Đà Lạt kẹt cứng, vì sao?

(ĐTTCO)-Vào những ngày cuối tuần, dịp lễ tết, nội ô, đặc biệt khu vực trung tâm Hòa Bình - hồ Xuân Hương, Đà Lạt kẹt cứng với dòng người, xe chen chúc. Vì sao xảy ra tình trạng trước đây không hề có?
    Đà Lạt kẹt cứng, vì sao?

    TS, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia góp ý đồ án "Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050", trao đổi về phương cách để Đà Lạt thoát khỏi những chật chội, tiếp tục phát triển nhưng vẫn bảo tồn được giá trị cốt lõi là đô thị xanh gắn liền với di sản.

    Mở rộng vùng trung tâm

    * Thưa ông, nhiều người cho rằng lượng khách du lịch đến Đà Lạt quá đông đã khiến Đà Lạt không còn yên tĩnh nữa, mất đi cái chất của Đà Lạt và gây quá tải, kẹt xe... Điều này đúng không?

    - Tôi cho rằng nhìn nhận như vậy là chưa đầy đủ. Phải mừng cho Đà Lạt vì du khách yêu thích Đà Lạt, chọn Đà Lạt là nơi du lịch. Có vậy mới có động lực để thành phố phát triển. 

    Đông người đến một nơi nhỏ hẹp thì sinh quá tải là đúng rồi. Nhưng Đà Lạt đâu có nhỏ hẹp. 

    Các thống kê cho thấy Đà Lạt hiện nay có khoảng 300.000 người, mỗi năm đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch. Đà Lạt có sức chứa nhiều hơn như thế. 

    Quy hoạch đến năm 2030 do các chuyên gia Pháp thực hiện, Đà Lạt là thành phố của 700.000 người và sẽ đón 10 triệu lượt khách.

    Quá tải ở đô thị Đà Lạt nằm ở điểm thắt khu Hòa Bình, một nơi quá nhỏ, tập trung quá đông công trình dịch vụ. Mọi luồng giao thông đều dồn về đây. Thậm chí bến xe cũng nằm ở đây.

    * Ông muốn nói đến việc cần phải chỉnh trang toàn bộ khu vực trung tâm?

    - Tôi muốn nói đến việc xác định lại khu vực trung tâm thì đúng hơn. Đà Lạt đã xác định chưa chính xác trung tâm cho sự phát triển. 

    Quy hoạch được phê duyệt năm 2014 xác định hai yếu tố: trục di sản là đường Trần Hưng Đạo - Trần Phú; trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ là khu Hòa Bình. 

    Tôi không phản biện về trục di sản với những biệt thự cổ cần bảo tồn. Đối với khu Hòa Bình, tôi cho rằng đó chỉ là một điểm thuộc trung tâm chứ không phải là trung tâm.

    Khu Hòa Bình quá nhỏ, trong khi mật độ xây dựng quá cao, hiện đã quá tải. Vùng trung tâm cần mở rộng từ khu Hòa Bình ra hồ Xuân Hương. 

    Các đồ án do người Pháp thực hiện trước năm 1954 cũng lấy hồ Xuân Hương làm trung tâm chứ không chọn khu Hòa Bình. 

    Hồ Xuân Hương sẽ làm cho trung tâm Đà Lạt phát triển hài hòa, có khoảng thở.

    Khu Hòa Bình không nên làm xáo trộn thêm bằng những công trình lớn như trung tâm thương mại, khách sạn lớn, mà nó cần được bảo tồn hoặc nếu có thay đổi thì chỉ xây những công trình có khối tích nhỏ, hoặc là công trình công cộng có điểm nhấn. 

    Tôi nhận định rằng đang mắc phải điểm yếu về xác định sai phân khu phát triển và dồn công trình nặng tính chất kinh tế, dịch vụ vào đây. Điều này sẽ có lợi cho nhà đầu tư trong ngắn hạn nhưng về mặt phát triển lâu dài của đô thị thì đó là điểm sai.

    Quy hoạch Đà Lạt thực sự rất khác biệt so với TP.HCM hay các đô thị đồng bằng. Không gian chính của Đà Lạt ngày xưa, hôm nay hay mai sau phải là "không gian xanh, mặt nước", nếu đi ngược lại bằng việc để những công trình khối tích lớn xuất hiện ở khu Hòa Bình thì hiện tượng quá tải sẽ không thoát được.

    Cần có giao thông công cộng

    * Một thực tế là xe cá nhân phát triển với tốc độ hơn 12%/năm và khi du khách đến Đà Lạt nhiều sẽ khiến Đà Lạt rơi vào cảnh kẹt xe.

    - Du khách đến Đà Lạt bằng xe hay những phương tiện khác đó là điều tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu. Đà Lạt không thể mở đại lộ tám làn xe để đón khách, hỏng hết khu trung tâm Đà Lạt. 

    Khi vùng trung tâm được mở rộng, vùng bảo tồn sẽ là khu Hòa Bình, trung tâm của ách tắc về giao thông và không gian sống sẽ được giảm. Ở phân khu phát triển, đường nhỏ sẽ mở nhiều len trong các khu phố. 

    Như vậy, diện tích cho phương tiện di chuyển được mở rộng rất nhiều. Ách tắc cục bộ sẽ được giải quyết.

    Nếu khu trung tâm rộng ra thì cũng không chịu nổi lượng ôtô đổ về Đà Lạt trong những lúc cao điểm du lịch. 

    Tôi cho rằng đến lúc Đà Lạt cần có hệ thống xe điện công cộng dọc các con đường đổ về hồ Xuân Hương và quanh hồ Xuân Hương. Du khách khi dừng ở cửa ngõ thành phố sẽ được trung chuyển vào trung tâm thành phố bằng hệ thống xe này.

    * Có ý kiến cho rằng tìm cách giãn dân ra khu vực trung tâm sẽ giảm áp lực lên Đà Lạt...

    - Khi mở rộng được khu vực trung tâm lấy hồ Xuân Hương làm không gian chính thì khu trung tâm Đà Lạt sẽ chịu được áp lực gấp 10 lần hiện nay. 

    Khu trung tâm nếu định hướng lại không những bảo tồn tốt những gì cần bảo tồn mà còn phát triển thêm được mảng xanh, điều Đà Lạt rất cần. 

    Giãn dân là ý chí nhưng du khách vẫn rất thích đi vào trung tâm khi đi du lịch. 

    Đề án quy hoạch của Đà Lạt sẽ mở các đô thị vệ tinh hướng về Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương cũng nhằm bảo tồn và phát triển khu trung tâm, đồng thời tạo sự cân đối trong phát triển một đô thị.

    Nhưng đó là tương lai và cần rất nhiều tiền đầu tư. Giải pháp mà tôi đưa ra ở trên có tính chất xử lý ngay điểm nóng, bảo vệ khu trung tâm và cảm xúc du khách khi đến Đà Lạt. Đồng thời, duy trì hoạt động du lịch, thương mại của Đà Lạt hiện nay.

    * Thưa ông, nhà cao tầng đang khiến cảnh quan Đà Lạt bị ảnh hưởng rất nhiều và tạo ra áp lực dân cư ngay trong lòng thành phố.

    - Đồ án quy hoạch mới đưa ra giải pháp quản lý chặt nhà cao tầng, giới hạn ở mức độ 3-5 tầng. Đây là sự quyết liệt của chính quyền địa phương nhưng quy định chỉ được phép xây 3-5 tầng vẫn còn rất chung chung đối với Đà Lạt là đô thị với dân cư sống nương theo sườn đồi, sườn núi rất đặc biệt. 

    Như vậy, giới hạn chiều cao phải xác định ở từng vị trí cụ thể theo địa thế. Khối tích công trình cũng phải tính cho hài hòa để đô thị không bị ngợp nhà cao tầng, thiếu khoảng xanh, nhà trước che mất nhà sau.

    Thử tưởng tượng nếu nối tiếp nhau mà không có không gian xanh đệm giữa thì tòa nhà 5 tầng ở đỉnh đồi cộng với hai tòa nhà 5 tầng ở sườn đồi và chân đồi sẽ thành tòa nhà 15 tầng. 

    Cách làm hiện nay ở Đà Lạt đang là như vậy ở khu Hòa Bình và khu Ánh Sáng, chưa có không gian xanh đệm. 

    Tiếp tục như thế cảnh quan Đà Lạt sẽ bị phá hỏng. Đà Lạt giống một số đô thị ở Thụy Sĩ, tôi nghĩ Đà Lạt cần nghiên cứu cách quy hoạch của họ để áp dụng cho mình.

    Các tin khác