Cơ cấu khách quốc tế mất cân đối

(ĐTTCO) - Chỉ trong một thời gian ngắn, du khách Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Làn sóng khách du lịch Trung Quốc đã mang đến những nguồn lợi lớn cho DN du lịch, nhưng cũng gây ra không ít lúng túng cho cơ quan chức năng.

Phố Tàu, nước Nga
Đến khu vực Mũi Né, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) những ngày này sẽ bắt gặp khung cảnh náo nhiệt của mùa du lịch cao điểm. Dọc 2 bên đường Nguyễn Đình Chiểu nối liền khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, nhan nhản cửa hàng, quán xá, nhà hàng trưng bảng hiệu cung cấp dịch vụ lữ hành, massage, cho thuê xe máy, thực đơn... bằng tiếng Nga.
Bất kể vào sáng sớm hay chiều tối, người đi đường đều dễ dàng nhận thấy du khách nước ngoài - chủ yếu là khách Nga - đi dạo phố mua sắm hoặc tản bộ ngắm cảnh… Ông Dương Đức Cảnh, quản lý resort 4 sao The Sailing Bay (phường Mũi Né), cho biết năm 2015 khách Nga đến khu du lịch Mũi Né tăng trưởng ồ ạt, đi đâu cũng gặp khách Nga, biển hiệu tiếng Nga tràn ngập đường phố. Du khách Nga thường đi cả nhóm và rất chịu tiêu tiền để hưởng thụ các dịch vụ tại khu lưu trú như spa, vũ trường, ăn uống...
 Khách quốc tế đến Việt Nam nhiều là tín hiệu vui. Song điều quan trọng không chỉ là thu hút được nhiều khách, mà làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn, quay lại sớm hơn và có ấn tượng tốt về du lịch Việt.
Ông Nguyễn Minh Mẫn
CTCP Dịch vụ du lịch và Thương mại TST TPHCM
Trong khi đó, với TP biển Nha Trang, giai đoạn 2013-2014 dòng khách Nga ùn ùn đến, hàng loạt nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn cùng dịch vụ đi kèm nở rộ. Đi theo đó là biển hiệu, bảng quảng cáo tràn ngập tiếng Nga. Lúc đó cơ quan quản lý mạnh tay dẹp bỏ.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay du khách Trung Quốc ồ ạt vào Nha Trang, tình trạng tương tự lại bùng phát, chỉ khác trước là các nhà hàng, cửa hiệu, bảng quảng cáo được thay bằng tiếng Hoa. Trở lại Nha Trang sau mấy năm, ông Từ Văn Cảnh (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết: “Khách Trung Quốc rất ồn ào. Nơi nào họ ăn, nghỉ đều có vấn đề về vệ sinh”.
Từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ trở thành nước đứng đầu thế giới về chi tiêu du lịch. Trung bình mỗi du khách Trung Quốc chi 2.000USD cho một chuyến du lịch ngoài nước. Tuy vậy, khi đến với TP Nha Trang, du khách Trung Quốc lại có mức chi tiêu khá thấp.
Phần lớn du khách Trung Quốc đến Nha Trang do các DN du lịch của nước này tự tổ chức tour khép kín (hay còn gọi là tour 0 đồng). Để bù lại chi phí đã bỏ ra cho những tour này, các DN lữ hành sẽ dẫn khách vào các điểm mua sắm, dịch vụ gia tăng chỉ định sẵn với giá rất cao.

Trách nhiệm ngành du lịch
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trung Quốc là thị trường khách lớn nhất của du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với số lượng khách đi du lịch nước ngoài năm 2016 đạt khoảng 130 triệu lượt người và dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 200 triệu lượt, Trung Quốc đang trở thành thị trường trọng điểm đầu tư đối với các quốc gia muốn phát triển kinh tế du lịch.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Du lịch Nha Trang, từ khi lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang tăng đột biến, môi trường du lịch ở TP biển này bị ảnh hưởng trầm trọng. Bãi biển, cơ sở lưu trú, các điểm vui chơi giải trí nhiều nơi trở nên nhếch nhác...
Nguyên nhân do ý thức của nhiều du khách Trung Quốc thấp. Hầu hết hướng dẫn viên của các đoàn khách Trung Quốc đều là người của họ, trong khi theo luật người nước ngoài không được làm hướng dẫn viên ở Việt Nam. Các đoàn khách Trung Quốc thuê người Việt làm bình phong để đối phó khi bị kiểm tra. 
Dù khách quốc tế đến nước ta liên tục tăng nhưng lại bộc lộ sự thiếu cân đối trong cơ cấu khách. Trong tổng số 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017, khách Trung Quốc chiếm 31%, khách Hàn Quốc chiếm 18,7%...
Tỷ lệ này cho thấy dù Việt Nam chào đón du khách từ mọi quốc gia, nhưng sự tăng trưởng quá nóng cùng sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn khách đến từ 2 quốc gia trên rất dễ xảy ra tình trạng tăng trưởng nhanh nhưng lại có thể sụt giảm đột ngột, như từng xảy ra ở một số thời điểm. Bên cạnh đó là nguy cơ phát triển một nền công nghiệp du lịch kiểu đại trà với nhiều tác động xấu về kinh tế - văn hóa, nhất là đây không phải là thị trường khách có mức chi tiêu cao. 
Việc tăng trưởng nóng của một số thị trường sẽ đảm bảo mục tiêu ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng về số lượng, nhưng sẽ không đảm bảo về chất lượng. Không chỉ vậy, điều đó gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng như khách sạn, sân bay, các địa danh du lịch. Sự quá tải sức chứa tại các điểm đến có thể làm giảm chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Vì thế, phát triển du lịch có trách nhiệm sẽ góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc, tạo sự tăng trưởng bền vững cho ngành công nghiệp không khói nước ta.

Các tin khác