Xu hướng Co - working space

(ĐTTCO) - Mô hình không gian làm việc chung (Co-working space) đang bùng nổ tại Việt Nam. Chia sẻ với ĐTTC, ông NGUYỄN TRUNG TÍN (ảnh), Tổng giám đốc Trung Thủy Group (TTG), người sáng lập Dreamplex Coworking Space, cho rằng cơ hội phân khúc này đang rất rộng mở, không chỉ thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp trong nước còn gây sự chú ý cho các thương hiệu toàn cầu.

PHÓNG VIÊN: - Là một trong những người tiên phong đầu tư mô hình Co-working space tại TPHCM, đến nay ông đã tìm được hướng đi vững chắc cho dự án của mình?
Ông NGUYỄN TRUNG TÍN: - Trước khi đầu tư mô hình này, TTG đã hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh văn phòng cho thuê. Thời điểm 2014-2015, cùng với sự hồi phục của bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung, thị trường văn phòng cho thuê tại TPHCM phát triển rất mạnh mẽ.
Xu hướng Co - working space ảnh 1  
Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng trong khi không gian, quỹ đất có giới hạn, nên ngay từ khi tiếp quản TTG, tôi đã suy nghĩ đến mô hình không gian làm việc chia sẻ, một loại hình văn phòng kiểu mới đã rất phát triển ở Mỹ, Singapore, Indonesia…, nhằm mang lại những giá trị cộng đồng và hiệu suất kinh doanh cao hơn, thay vì cho thuê theo kiểu truyền thống.
Hiện nay Dreamplex đã có 3 cơ sở và đang trong quá trình thực hiện cơ sở thứ 4. Trong năm 2019, con số này sẽ được nâng lên thành 8 địa điểm. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển 20 điểm hoạt động, mỗi năm khoảng 4-5 cơ sở, tỷ lệ lấp đầy 80-90%, tùy từng cơ sở và từng mùa. Có những khách hàng, khi đã lớn mạnh muốn thuê văn phòng riêng lớn hơn, khi họ chuyển đi chúng tôi cần thời gian để người mới tới thuê, đó chính là tỷ lệ phòng trống mỗi thời điểm.
- Ông từng chia sẻ mô hình Co-working space lợi nhuận không cao. Lý do nào lôi cuốn ông đầu tư vào mảng dịch vụ này?
- Tôi có cảm hứng và niềm tin với mô hình này, nhưng tất nhiên một mình tôi chưa đủ. Như bất cứ sản phẩm nào đã đưa ra thị trường trước đó, chúng tôi dành thời gian để tìm hiểu về nhu cầu và tính toán kỹ các bài toán về tài chính. Theo đó, tôi nói chuyện với những người bạn đang điều hành doanh nghiệp, những người mới thành lập công ty về ý tưởng này, và nhận ra rằng mô hình này có thể giúp đỡ được rất nhiều cho họ. Bởi khi cùng diện tích kinh doanh, thay vì bạn chỉ phục vụ được 20-50 người của 2-3 công ty, bạn có thể phục vụ hàng trăm người từ hàng chục công ty, rõ ràng giá trị  bạn mang lại đã lớn hơn rất nhiều. 
Đặt ngược vấn đề lại, khi chỉ 2-3 công ty phải chia sẻ một diện tích ở những vị trí đắt đỏ như quận 1, chi phí vận hành họ phải bỏ ra rất lớn, bao gồm cả những diện tích họ không thường xuyên sử dụng. Nhưng nếu nhiều người cùng chia sẻ không gian, bạn được sử dụng những dịch vụ tương đương với chi phí thấp hơn rất nhiều. Đây chính là mục đích của Dreamplex, nhất là trong bối cảnh bùng nổ các doanh nghiệp startup hiện nay.
- Hiện TPHCM có khá nhiều đơn vị nhảy vào phân khúc Co - working space. Ông nhận định thế nào về tiềm năng, cơ hội, tính cạnh tranh lẫn thách thức đối với lĩnh vực này?
- Các công ty nhỏ không có ngân sách quá lớn để đầu tư cơ sở vật chất, có thể chọn mô hình này để tiết kiệm các chi phí lắp đặt trang thiết bị, dễ dàng giải quyết vấn đề không gian khi tăng giảm nhân sự. Bởi nếu thuê văn phòng kiểu truyền thống, khi số lượng nhân viên tăng lên, có thể họ không còn chỗ, lúc đó lại phải tìm kiếm văn phòng khác với các chi phí phát sinh rất lớn. 
Nhu cầu cần môi trường làm việc chia sẻ trên, cho thấy tiềm năng cơ hội phát triển lĩnh vực này còn rất lớn, kéo theo đó sự cạnh tranh càng gay gắt hơn. Hiện đã xuất hiện những cái tên chuyên nghiệp trong lĩnh vực Co-working space, tuy nhiên mỗi công ty đều có lợi thế riêng và tiếp cận thị trường này với những góc độ khác nhau.
Các công ty quốc tế chuyên về lĩnh vực này cũng bắt đầu xây dựng cơ sở của họ tại Việt Nam. Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước đang làm rất tốt việc dẫn dắt và khai phá tiềm năng thị trường, đã gây được sự chú ý từ những thương hiệu toàn cầu. 
Tôi nghĩ sự cạnh tranh là cần thiết để khách hàng được tiếp cận các sản phẩm tốt và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt. Công nghệ cũng đang mở ra xu hướng làm việc mới, không yêu cầu cao về sự cố định hay các không gian làm việc rộng lớn, vì ở bất cứ đâu đều có thể kết nối với nhau. Không gian làm việc chia sẻ sinh ra để đáp ứng nhu cầu cho thế hệ doanh nghiệp mới mẻ như vậy. 
- Đối tượng thuê văn phòng chia sẻ thường là startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chi phí thuê thường cao gấp đôi so với văn phòng truyền thống, thưa ông?
- Hiện chúng tôi có 4 đối tượng khách hàng: startup, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh tự do (freelancer). Nếu so với thuê văn phòng truyền thống, so với Dreamplex đắt gấp 2-3 lần. Dreamplex khoảng 65USD/m2, trong khi văn phòng truyền thống khoảng 27USD. Nhưng những giá trị Dremplex mang lại cho các thành viên rất lớn.
Đối tượng thuê Dreamplex là những người không muốn tốn kém đầu tư ban đầu và có chỗ ngồi khi nhân sự tăng. Họ không cần mua cà phê, không cần lễ tân, không cần phòng họp. Nếu thuê văn phòng truyền thống, khi họp phải thuê địa điểm. Ở đây, phòng sẵn và giống như tiện ích công cộng. Quan trọng nhất là cộng đồng thành viên của Dreamplex rất rộng lớn và đa dạng ở nhiều lĩnh vực.
Nó mang lại những cơ hội khó tìm thấy ở những văn phòng truyền thống. Đã có rất nhiều thành viên cùng hợp tác với nhau hay cùng nhau đưa ra các giải pháp cho các ý tưởng mới. Còn với freelancer, giá thuê khoảng 3 triệu đồng/tháng, có phục vụ nước, cà phê.
- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác