Đánh thức biển Thạnh Phú

(ĐTTCO) - Xuôi theo Quốc lộ 57 rộng thênh thang và láng vo hướng về phía biển, bạn có thể thấy dòng xe tải trọng lớn, xe buýt lẫn xe 2 bánh ngược xuôi rất nhộn nhịp và dày đặc. 

Đó là hướng về biển Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Thạnh Phú bây giờ đâu đâu cũng thấy đường sá thẳng băng, cầu Hàm Luông và Cổ Chiên đã hoàn thành, nên làm ăn cái gì cũng dễ dàng, đặc biệt khu du lịch (KDL) biển xã Thạnh Hải thu hút khách rất nhiều…

Có lẽ vì cấu tạo địa chất từ những giồng cát trắng nên Thạnh Phú (xưa gọi là Giồng Miễu) có rất nhiều cái tên dân dã như: Giồng Luông (xã Đại Điền), Giồng Chùa (Mỹ Hưng), Giồng Ớt (An Thuận), Giồng Chanh (An Qui), Giồng Bảy (An Nhơn)…
Đã vậy, do nằm giữa 2 con sông lớn xuôi ra biển nên Thạnh Phú còn có nhiều bến sông lớn như: bến Vông, bến Trại, bến Găng, bến Chỏi, bến Vinh… Những bến bãi này năm xưa nhiều lần đưa bộ đội vượt sông và đón nhận những chuyến tàu đặc biệt chở vũ khí. Ông Lê Quang Chày, 88 tuổi ngụ ấp 8, xã Thạnh Hải, nhớ lại: “Hồi những năm 60, bà Ba Định có về đây chỉ đạo mở bến tiếp nhận súng đạn và đóng tàu cây vượt biển ra Bắc, từ đó mới có tên đường Hồ Chí Minh trên biển”. Hiện Khu tưởng niệm (KTN) đường Hồ Chí Minh trên biển với quy mô hàng chục tỷ đồng đang hối hả thi công. Từ đây nhìn ra biển lớn thật uy thiêng và ẩn chứa biết bao câu chuyện bi hùng về những con tàu không số đã trở thành huyền thoại; Ngã ba Mũi tàu, nơi hình thành KTN đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam; Miễu Bà chúa Xứ ung dung trông về biển cả; Lăng Ông nơi thờ cúng 2 “ông” cá voi nặng gần 80 tấn sa vào biển Thạnh Hải năm 2004, là những ông cá voi to lớn nhất của ĐBSCL. Vì vậy có nhiều du khách đến đây để mục sở thị những bộ xương khổng lồ mang bao câu chuyện tâm linh huyền bí lạ thường. Lăng Ông cũng đang được xây mới với kinh phí hàng chục tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân ven biển, đồng thời phục vụ cho thế mạnh du lịch biển tại đây.
Đánh thức biển Thạnh Phú ảnh 1 Bãi tắm Thạnh Hải vẫn còn hoang sơ. 
Chiều trên cửa sông Khâu Băng rất đẹp và có nhiều sóng. Đồn biên phòng nằm cạnh cửa sông lớn như con mắt thần bảo vệ an ninh Tổ quốc, canh gác sự bình yên cho bao chuyến tàu ra khơi đánh bắt thủy sản, nhiều nhất là ruốc, tôm, mực và các loại cá biển. Làng biển Khâu Băng luôn tất bật với công việc phơi tôm khô, xẻ cá…  Nếu như Trà Vinh có biển Ba Động (huyện Duyên Hải) rất nổi tiếng vì vẻ đẹp nguyên sơ, thì Thạnh Phú có đến 2 bãi biển đẹp, to rộng và luôn giữ được nét thiên nhiên hoang dã là bãi biển Tây Đô và Hàng Dương. 2 bãi biển này hầu như lúc nào cũng nườm nượp hàng trăm xe du lịch, ô tô đến từ nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh ĐBSCL. Điều này minh chứng cho sự quyến rũ, hấp dẫn của biển Thạnh Phú. Có gì thú vị hơn khi ngồi ăn những con tôm, con mực tươi roi rói, nghe đờn ca tài tử hay ca nhạc trong tiếng sóng biển ầm ào; hay nghe người bản địa kể nhiều câu chuyện bi hùng về những con tàu không số vận chuyển vũ khí năm xưa. Việc mua quà cho người thân cũng rất dễ dàng và giá thật rẻ, với nhiều đặc sản rất “độc chiêu” như mắm ba khía, mắm ruốc, khô cá lạt, khô cá khoai… rất được du khách ưa chuộng. Không chỉ biết chí thú làm ăn, người dân xứ biển này còn biết giữ gìn tôn tạo bản sắc văn hóa dân tộc, với những chiếc bánh lá dừa Giồng Luông vang tiếng một thời đang được giữ gìn như một nét văn hóa ẩm thực rất riêng của Thạnh Phú; những ngôi chùa, đình làng cổ xưa là dấu tích những tháng ngày khai hoang mở đất của ông cha xưa hầu như còn nguyên vẹn đang sẵn sàng níu chân du khách. 

Các tin khác