu hút khách Hàn Quốc, Trung Quốc

(ĐTTCO)-Bảy tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đến Quảng Nam ước đạt 4,43 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: khách quốc tế ước đạt hơn 2,8 lượt, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2017, đa phần là khách Hàn Quốc, Trung Quốc.
Dòng khách châu Âu được xác định là dòng khách truyền thống ổn định của du lịch Quảng Nam
Dòng khách châu Âu được xác định là dòng khách truyền thống ổn định của du lịch Quảng Nam
Tại TP Hội An, trung tâm du lịch Quảng Nam, dòng khách đến từ thị trường Đông Bắc Á chiếm số lượng khá lớn. Chỉ riêng khu rừng dừa nước Cẩm Thanh, khách Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm gần 70% tổng cơ cấu khách tham quan.

Theo ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, Trưởng Ban quản lý du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh, trong số khoảng 1500 khách đến khu rừng dừa mỗi ngày, khách Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm hơn 1000 người.

Ông Linh cho biết, khách chia thành hai nhóm rõ rệt, buổi sáng là khách Trung, buổi chiều tầm 14 giờ đến 17 giờ là khách Hàn.

Tại Đà Nẵng, thống kế 7 tháng đầu năm gần 1 triệu lượt du khách Hàn Quốc đã đến tham quan thành phố, tăng hơn 107% so với cùng kỳ, chiếm trên 50% tổng cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng; riêng khách Trung Quốc đạt hơn 500 nghìn lượt, tăng 36% so với cùng kỳ.  Hiện, Đà Nẵng có 29 đường bay quốc tế trực tiếp, trong đó có 16 chuyến từ Trung Quốc với tần suất 79 chuyến/tuần; bốn chuyến bay từ HQ, tần suất 127 chuyến/tuần. Ngoài ra, lượng khách tàu biển, chủ yếu là quốc tịch Trung Quốc cũng tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Không ít ý kiến cho rằng, khách Hàn Quốc, Trung Quốc gia tăng là điều tốt, nhất là trong thời điểm giao mùa của du lịch Quảng Nam. Ông Võ Văn Vân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, nếu trước kia thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 được xem là điểm lặng của du lịch Quảng Nam khi mùa khách nội địa đã giảm nhưng mùa khách Tây chưa tới, thì nay với thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc “tràn” vào sẽ giúp doanh nghiệp du lịch địa phương duy trì hoạt động ổn định.
“Một số người cho rằng khách Hàn Quốc chỉ sử dụng dịch vụ khép kín trong tour do đối tác là người Hàn Quốc điều hành như ăn nhà hàng Hàn Quốc, ở khách sạn Hàn Quốc và mua sắm tại các siêu thị Lotte Hàn Quốc… địa phương không được hưởng gì cả. Nhưng theo tôi đó chỉ là một bộ phận vì thực tế thời gian qua vẫn có các nhóm khách, gia đình lưu trú lại Hội An, và khả năng chi tiêu cũng tương đối cao”, ông Vân cho biết.
Sở hữu các di sản văn hóa thế giới và thiên nhiên như khu phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trự sinh quyển Cù Lao Chàm cùng những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn khác. Trong chiến lược phát triển du lịch của mình, tỉnh Quảng Nam xác định tập trung vào các loại hình du lịch có lợi thế là văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch làng nghề, cộng đồng; nghỉ dưỡng, trải nghiệm các dịch vụ thể thao tại biển đảo… đối tượng hướng đến chủ yếu là thị trường khách châu Âu.
Ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Hoa Hồng (Hội An) cho rằng, mặc dù không phân biệt đối xử thị trường khách, tuy nhiên cần phải xây dựng sản phẩm phù hợp với đặc thù và lợi thế địa phương, đặc biệt hướng về thị trường khách châu Âu, Úc, Bắc Mỹ vì đây là những dòng khách truyền thống và bền vững.
“Quảng Nam phải có những khu vực, sản phẩm dành cho khách châu Âu vui chơi, nghỉ dưỡng vì khách châu Âu thích những sản phẩm nhẹ nhàng, có hàm lượng văn hóa cao. Với khách Hàn Quốc, kinh nghiệm cho thấy  thị trường này chỉ tăng trưởng trong một thời gian ngắn rồi chuyển đến nơi khác. Chưa kể hiện nay khách đoàn Hàn Quốc chỉ tham quan phố cổ hoặc rừng dừa Cẩm Thanh xong quay về Đà Nẵng dịch vụ mình không bán được gì cả”, ông Dũng nói.
Theo ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Quảng Nam, dù thống kê 7 tháng đầu năm lượng khách Hàn Quốc, Trung Quốc tăng cao, khách châu Âu chững lại, nhưng không thể hạn chế khách Hàn Quốc, mà điều này cũng không nên và không cần thiết.
“Ngoài tăng cường quảng bá xúc tiến các thị trường khách truyền thống, chúng ta cần xây dựng những sản phẩm thiên về khách châu Âu, Bắc Mỹ thiên về văn hóa truyền thống, sinh thái, làng nghề, nông nghiêp, làng quê, cộng đồng… để hút dòng khách này. Đồng thời, kiến nghị với chính phủ, Bộ Ngoại giao, Tổng Cục du lịch tiếp tục mở rộng việc miễn visa cho một số nước châu Âu vì hiện nay quá ít (15 nước), trong khi Thái Lan đã miễn visa cho 80 nước rồi”, ông Tường chia sẻ.

Ông Phan Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam cho rằng, việc tăng cường quảng bá thị trường khách truyền thống là cần thiết. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ kinh phí đến quan hệ hợp tác với các địa phươn bạn.

“Phần lớn nội dung quảng bá, xúc tiến du lịch hàng năm đều được thực hiện dựa trên chương trình hợp tác liên kết giữa 3 địa phương là Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế. Trong khi mỗi địa phương đều có thị trường khách truyền thống của riêng mình nên khó có sự đồng nhất, còn quảng bá xa thì kinh phí mình không đảm bảo, cho nên vài năm gần đây Trung tâm chỉ tham gia các sự kiện quảng bá hoặc hội chợ du lịch ở khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, còn lại là gửi tập gấp điểm cho Tổng Cục du lịch quảng bá giùm tại các sự kiện ở châu Âu”, ông Tú cho biết.

Các tin khác