Du lịch cộng đồng trước nguy cơ phá sản

(ĐTTCO) - Vài năm gần đây, phát triển du lịch cộng đồng được xem là hướng đi mới của du lịch Quảng Nam, nhằm chia sẻ lợi ích cho người dân thông qua việc tạo sinh kế và thu nhập bền vững; góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, bảo vệ môi trường; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống. 
Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý của các tổ chức, sở, ngành liên quan sau khi dự án kết thúc khiến mô hình này phát triển chệch hướng, thậm chí phải đóng cửa.
Chưa như kỳ vọng

Với vị trí nằm gần Hội An, tháng 10-2008, làng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) được Sở VHTT-DL Quảng Nam chọn triển khai xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng sinh thái - trở thành làng du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.

Du lịch đã giúp mở ra nhiều cơ hội, thay đổi bộ mặt cho Trà Nhiêu, các cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. Cùng đó, các nhóm sản phẩm dịch vụ, làng nghề truyền thống cũng được dự án du lịch hỗ trợ, quy hoạch đồng bộ. Nhiều người dân Trà Nhiêu được đưa đi tập huấn tại Huế, Hội An về các kỹ năng giao tiếp, đón khách, nấu ăn, làm hàng lưu niệm. Hàng chục phụ nữ trong làng được học nghề đan túi xách, mũ, dép… từ cây cói để làm du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, chỉ qua một thời gian hoạt động, mô hình du lịch làng Trà Nhiêu dần bộc lộ những hạn chế, chủ yếu do thiếu cơ chế quản lý và những quy định ràng buộc trong việc phân chia lợi ích giữa các bên liên quan. Hầu hết doanh nghiệp lữ hành và du khách tự do đến làng Trà Nhiêu rồi về Hội An ăn nghỉ. Có ngày Trà Nhiêu đón hơn 100 khách nhưng chẳng thu được đồng nào. Một số gia đình làm nghề thỉnh thoảng có khách ghé thăm, nhưng số tiền nhận được không nhiều do chưa có mức quy định cụ thể. Lợi nhuận vẫn chảy vào túi các đơn vị lữ hành. 

Du lịch cộng đồng trước nguy cơ phá sản ảnh 1Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Quảng Nam) ngày càng thưa thớt khách
Dự án làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên), đến nay vẫn là câu chuyện buồn chưa có hồi kết. Đã 5 năm kể từ ngày khai trương, ước mơ về một điểm đến hấp dẫn bên ngoài di sản khu đền tháp Mỹ Sơn càng ngày càng xa dần. Ông Võ Văn Xoa, nguyên Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, cho biết, khách tới làng ngày càng vắng. Trong khi Sở VHTT-DL và huyện không hỗ trợ gì, kể cả những doanh nghiệp ban đầu cam kết đưa khách tới, giờ cũng đã rút lui. Các thành viên trong làng chủ yếu vẫn tự tìm khách bằng cách đưa thông tin lên Facebook.

“Đình đám” nhất là mô hình làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), bắt đầu triển khai từ năm 2015 với sự giúp đỡ của văn phòng UNESCO và ILO tại Hà Nội. Thời gian đầu, Triêm Tây được xem như mô hình du lịch cộng đồng thành công nhất của Quảng Nam từ trước đến nay. Nhưng cũng như các mô hình du lịch cộng đồng khác của Quảng Nam, những tồn tại và mâu thuẫn nội tại trong quá trình hoạt động khiến du dịch làng Triêm Tây trở nên chệch choạc. Mới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp Triêm Tây (đơn vị đại diện làng du lịch) đã tuyên bố tạm đóng cửa do nguồn thu không đủ để duy trì hoạt động và những mâu thuẫn nội bộ.

Phải tự “cứu” lấy mình

Quay lại câu chuyện của làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu, theo ông Trần Duy Năm, thuộc ban điều hành du lịch, từ khi làng khai trương (năm 2010) đến nay, hầu như huyện và Sở VHTT-DL không hề quan tâm hay hỗ trợ. “Trước đây mình cũng quy định người dân trích lại phần trăm doanh thu từ khách cho ban điều hành, nhưng thấy họ thu một ngày vài chục ngàn đồng cũng ít nên thôi. Ban cũng vài lần xin phép huyện cho mình thu tiền từ doanh nghiệp và du khách, kiểu như phí môi trường hay phí an ninh nhưng phòng VHTT không chịu. Nói ban điều hành lập ra cho vui cũng đúng thôi”, ông Năm cho biết.

Theo ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam, đơn vị đang xây dựng đề án chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, dự kiến cuối năm nay trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề án sẽ có nhiều hỗ trợ cho các làng du lịch cộng đồng như: kinh phí, đào tạo, quản lý điều hành, hạ tầng, tập huấn, quảng bá, cải tạo homestay, sản phẩm lưu niệm… nhằm đảm bảo cho du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững và đúng mục tiêu đề ra

Trước thực trạng trên, các làng du lịch cộng đồng đã có những động thái để “tự cứu lấy mình” bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Trong đó, Trà Nhiêu hiện đã có 3 đơn vị được tỉnh thống nhất chủ trương, gồm: Công ty Hội An Trà Nhiêu với dự án Trà Nhiêu xanh; Công ty Paris nhỏ Mũi Né với dự án Nông trại xanh; Công ty Du lịch Bảo Minh (Hà Nội) với dự án sinh thái Làng cau Trà Đông. Hiện tại, dự án Trà Nhiêu xanh theo mô hình du lịch sinh thái với các chương trình tour trải nghiệm tại rừng dừa ngập mặn, xây dựng resort mang phong cách làng quê cao cấp với tổng diện tích 29ha, kinh phí khoảng 90 tỷ đồng đang được xúc tiến triển khai. 

“Phát triển du lịch cộng đồng phải từng bước, không thể đòi hỏi thành công ngay lập tức, đặc biệt, các tổ chức hoặc ngành không thể làm thay cho thị trường; hoạt động như thế nào là tùy thuộc vào khả năng của cộng đồng địa phương có đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay không… Cái thiếu hiện nay ở các làng du lịch cộng đồng chính là năng lực quản lý; thứ hai là tổ chức chất lượng dịch vụ và cuối cùng là đảm bảo an toàn, an ninh. Cần phải có sự bồi dưỡng, hỗ trợ, quản lý, bao gồm cả tiếp thị sản phẩm. Doanh nghiệp chỉ đóng vai trò là cánh tay nối dài của cộng đồng. Người dân địa phương phải làm tốt 3 khâu trên. Chưa nói, tại một số nơi, các dịch vụ của du lịch cộng đồng đều mang tính tự phát, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tóm lại, du lịch cộng đồng phải mang lại lợi ích cho người dân địa phương, nếu chưa làm được điều đó thì người dân cũng không thể tham gia một cách tích cực được”, ông Tường phân tích.

Các tin khác