Chinh phục nóc nhà Đông Dương

(ĐTTCO) - Nếu muốn hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, phóng tầm mắt ra xa để ghi lại mọi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và để một lần được cảm thấy hạnh phúc: Chinh phục nóc nhà Đông Dương.
 
“Nếu ai đó đến Sapa mà chưa đặt chân đến đỉnh Phan Xi Păng, ngọn núi cao nhất Việt Nam và cũng cao nhất Đông Dương thì thật đáng tiếc” - chị Nguyễn Trang Nhung một khách du lịch vừa trở về từ Sapa chia sẻ. Đến Sapa lần đầu tiên vào năm 2010, thời điểm đó để chinh phục được nóc nhà Đông Dương chị Nhung và tất cả mọi du khách chỉ có một cách duy nhất là leo núi.
Có thể chọn đi theo tour của các công ty du lịch, hoặc tự túc với sự dẫn đường của người bản xứ. Vất vả là đương nhiên, nhưng với những người trẻ thích khám phá cảm giác được vượt qua chính mình, chinh phục khó khăn, thử thách để rồi sau 2 ngày leo núi khi lên được đỉnh núi, chạm tay vào bia đá, đánh dấu vị trí cao nhất của Phan Xi Păng, cầm lá cờ Tổ quốc chụp những tấm hình lưu niệm cùng bạn bè sẽ vỡ òa trong một cảm xúc thật khó tả. 
Chinh phục nóc nhà Đông Dương ảnh 1
Trở lại sau 7 năm, lần này chị Nhung cùng những người bạn của mình chọn một cách đi khác là cáp treo. Thực ra đi cáp treo coi như mất đi một phần của cảm giác được chinh phục thiên nhiên hùng vĩ, nhưng bù lại có thể thỏa thích phóng tầm mắt qua khung cửa kính để cảm nhận rõ nét vẻ đẹp xung quanh. Đến nhà ga cáp treo trên núi, du khách sẽ đi thêm vài trăm bậc thang nữa để lên tới nóc nhà Đông Dương, hoặc có thể thuê tàu kéo với giá 100.000/người “nhưng lên tới đây còn đi tàu kéo thực sự không còn chút cảm giác nào của việc chinh phục nóc nhà Đông Dương, trừ khi không có sức khỏe” - anh Đức Toàn, một du khách chia sẻ. 

Ngoài Phan Xi Păng, Sapa có rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như núi Hàm Rồng, nhà thờ cổ, bãi đá, cổng trời, tùy theo thời gian lưu trú và sở thích mà du khách có thể lựa chọn cho mình những điểm đến khác nhau. Thế nhưng, có một kinh nghiệm mà những du khách từng đến đây như anh Toàn, chị Nhung chia sẻ, nếu đến Sapa vào dịp cuối tuần hay những dịp lễ tết cần đặt khách sạn trước vì giá phòng thường không rẻ và hay bị “cháy” phòng. 
Theo lời chị Nhung, Sapa giờ đã thương mại hóa rất nhiều, người người nhà nhà đổ lên đây làm du lịch, cả vùng đất như một công trường khổng lồ với nhiều dự án nhà hàng, khách sạn. Người dân tộc nơi đây cũng đang bị “thương mại hóa”. Thế nhưng, khách vẫn có thể cảm nhận được cái không khí se lạnh mà trong trẻo của vùng đất này, vẫn được tận hưởng những nét đẹp hùng vĩ của những dãy núi, những bức tranh tuyệt đẹp của ruộng bậc thang nhất là khi mùa lúa chín vào tháng 9. Và đương nhiên vẫn có thể thưởng thức nhiều đặc sản của Sapa. 

Các tin khác