Du lịch tự túc qua ứng dụng

Bình mới, rượu vẫn cũ

(ĐTTCO) - Một vài năm gần đây, để từng bước cải thiện hình ảnh du lịch tại các TP lớn, rất nhiều ứng dụng, giải pháp công nghệ đã được đưa ra. Thế nhưng, các ứng dụng vẫn chỉ đang giải quyết bề nổi là thông tin, phương thức tiện ích hơn, còn để du lịch thực sự cất cánh, những điểm nghẽn lâu nay của ngành du lịch vẫn nghèo nàn điểm đến và an toàn cho du khách. 

Bùng nổ ứng dụng du lịch
Lần đầu tiên đến với TPHCM cùng gia đình, thay vì chọn tour của các hãng lữ hành, anh Hoàng Khang (Hải Phòng) quyết định tự khám phá TP năng động này. Và sau khi tìm hiểu thông tin, anh đã cài ứng dụng “du lịch thông minh TPHCM” (Vibrant Ho Chi Minh City) trên điện thoại. Nhờ ứng dụng này anh có thể đặt phòng trước, và gần như trong suốt chuyến đi không phải hỏi thăm về địa điểm tham quan nổi tiếng, những quán ăn hay các trung tâm mua sắm... thậm chí gia đình anh còn có dịp tham gia vào một vài sự kiện văn hóa du lịch diễn ra đúng thời điểm có mặt tại TPHCM, thông qua thông tin từ ứng dụng trên. 
 Khách du lịch ngày càng ưa thích tìm tòi những trải nghiệm riêng. Họ không thích đi theo tour, theo đoàn lớn mà thích đi theo những nhóm nhỏ. Vì thế, chúng tôi muốn xây dựng và phát triển ứng dụng thông minh này nhằm đưa ra các giải pháp, thông tin để khách tự lựa chọn tour du lịch cho riêng mình. 
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, 
Giám đốc Sở Du Lịch TPHCM
Ứng dụng du lịch thông minh TPHCM là sản phẩm của sự kết hợp giữa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và Sở Du lịch TPHCM, nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch TP cho du khách trong và ngoài nước. Hiện ứng dụng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện nhưng cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng.
Cũng là một TP du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước, tháng 4 vừa qua Đà Nẵng cũng chính thức đưa ứng dụng thông minh Chatbox “Danang fantasticity” vào hoạt động. Với ứng dụng này, khách du lịch có thể tìm hiểu, tự lên kế hoạch du lịch cho mình nhờ ứng dụng cung cấp mọi thông tin về điểm thăm quan, ẩm thực, lưu trú cũng như nhiều thông tin cần thiết khác cho khách du lịch, như vị trí nhà vệ sinh công cộng, địa điểm các cây ATM… 
Và trong bối cảnh du lịch thông minh đang bùng nổ như hiện nay, Tổng cục du lịch Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Ngày 23-10 vừa qua, Tổng cục du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel, VTV và công ty phát triển công nghệ truyền thông Việt Nam, để triển khai cổng thông tin du lịch thông minh VTV travel. Thông qua VTV travel, du khách sẽ được tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ về các điểm đến; video giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc từng vùng, địa phương; được tư vấn thông tin theo địa lý dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm qua định vị; nghe tư vấn lịch trình, chỉ đường, gợi ý các địa điểm ăn uống, nhà hàng, khách sạn, các sự kiện nổi bật thông qua chức năng gọi nghe nội dung tự động. Bên cạnh đó, du khách sẽ được hỗ trợ giải quyết các vấn đề khiếu nại thông qua kết nối trực tiếp với các cơ quan chức năng để phản ánh khi cần thiết.
Trên thực tế, không chỉ các TP hay tổng cục du lịch có ý tưởng làm các ứng dụng du lịch thông minh, mà với nhiều cá nhân du lịch cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho việc triển khai các ứng dụng, công nghệ mới. Bằng chứng là trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch TPHCM, đã có vài chục dự án tham dự với rất nhiều ý tưởng, giải pháp như: số hóa vé giấy tại các khu du lịch thành vé điện tử (dự án save money); nền tảng đặt vé tham quan (cheep cheep), hay ứng dụng tìm kiếm chính xác vị trí các shopping Mall trong trung tâm thương mại (dự án Inn Kom), ứng dụng hướng dẫn viên ảo (dự án my guide)…  Trong đó có nhiều ứng dụng đã được các nhóm dự án đưa vào ứng dụng thực tế tại một số địa điểm du lịch. 

Vẫn nghèo nàn điểm đến
Nhiều ứng dụng, giải pháp cho du lịch đang là hướng đi tất yếu theo xu hướng chung của thế giới. Song ngành du lịch vẫn đang phải đối mặt với những điểm nghẽn cố hữu. Đơn cử như câu chuyện tại TPHCM. Thông qua ứng dụng du lịch thông minh khách có thể tìm kiếm thông tin về các địa điểm mua sắm, thế nhưng có theo dõi kỹ mới thấy những địa điểm loanh quanh vẫn vài trung tâm cũ, thêm vài siêu thị, một vài cửa hàng thủ công mỹ nghệ…
Tất cả đều thực sự chưa mang tính thuyết phục, nhất là với các du khách nước ngoài. Vì trên thực tế TPHCM đang thiếu những trung tâm mua sắm có tầm cỡ. Đó cũng là nguyên nhân khiến khách đến nhiều nhưng chi tiêu chẳng bao nhiêu. Ngay cả khách Trung Quốc, nguồn khách được cho là mạnh tay chi tiêu nhất khi đi du lịch, dường như cũng thờ ơ khi đến TPHCM cũng như nhiều điểm đến khác của Việt Nam. 
Bình mới, rượu vẫn cũ ảnh 1 Điểm tham quan di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (TPHCM) vẫn còn nghèo nàn,
thiếu hấp dẫn để du khách trở lại. 
Theo đánh giá của hầu hết các công ty lữ hành, du lịch TPHCM đang thiếu rất nhiều sản phẩm du lịch về đêm. Tại một diễn đàn du lịch TPHCM diễn ra cách đây không lâu, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám Công ty du lịch Vietravel, bày tỏ các sản phẩm du lịch của Việt Nam và TPHCM nói riêng hiện nay nặng về lấy văn hóa làm nền tảng, nên chủ yếu là các sản phẩm du lịch từ 7 giờ sáng đến 17 giờ, còn các sản phẩm từ 18 giờ đến 2 giờ sáng còn nghèo nàn.
Trong khi đó, khách lại có nhu cầu với nhóm sản phẩm về đêm, và lợi nhuận từ những sản phẩm này không hề nhỏ. Phần nhiều khách quốc tế đến sau khi tham quan các điểm như chợ Bến Thành, địa đạo Củ Chi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh… họ chỉ biết về ngủ vì không biết đi đâu. Ngay cả phố tây Bùi Viện, con phố được cho là nơi khách du lịch quốc tế giải trí về đêm nay cũng chủ yếu là khách Việt Nam. 
Không chỉ TPHCM, ngay cả ngành du lịch Việt Nam cũng còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đơn cử như vấn đề an ninh, an toàn và đảm bảo quyền lợi cho du khách khi tham quan mua sắm dường như vẫn chưa thể giải quyết. Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, kinh nghiệm của Bangkok (Thái Lan) cho thấy, nơi đây đảm bảo môi trường an ninh, an toàn cho du khách rất tốt; đồng thời kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, quyền lợi của khách luôn được đề cao.
Thí dụ, tại các điểm tham quan như Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia, nếu khách muốn mua các loại thuốc chiết xuất từ nọc rắn thì phải có bác sĩ khám bệnh cẩn thận. Hoặc Trung tâm Chế tác đá quý ở Bangkok cam kết thu mua lại sản phẩm bất kỳ lúc nào khách có nhu cầu.
Sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều nét văn hóa, ẩm thực độc đáo, thế nhưng nếu chúng ta không thể giải được những bài toán cũ này, dù cho có bao nhiêu ứng dụng thông minh đi nữa cũng khó để phát triển du lịch bền vững thật sự. Bởi ứng dụng chỉ là giải pháp thông tin, còn để du khách thực sự ấn tượng và muốn quay lại thì phải bằng những dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn. Lẽ dĩ nhiên, du lịch vốn là ngành kinh tế tổng hợp để giải quyết những vấn đề này không chỉ có riêng ngành du lịch, mà cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành khác. 

Các tin khác