Bức bí nguồn nhân lực du lịch

(ĐTTCO) - Du lịch tăng trưởng nóng dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực, trong khi đó, chất lượng lao động của ngành này ở Quảng Nam và Đà Nẵng hiện vừa thiếu, vừa yếu...

Chất lượng không đều

Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Quảng Nam, cho biết, tính đến hết năm 2017, tổng lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch Quảng Nam ước khoảng 13.000 người, độ tuổi phổ biến nhất là 26 - 45 (chiếm 65%). Trong đó, lao động trong lĩnh vực lưu trú khoảng 10.000 người (chiếm 76%); lĩnh vực lữ hành, vận chuyển là 1.000 người (chiếm 8,2%); lĩnh vực nhà hàng, các khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác là 2.000 người (chiếm 15%). Dự báo đến năm 2020, ngành du lịch Quảng Nam cần khoảng 20.000 lao động trực tiếp và 40.000 lao động gián tiếp để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Như vậy, nhu cầu lao động cần đào tạo tại các doanh nghiệp lưu trú giai đoạn từ năm 2018 - 2020 là gần 11.300 người, chủ yếu ở các lĩnh vực nghiệp vụ: nhà hàng, buồng, lễ tân, chế biến món ăn Việt Nam, an ninh khách sạn… Với doanh nghiệp lữ hành, cùng giai đoạn này, dự báo là khoảng 880 người, chiếm 7% trên tổng số lao động, cần đào tạo lại.

Du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng tăng trưởng nóng dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực Ảnh: NGỌC PHÚC

Du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng tăng trưởng nóng dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực Ảnh: NGỌC PHÚC

Nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế như: chất lượng không đồng đều về chuyên môn; thiếu lao động lành nghề; khan hiếm về nhân lực cấp quản lý có chuyên môn cao; chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các khu, điểm còn yếu về kỹ năng, thiếu kiến thức văn hóa, lịch sử; khả năng giao tiếp ngoại ngữ, nhất là những ngoại ngữ hiếm như Nhật, Hàn, Thái, Trung… còn hạn chế. Chính điều này đã tạo nên sự dịch chuyển gay gắt và thiếu hụt về lao động giữa các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống (tập trung ở lao động lành nghề hoặc cấp quản lý).

Về nhu cầu lao động du lịch tại TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết, đến hết tháng 6-2018, lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch ở thành phố này là khoảng 32.000 người. Theo quy hoạch đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón 8,5 triệu lượt khách, nhu cầu lao động du lịch trực tiếp sẽ khoảng trên 35.000 người. Riêng ngành lưu trú, dự báo đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 26.000 phòng và năm 2030 là 62.000 phòng, đồng nghĩa sẽ cần 65.000 - 70.000 lao động. Dù hiện tại, Đà Nẵng có hàng chục cơ sở tham gia đào tạo nghề du lịch mỗi năm, cung ứng khoảng 2.000 lao động, nhưng trên thực tế không thể đáp ứng được nhu cầu công việc. Các doanh nghiệp du lịch vẫn phải đào tạo lại sau tuyển dụng.

Đào tạo mới đáp ứng 1/10 yêu cầu 

Ông Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Quảng Nam, thừa nhận, tại Quảng Nam dù có 7 cơ sở đào tạo nghề có liên quan đến du lịch, mỗi năm ra trường khoảng 1.500 sinh viên nhưng cũng chỉ trên 300 sinh viên đạt trình độ cao đẳng, trung cấp, còn lại là sơ cấp, ngắn hạn. “Số liệu này cho thấy, nguồn nhân lực du lịch đào tạo trên địa bàn Quảng Nam rất ít, trình độ chuyên môn chưa sâu, điều đó giải thích vì sao chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch tỉnh thời gian qua”, ông Thùy lý giải.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, du lịch Quảng Nam luôn tăng trưởng với tỷ lệ từ 15% - 18%. Năm 2017, có gần 5,35 triệu lượt khách đã đến Quảng Nam. 9 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đến Quảng Nam đạt gần 5,4 triệu lượt khách, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện toàn tỉnh có 90 đơn vị kinh doanh lữ hành; 595 cơ sở lưu trú du lịch với 12.139 phòng (gồm 177 khách sạn với 9.516 phòng; 250 homestay với 1.000 phòng; 168 biệt thự du lịch với 1.623 phòng). Dự báo, khi các dự án du lịch phía Nam của tỉnh như Nam Hội An, Vinpearl… đi vào hoạt động sẽ thu hút trên 6.000 lao động có tay nghề.

Theo ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Hoa Hồng (Hội An), lao động du lịch Quảng Nam đang thừa mà thiếu. Thừa vì không đáp ứng yêu cầu về công việc (chuyên môn, ngoại ngữ), thiếu những nhân lực chất lượng cao dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt. Ngoài cạnh tranh với các địa phương bên ngoài như TP Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, các doanh nghiệp du lịch Hội An còn cạnh tranh với nhau để có nguồn nhân lực tốt nhất. “Trong một số trường hợp, chúng tôi chấp nhận tuyển dụng để đào tạo lại, nhưng cũng chỉ sau một thời gian ngắn làm việc, các lao động lại “nhảy” đến nơi khác”, ông Dũng chia sẻ.

Cũng vấn đề đào tạo, ông Nguyễn Xuân Bình nêu rõ: Đà Nẵng hiện đã đạt trên 29.000 phòng khách sạn (bao gồm khoảng 4.000 phòng theo loại hình condotel - căn hộ khách sạn), tuy nhiên nhu cầu lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 2/3 số lượng. “Các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học có đào tạo chuyên ngành du lịch tại Đà Nẵng hiện chỉ đáp ứng khoảng 1/10 yêu cầu. đây là vấn đề hết sức bức xúc không chỉ của Đà Nẵng, khu vực miền Trung mà là cả nước”, ông Bình phân tích.

Đối với công tác đào tạo, ông Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Quảng Nam, cho rằng, cần quy hoạch lại mạng lưới các trường, tính toán để có thể sáp nhập hoặc nâng một số trường từ trung cấp lên cao đẳng; tập trung đầu tư trang thiết bị, vật chất, con người và chương trình; ban hành một số cơ chế, chính sách để bảo đảm việc đào tạo đạt yêu cầu… Sở LĐTB-XH Quảng Nam sẽ tham mưu tỉnh mở rộng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tham gia vào ngành du lịch như: hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo, tiền ăn hàng ngày, kể cả tiền đi lại cho học viên nếu cách xa 10km trở lên; riêng người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ tiền ở…

Các tin khác